Sau vụ lùm xùm về clip cặp đôi thân mật quá đà trong rạp phim bị chụp lại từ camera giám sát và tung lên mạng, nhân viên vi phạm đã bị lãnh đạo rạp phim xử lý. Tuy nhiên, sau vụ này, nhiều khán giả khá bất ngờ khi biết rằng trong mỗi rạp phim đều có camera giám sát.
Không biết có camera
Theo tìm hiểu của phóng viên, đa phần các rạp chiếu phim hiện nay như: CGV, BHD, Lotte Cinema, Galaxy... đều lắp camera để giám sát an ninh trong rạp mà không làm phiền đến khán giả. Khi nhân viên giám sát phát hiện hành vi quay lén phim hoặc livestream trên mạng, họ sẽ nhanh chóng ngăn chặn, xử lý người vi phạm. Đây là giải pháp bảo vệ bản quyền phim, bảo đảm quyền lợi nhà sản xuất, phòng ngừa nạn trộm cắp, để quên tư trang trong rạp…; đồng thời mang đến lợi ích thiết thực cho khán giả nếu thông tin được bảo mật chặt chẽ và khán giả đều biết có camera giám sát.
Tối 31-7, khi chúng tôi hỏi một số khán giả xem phim tại cụm rạp Lotte Cinema, CGV, đa phần họ tỏ ra ngạc nhiên trước thông tin có camera giám sát trong rạp phim. "Tôi không biết mà cũng không quan tâm chuyện này. Có điều theo tôi, nơi công cộng như quán ăn, công viên, đường phố…có camera an ninh thì rạp phim làm việc này cũng bình thường và cần thiết. Tôi không thấy bất tiện. Chỉ là rạp cần quản lý chặt hơn để bảo mật thông tin khách hàng" - khán giả Minh Hoa (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) nêu ý kiến.
Khán giả Thu An (ngụ huyện Củ Chi, TP HCM) nói: "Tôi không biết có camera giám sát. Trước khi chiếu phim, họ có đoạn video nội quy xem phim, nhắc nhở khán giả không được mang thức ăn, nước uống bên ngoài vào rạp, không quay phim, chụp ảnh, livestream... nhưng không đề cập gì đến camera an ninh. Tôi nghĩ họ muốn bảo đảm trật tự trong rạp và bảo vệ bản quyền, việc đặt camera không ảnh hưởng gì đến khán giả bình thường như tôi".
Khán giả Trung Nhân (ngụ huyện Nhà Bè, TP HCM), Nghi Lưỡng (ngụ Trung Sơn, huyện Bình Chánh, TP HCM) và một số khán giả khác cũng cho biết không lo ngại hay thấy bất tiện gì khi rạp phim gắn camera nhưng phải thông báo cho khán giả biết để họ không có những hành động "xấu xí" (dù là vô tình) và phải quản lý tốt công tác bảo mật để không lộ hình ảnh riêng tư của khách hàng khi chưa xin phép.
Các rạp phim nên thông báo việc có gắn camera giám sát qua các biển thông báo tại quầy vé, trong rạp phim hoặc in trên vé để khách hàng biết và lưu ý. (Ảnh chỉ có tính minh họa ) Ảnh: Hoàng Triều
Tự ý tung hình ảnh khán giả lên mạng là vi phạm
Bàn về vấn đề này, luật sư (LS) Nguyễn Văn Đức (Đoàn LS TP HCM) phân tích các rạp phim gắn camera giám sát có thể khuyến cáo, cảnh báo khách hàng nên có cử chỉ, lời nói, hành vi đúng mực nơi công cộng vì mọi hành động của họ đều được camera ghi lại. "Việc cảnh báo không bắt buộc nhưng nếu có sự cảnh báo đó, sẽ không xảy ra sự cố phản cảm như clip lan truyền trên mạng mấy ngày qua. Đó cũng là một biện pháp hạn chế được những hành xử không chuẩn mực nơi công cộng" - LS Đức nêu quan điểm.
Về clip đang lan truyền trên mạng, LS Đức cho rằng cần phân định rạch ròi giữa hành vi phản cảm của cặp đôi ở rạp phim (hoặc nơi công cộng nói chung) và hành vi xâm phạm đến quyền cá nhân đối với hình ảnh, quyền được bảo vệ danh dự, uy tín, quyền bí mật của cá nhân được Bộ Luật Dân sự bảo hộ. Việc nhiều người có những cử chỉ, hành động thân mật thái quá nơi công cộng là cần phải lên án và việc này thuộc về phạm trù đạo đức, văn hóa ứng xử nơi công cộng. Tuy nhiên, họ làm sai và bị lên án không đồng nghĩa với việc người khác có quyền tung hình ảnh lên mạng khi chưa được sự đồng ý của họ. "Sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý và không được làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của họ. Nếu vi phạm thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu tòa án ra quyết định buộc người vi phạm phải thu hồi, tiêu hủy và bồi thường thiệt hại" - LS Đức nhấn mạnh.
