Phóng viên: Ông nhìn nhận thế nào về ý kiến giới trẻ bây giờ quá thừa thời gian, tụ tập “chém gió”, lên Facebook nói xấu nhau…?
- TS Đinh Thế Hiển: Nếu nhìn vấn đề này theo quan điểm cổ điển, đúng là giới trẻ bây giờ quá lãng phí thời gian thay vì phải đầu tư cho đọc sách, học tập nghiên cứu, rèn luyện phát triển kỹ năng, tham gia tình nguyện hoặc tệ nhất là chơi thể thao. Nhưng theo tôi, không nên xem việc giới trẻ dùng thời gian vào những việc vô bổ như lên mạng xã hội “chém gió”, tụ tập cà phê là điều quá ghê gớm. Bởi đây là thực tế bình thường của cuộc sống không chỉ riêng ở Việt Nam. Ngay các nước phát triển vẫn có một bộ phận giới trẻ sử dụng thời gian rất hoang phí.
Là do giới trẻ quá rảnh rỗi?
- Nếu thật sự giới trẻ rảnh rỗi như vậy, rõ ràng là công ăn việc làm chúng ta tạo ra không được nhiều; nếu ở nước ngoài, thất nghiệp là một nỗi lo sợ lớn. Nhưng ở Việt Nam, có một điều tôi thấy không hay là thanh niên dù thất nghiệp nhưng cha mẹ vẫn chu cấp tiền. Dẫu chúng ta có hệ thống an sinh xã hội chưa cao nhưng người thất nghiệp vẫn có chỗ dựa. Thất nghiệp thì họ sẽ dành thời gian cho những việc vô bổ.
Ngoài ra, nguyên nhân của hiện tượng này cũng một phần do quá trình đô thị hóa vì ở nông thôn trước đây, thanh niên cũng thất nghiệp nhiều nhưng mang tính chất thời vụ, lúc nông nhàn.
Vậy ý ông là lỗi không phải hoàn toàn do giới trẻ?
- Việc làm là vấn đề liên quan đến chính sách của quốc gia. Một bộ phận giới trẻ đi làm mà lương không đủ sống thì họ ở nhà, thà thất nghiệp để cha mẹ nuôi! Ở một khía cạnh nào đó, muốn giảm thất nghiệp, giảm những việc vô bổ của giới trẻ thì lương phải đủ sống.
Cũng cần phải xem lại câu chuyện về các sân chơi không hấp dẫn thanh niên. Cách đây 20-30 năm, cứ cuối tuần là mọi người tập trung ở sân vận động rất đông để xem đá bóng nhưng giờ không ai coi, trừ những trận bóng lớn. Hay nói về kỹ năng sống, đầy rẫy “sạn” từ những quyển sách thì làm sao thu hút giới trẻ đến sân chơi thật sự…
Chúng ta nên nhìn nhận ở nhiều khía cạnh có giải pháp toàn diện trong vấn đề này. Tôi nhớ ngày trước, thời điểm chương trình Robocon của sinh viên các trường đại học mới ra đời, rất đông người tham gia và ủng hộ. Nhưng sau đó, lẽ ra chúng ta phải xây dựng được một phong trào kích thích giới trẻ tự nghiên cứu, tìm tòi sáng tạo mô hình mới, ứng dụng vào thực tiễn... thì lại rẽ theo hướng “đi thi, giành giải”. Kết quả là mới đây, đội đoạt giải nhất Robocon rất nhạt nhòa, không mấy người quan tâm.
Vậy chúng ta phải bắt đầu thay đổi từ đâu?
- Cần những điểm nhấn để thay đổi. Nhà nước không bao bọc, không cần đứng ra tạo những sân chơi bổ ích, chương trình hấp dẫn cho giới trẻ mà quan trọng là vạch chiến lược và tạo chính sách, môi trường thuận lợi để xã hội hóa các hoạt động này, nhất là phải xây dựng một mức lương đủ sống cho người lao động và yêu cầu các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam phải tập trung vào công nghệ cao, tăng năng suất lao động…
Về xã hội hóa, cần tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội tự cạnh tranh để tạo ra các sản phẩm cung cấp kiến thức trực tiếp, dạy nghề, thể thao… chứ không phải cơ quan nhà nước bỏ tiền ra đầu tư mà không có ai xem, ai chơi. Với từng gia đình, phải tìm hiểu để chuyển hướng, tạo điều kiện cho con em mình hòa nhập vào môi trường lao động sáng tạo của xã hội.
Làm suy yếu nguồn lực xã hội
Theo TS Đinh Thế Hiển, thanh niên là lực lượng nòng cốt của xã hội mà rảnh rỗi vậy thì vừa không tạo ra giá trị cho quốc gia vừa làm suy yếu nguồn lực lao động. Họ sẽ không nâng được năng lực của mình, không bồi bổ kiến thức và khi đi vào những trò giải trí dễ dãi thì sẽ suy nhược tinh thần. Về lâu dài, một bộ phận giới trẻ này không tạo ra giá trị phát triển kinh tế mà còn gia tăng gánh nặng cho gia đình, xã hội.
Bình luận (0)