* Phóng viên: Thưa TS, ông nhận định gì khi bộ phận giới trẻ hiện nay quá lãng phí thời gian vào những chuyện vô bổ?
- TS Võ Văn Nam: Đây là thực trạng đáng buồn. Nhiều người trẻ có thể ngồi hàng buổi ở quán cà phê để khen chê một cô bạn cùng lớp, bình luận về một trận bóng đá hoặc tệ hơn là chỉ ngồi lê đôi mách... Họ không hề trao đổi kinh nghiệm làm sao để sống, học tập; trao đổi kinh nghiệm về nghề nghiệp để nuôi sống bản thân. Phung phí thời gian như thế nhưng họ lại không đủ kiên nhẫn để đợi vài giây ở ngã tư có đèn giao thông.
Và khi giới trẻ lao vào nhậu nhẹt, cà phê thì vấn đề đặt ra là tiền ở đâu để họ tiêu xài? Câu trả lời hầu hết là tiền của cha mẹ cung cấp, xin là cho, xin là được. Nếu các bậc cha mẹ quan tâm đến con cái thì cần kiểm soát việc này, tránh cung cấp tiền cho con mà không cần biết lý do, mục đích sử dụng.
Trong một số trường hợp họ là nạn nhân, họ đáng thương hơn đáng trách bởi không được định hướng giá trị cho bản thân, giá trị sống, ý nghĩa cuộc đời. Họ tự mày mò định hướng theo tâm lý tuổi trẻ là tìm đến sự dễ dãi, thiếu ý chí.
* Đây có phải là thực trạng chung của giới trẻ, không chỉ ở Việt Nam?
- Truyền thống của người Việt Nam là yêu nước, thương người, cần cù chăm chỉ, lạc quan yêu đời. Việc lãng phí thời gian như trên là hội chứng đám đông, bắt chước, một người làm sai, nhiều người hùa theo. Ở một số nước trên thế giới như Thái Lan, Singapore và nhất là Nhật Bản, trong thời gian làm việc, thanh niên không được uống bia rượu, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt nặng. Người Nhật rất quý thời gian, trên xe buýt hay lúc nào rảnh rỗi họ đều lấy sách ra đọc. Họ đã được giáo dục biết quý trọng thời gian ngay từ khi còn rất nhỏ trong gia đình, trong trường học.
* Nguyên nhân của thực trạng trên là gì, thưa ông?
- Nguyên nhân sâu xa và là cội nguồn của tình trạng giới trẻ có quá nhiều thời gian nhàn rỗi là do giáo dục mà ra. Giáo dục phải cho giới trẻ biết quý trọng thời gian, dành nhiều thời gian vào học tập, nghiên cứu để phát triển bản thân. Ngoài ra, cũng do bộ phận giới trẻ không có việc làm, chưa có việc làm hoặc chưa nhận thức được trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội.
* Ông có thể cho biết những giải pháp để hạn chế tình trạng này?
- Chúng ta phải thức tỉnh trước nguy cơ có thể tụt hậu của giới trẻ. Phải biết bộ phận giới trẻ thích gì, quan tâm đến vấn đề gì để tạo sân chơi lành mạnh thu hút họ. Hiện nay, chúng ta có nhiều sân chơi, nhiều hoạt động nhưng chưa thu hút được giới trẻ bởi chúng ta chưa có những sân chơi thật sự hấp dẫn như: tổ chức thi hùng biện, đua xe, thể thao, văn hóa, văn nghệ... để kéo giới trẻ về với những hoạt động bổ ích, phát triển thể lực, trí lực. Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh hoạt động đào tạo nghề, tăng cơ hội việc làm để mọi người có cơ hội tự nuôi sống bản thân, có điều kiện cống hiến cho gia đình, xã hội...
Rường cột mà vậy sao?!
“Thanh niên là rường cột của nước nhà”, vậy mà hiện nay, bên cạnh một bộ phận thanh niên sống có lý tưởng, có hoài bão, ước mơ và luôn tiết kiệm từng phút cho công việc thì một bộ phận không nhỏ thanh niên đang quá rảnh rỗi, đốt thời gian bằng những trò vô bổ.
Ấy một phần là bởi gia đình quá nuông chiều con cái mà thiếu sự quan tâm giáo dục, làm gương. Gia đình giàu có không tiếc tiền cho con tiêu pha thả giàn, muốn gì được nấy khiến nhiều “cậu ấm”, “cô chiêu” trở thành kẻ chơi ngông, tha hồ hưởng thụ. Có gia đình do bận rộn, nghèo túng nên không quản được con cái.
Ngoài ra, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã biến một bộ phận nông dân thành cư dân đô thị không tay nghề, không việc làm và hoàn cảnh ấy khiến không ít người bị biến chất. Số người tốt nghiệp cao đẳng, đại học không có việc làm hoặc có việc mà lương không đủ sống cũng góp phần làm thui chột ý chí tiến thân của tuổi trẻ bằng con đường học vấn.
Thiếu việc làm là nguyên nhân cơ bản gây nên hiện tượng xã hội trên. Hằng năm, có khoảng 1,5 triệu thanh niên bước vào tuổi lao động. Có thể nói, nguồn lực và tiềm lực của thanh niên là rất lớn song tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm của thanh niên ngày càng tăng, chiếm khoảng 5% thanh niên trong độ tuổi lao động, tập trung chủ yếu ở nhóm thanh niên đô thị. Như vậy, số thanh niên thường xuyên thiếu việc làm hoặc thất nghiệp lên đến hàng triệu người.
Truyền thống của người Việt là cần cù, chịu khó. Vậy để bộ phận thanh niên quá rảnh trở về với truyền thống tốt đẹp ấy ắt hẳn phải nhờ vào các chính sách giáo dục và giải quyết việc làm phù hợp.
Tín Nguyễn
Bình luận (0)