Theo phản ánh của nhiều bạn đọc, phóng viên Báo Người Lao Động đã thực tế đường dẫn lên cao tốc TP HCM - Trung Lương, đoạn từ cầu vượt Nguyễn Văn Linh đến đường Võ Trần Chí, (thuộc huyện Bình Chánh, TP HCM). Dù mới đưa vào khai thác nhưng hiện đường này xuống cấp trầm trọng, nhiều vết nứt, thậm chí hố sâu.
Lún cả nửa gang tay
Ghi nhận của phóng viên cho thấy có nhiều đoạn trên đường dẫn lên cao tốc TP HCM - Trung Lương lún so với mặt đường cả nửa gang tay, tạo thành các điểm nhấp nhô. Thậm chí có những khu vực mất hẳn lớp nhựa phía trên, lún sâu, lởm chởm đá… khiến nhiều phương tiện vướng mặt đường không thể lưu thông. Nhiều đoạn trên tuyến đường này vừa được chủ đầu tư "vá" tạo thành các vết chằng chịt.
Người dân sinh sống ở khu vực huyện Bình Chánh và quận Bình Tân thường gọi đường Trần Văn Giàu (đoạn từ đường dẫn lên đường cao tốc đến vòng xoay Tỉnh lộ 10) là con đường "đau khổ", bởi mới đưa vào sử dụng từ cuối 2015 nhưng xuống cấp khủng khiếp.
Đoạn đường Trần Văn Giàu dài khoảng 2 km, xuất hiện nhiều hố lớn, hố nhỏ. Hầu hết mặt đường bong tróc lớp nhựa, thậm chí trồi đá, cát trên mặt đường, gồ ghề như ruộng bậc thang.
"Có nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra do tuyến đường xuống cấp quá nhanh, nhất là khi trời mưa, nước ngập không nhìn thấy "ổ voi" để tránh" - một hộ dân sống ven đường này cho biết.
Đường Trần Văn Giàu do Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 và số 4 của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM làm chủ đầu tư với gần 552 tỉ đồng từ vốn ngân sách TP. "Đường gì mà mới đưa vào sử dụng được 2 năm đã xuống cấp, trong khi thiết kế nghe nói thọ cả trăm tuổi" - một tài xế container bức xúc.
Rất nhiều hố sâu trên đường Trần Văn Giàu
Hố sâu đến đầu gối
Nói đến những con đường có chất lượng "lao dốc" một cách nhanh chóng không thể không nhắc đến đường Nguyễn Hữu Thọ, đoạn từ cầu Bà Chiêm đến KCN Hiệp Phước (huyện Nhà Bè). Hiện trên đường này đã có rất nhiều hố rộng cả chục mét, sâu đến đầu gối.
Theo Sở GTVT TP HCM, đoạn đường Nguyễn Hữu Thọ nói trên dài 2,2 km. Nguyên nhân khiến xuống cấp nhanh chóng là do không có cống thoát nước, cộng với xe tải trọng lớn lưu thông nhiều. Sở này cũng cho biết đã nhiều lần sửa chữa nhưng chỉ được thời gian ngắn là tái diễn.
Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Vinh, Giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 4 (đơn vị đang quản lý tuyến đường này), cho biết: "Đoạn hư hỏng là từ cầu Tân Tạo đổ về phía gần đường Nguyễn Cửu Phú, trước đây do Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 làm chủ đầu tư. Lúc đó, có tên là dự án Tỉnh lộ 10B. Đoạn vừa qua cầu Tân Tạo đến ranh tỉnh Long An do Khu Quản lý giao thông đô thị số 4 làm chủ đầu tư thì cơ bản ổn, chỉ sửa chữa nhỏ"(?).
Do trình độ thi công?
Trước đó, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Văn Tám, Phó Giám đốc Sở GTVT TP HCM, cho rằng một số công trình xuống cấp là do lượng phương tiện lưu thông đông trong khi nguốn vốn chỉ có khả năng duy tu, bảo trì được khoảng 30% nhu cầu thực tế.
Theo ông Hà Ngọc Trường, Phó Chủ tịch Hội Cầu Đường Cảng TP HCM, để các công trình xuống cấp nhanh chóng như hiện nay thì Sở GTVT phải có trách nhiệm vì đây là lĩnh vực thuộc quyền quản lý. Chuyên gia giao thông Phạm Sanh cho rằng công trình giao thông xuống cấp nhanh chóng là do trình độ thi công của các nhà thầu còn thấp; việc giám sát thi công, nghiệm thu lỏng lẻo. Đó là chưa nói đến việc nhiều đơn vị thi công yếu năng lực, rút ruột công trình khi thi công.
Thiếu tiền để duy tu, bảo dưỡng
Theo Sở GTVT TP HCM, trong năm 2016, sở này cần 11.000 tỉ đồng để duy tu, bảo dưỡng cầu, đường nhưng chỉ được cấp gần 543 tỉ đồng. Tương tự, năm 2017 cần hơn 14.000 tỉ đồng nhưng chỉ được cấp gần 600 tỉ đồng. Do thiếu tiền nên chỉ duy tu, bảo dưỡng những công trình thật sự cần thiết hoặc hư hỏng nặng. Điều này dẫn đến một số công trình giao thông trên địa bàn đang xuống cấp, ảnh hưởng an toàn giao thông.
Bình luận (0)