LS Võ Đan Mạch (Đoàn LS TP HCM) cho rằng các rạp chiếu phim gắn camera là chuyện bình thường, phù hợp và phục vụ cho việc quản lý của rạp. Pháp luật không quy định việc lắp đặt camera giám sát trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc sự quản lý của mình phải thông báo cho khách hàng biết nhưng dữ liệu, hình ảnh được camera ghi lại phải được lưu trữ và quản lý chặt chẽ. "Để tránh xảy ra những sự việc không mong muốn, thiết nghĩ các rạp phim cần thông báo thông tin này qua các biển thông báo tại quầy vé, trong rạp phim hoặc in trên vé để khách hàng biết và lưu ý mà có hành xử đúng mực" - LS Mạch góp ý.
Nhìn từ góc độ pháp luật, theo LS Mạch, việc tung hình ảnh nhạy cảm lên mạng xã hội đã vi phạm các quy định về bảo đảm quyền riêng tư (điều 21 Hiến pháp 2013, Bộ Luật Dân sự 2015), nạn nhân có quyền yêu cầu rạp chiếu phim xác minh, xử lý trách nhiệm đối với cá nhân đã sử dụng thông tin của người khác một cách tùy tiện, phát tán thông tin, hình ảnh, bí mật đời tư của người khác. Về chế tài xử lý vi phạm, tùy vào tính chất và hậu quả của hành vi mà người thực hiện hành vi vi phạm sẽ bị xử lý trách nhiệm hình sự, dân sự hay hành chính.
Xóa dữ liệu sau 30 ngày
Một số sân khấu kịch cũng đã lắp đặt hệ thống camera với mục đích theo dõi diễn biến khán phòng, kiểm soát an ninh, hành vi kém văn hóa và việc quay lén cảnh diễn trên sân khấu. "Việc gắn camera nhằm ngăn chặn kịp thời và có bằng chứng để nhờ cơ quan an ninh can thiệp khi cần, đồng thời bảo vệ bản quyền. Theo nội quy, sau 30 ngày, chúng tôi sẽ xóa dữ liệu lưu trữ và bảo đảm không ảnh hưởng đến quyền cá nhân riêng tư. Từ khi đặt camera đến nay chưa có trường hợp nào vi phạm để phải kiểm tra hệ thống này" - đạo diễn Ngọc Hùng (Sân khấu Nhà hát Thế Giới Trẻ) cho biết.
Tại rạp Công Nhân (thuộc sự quản lý của Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM) cũng thiết lập hệ thống camera từ nhiều năm nay. Theo người phụ trách rạp, công việc này nhằm đáp ứng yêu cầu quan sát diễn biến vở diễn và chương trình diễn ra với sự phản ứng của khán giả. Ở đây cũng chưa xảy ra trường hợp nào phải kiểm tra lại hệ thống camera vì lực lượng nhân viên của rạp luôn túc trực nhắc nhở khán giả kịp thời. Hệ thống camera cài chế độ tự xóa sau 30 ngày.
T.Hiệp
Bức xúc với ý thức người xem phim rạp
Những ngày qua, trên mạng xã hội bàn luận nhiều về hình ảnh một cặp đôi có hành vi thân mật thái quá trên ghế xem phim. Chưa bàn đến khía cạnh pháp lý của việc tung lên mạng clip này, hành động của 2 khán giả trên nhận khá nhiều lời chê trách bởi sự "vô tư", không đúng mực ở nơi công cộng như rạp chiếu phim.
Thực tế, văn hóa xem phim rạp đang có nhiều điều cần bàn đến. Ngoài những tình huống quá lố của một vài cặp đôi, còn rất nhiều hành vi thiếu ý thức khác gây bức xúc cho những người đến rạp phim để giải trí, thưởng thức nghệ thuật điện ảnh.
Đó là bất chấp quy định, lời nhắc nhở của nhân viên rạp phim, nhiều khán giả không tắt chuông điện thoại, mở màn hình điện thoại sáng trưng… vì mải lướt Facebook. Đó là có những nhóm bạn vào trễ còn nói chuyện ồn ào, gọi nhau í ới tìm chỗ ngồi, khi đã yên vị thì vừa xem phim vừa bàn luận về bộ phim, về diễn viên và đủ thứ chuyện khác; nhiều phụ huynh dẫn con nhỏ vào rạp, vô tư để con đạp vào ghế phía trước rồi la hét, khóc lóc; nhiều bạn trẻ vừa xem phim mở túi ni-lông thức ăn loạt soạt, nhai nhóp nhép bất kể cái nhìn khó chịu của người ngồi bên cạnh… 1.001 hành vi thiếu ý thức khiến không gian thưởng thức nghệ thuật của số đông bị phá vỡ, mạch cảm xúc về bộ phim bị đứt. Những khán giả mê điện ảnh bỏ một buổi tìm đến rạp phim để thư giãn, được xem một bộ phim yêu thích bỗng dưng rước bực vào mình.
Khi ý thức của một số người còn yếu kém, biện pháp nhắc nhở không đánh được vào lòng tự trọng của họ thì có lẽ, cách tốt nhất là nhân viên rạp phim nên mạnh dạn mời những khán giả này ra ngoài. Đương nhiên, để tránh cự cãi, lãnh đạo rạp phim cần đưa vấn đề này vào quy định và đọc công khai ở quầy bán vé, trong rạp phim. Ở nhiều nước trên thế giới đều có những quy định nghiêm ngặt trong rạp chiếu phim, nếu khán giả không thực hiện các quy định, tùy vào mức độ nặng nhẹ có thể bị cấm tới rạp vĩnh viễn, phạt tiền hay bắt giam.
Thu Trang
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!