Điều đáng nói là chương trình tri ân khách hàng "chưa có giấy phép" này do Công ty TNHH MTV Thương mại và Lữ hành Quốc tế tổ chức có gần 600 du khách Trung Quốc tham gia. Chương trình chưa được phép thực hiện nhưng vẫn tổ chức rầm rộ.
Những nội dung gì đã được "tung" ra trong chương trình này với sự hiện diện của rất đông người Trung Quốc (mặc trang phục truyền thống của Trung Quốc nhưng lại tổ chức tại Việt Nam)? Có thể nói vụ việc này một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về sự chủ quan, lỏng lẻo trong công tác quản lý của chính quyền địa phương.
600 người Trung Quốc mặc trang phục truyền thống tham dự 1 sự kiện được tổ chức tại Việt Nam- nhưng sự kiện này chưa được cấp giấy phép- khiến dư luận bức xúc.
Trước đó, một công trình "bí ẩn" được xây dựng trên một ngọn núi thuộc địa bàn thôn Rọ Phải, xã Mai Pha, TP Lạng Sơn, gần như là một phim trường có nhóm người Trung Quốc thường xuyên tụ tập quay phim. Vụ công trình "bí ẩn" này cũng theo một "quy trình" quen thuộc: người dân phát hiện báo lên thì chính quền mới "biết" và vào cuộc kiểm tra, xử lý.
Trong thời gian qua, nhiều sự việc xảy ra khiến dư luận bức xúc, như: bản đồ "đường lưỡi bò" xuất hiện trên nhiều sản phẩm, dịch vụ; app GoViet "ẩn" tên 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam; nhà thiết kế Trung Quốc "nhận vơ" áo dài Việt Nam; "phim trường" tại Lạng Sơn và bây giờ là chương trình tri ân khách hàng tại Quảng Ninh .
Vì sao 1 sự kiện - chưa có giấy phép - nhưng vẫn được tổ chức rầm rộ tới gần 600 người Trung Quốc tham gia, mà không có sự can thiệp kịp thời của chính quyền địa phương? Cán bộ quản lý địa phương, nhất là ở vùng biên giới, phải luôn đề cao cảnh giác để phát hiện những dấu hiệu khác lạ trên địa bàn mình quản lý, qua đó kịp thời ngăn chặn, xử lý.
Vụ việc tổ chức chương trình tri ân khách hàng tại Quảng Ninh khi chưa được cấp phép cần phải được cơ quan chức năng xem xét, làm rõ, xử lý nghiêm nếu các cá nhân, tổ chức có vi phạm, vì đã khinh suất, thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý để làm gương.
Bình luận (0)