Chỉ vì mâu thuẫn vụn vặt mà những vụ đánh đấm trong học sinh liên tiếp xảy ra khiến dư luận bất an và phẫn nộ tột cùng.
Một nữ sinh lớp 7 ở Quảng Trị bị hai "đàn chị" lớp 8 vây đánh từ lớp học đến ngoài đường, bắt quỳ gối xin lỗi vẫn chẳng chịu tha. Clip này chưa kịp lắng xuống thì nơi này nơi kia rộ lên tin học sinh lao vào đánh nhau với những ngôn từ phản cảm.
Đòn thù của những đứa trẻ mới học THCS ấy khiến chúng ta giật mình bởi sự nhẫn tâm và manh động! Phẫn nộ hơn nữa khi xung quanh đó tiếng hò reo cổ vũ, không ai lên tiếng can ngăn, không một học sinh nào đủ dũng khí bênh vực bạn.
Bạo lực học đường không phải là hiện tượng mới, chúng ta đã tuyên chiến nhiều rồi, kê đơn thuốc nhiều rồi nhưng cuối cùng đâu lại vào đấy. Khoảng trống về kỹ năng sống, giá trị sống cho học sinh lấp hoài vẫn khuyết.
Mỗi năm một vài phong trào, một vài hoạt động hướng vào rèn luyện kỹ năng ứng xử, tinh thần đoàn kết, lẽ sống tương thân tương ái... chẳng đủ đọng lại trong lòng học sinh bao nhiêu kỹ năng, giá trị. Một khối lượng kiến thức đồ sộ phải chinh phục, những đỉnh cao về chỉ tiêu thành tích phải vượt qua khiến thầy trò quay cuồng. Học để làm người, học để hướng thiện, học để thành nhân lắm lúc vẫn chỉ là mong ước.
Tổ tư vấn tâm lý học đường thành lập trong nhà trường phổ thông vẫn còn đối phó và hoạt động mờ nhạt. Giáo viên tâm lý có chuyên môn bài bản không có định biên và đội ngũ giáo viên tâm lý vẫn đang đấu tranh đòi chỗ đứng, chức danh chính thức. Còn lại theo quyết định của hiệu trưởng, Tổ tư vấn tâm lý toàn là giáo viên kiêm nhiệm, đa phần là giáo viên chủ nhiệm và cán bộ đoàn đội phát huy vai trò, hiệu quả dường như vẫn chỉ là "động viên nhau làm là chính".
Để xảy ra bạo lực học đường, trách nhiệm của nhà trường vẫn là chủ yếu. Nhưng bố mẹ không thể vô can khi con em mình biến thành "hổ báo", sẵn sàng đánh bạn còn dương dương tự đắc quay clip, tải lên mạng.
Mỗi ngày, xin phụ huynh đừng chỉ hỏi con trẻ hôm nay kiểm tra bao nhiêu điểm, đã ôn bài chuẩn bị cho kỳ thi chưa... Hãy sống chậm lại để cởi mở trò chuyện với con về bạo lực học đường, dạy con trẻ biết trân quý cơ thể mình và người khác.
Hãy dạy con kỹ năng phòng vệ, biết cách chống lại cái xấu, biết tìm địa chỉ để tố giác cái ác… Và xin đừng sống thay con, đừng gánh vác lỗi lầm thay con mà hãy dạy con biết chịu trách nhiệm với mỗi hành động, lỗi lầm của mình!
Thành trì để chúng ta nương tựa trong cuộc chiến chống bạo lực học đường không chỉ là sự đổi thay từ các cấp quản lý giáo dục và mỗi nhà trường phổ thông. Thành trì đó còn cần phải vững chắc trong mỗi gia đình.
Bình luận (0)