Tuần qua, cộng đồng mạng bức xúc lẫn xót xa trước clip người phụ nữ bạo hành mẹ ruột ở xã Long Hòa, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Rất nhiều lời lên án người con gái, cũng không ít phân tích xung quanh nguyên nhân dẫn đến vụ việc này. Chuyện con cái bạo hành cha mẹ và ngược lại, cha mẹ hành hạ con cái đã diễn ra ở nhiều nơi và suy cho cùng, bắt nguồn từ nếp nhà.
Giữ lấy cái rọ
Tôi nhớ đến câu chuyện một người nông dân già đã làm việc vất vả cả đời nuôi nấng gia đình. Đến khi không còn khả năng lao động, ông để tất cả công việc lại cho người con trai và dành phần lớn thời gian trong ngày ngồi bên hiên nhà ngắm hoa lá, trời mây.
Người con trai tiếp tục công việc của cha được vài năm thì bắt đầu sinh ra bực tức. "Cha tôi chẳng làm gì cả. Ông ấy chỉ ngồi đó nhìn vườn tược, trời mây, trong khi tôi như nô lệ làm quần quật cả ngày để nuôi ông ấy". Có lần người con trai than phiền với bạn bè.
Rồi một ngày nọ, người con quyết định chấm dứt tình trạng bất công này. Anh ta đan một cái rọ lớn đem đến chỗ cha mình đang ngồi và nói: "Cha hãy chui vào đây". Người cha chui vào. Người con đem cái rọ để sau chiếc xe đưa đến bên bờ của một vực thẳm. Người cha im lặng suốt cả quãng đường. Chỉ đến khi người con chuẩn bị đẩy cái rọ cho rơi xuống vực, ông mới lên tiếng: "Con trai, con cứ thả ta xuống vực nếu con bắt buộc phải làm như vậy. Nhưng hãy giữ lấy cái rọ vì con của con chắc chắn sau này cũng sẽ cần đến một cái rọ cho con".
Người phụ nữ ở Long An đánh, chửi mẹ ruột. (Ảnh cắt từ clip)
Nghĩ về công lao của cha mẹ
Tôi cũng đã có lần giận và ghét cha vì bắt tôi làm việc nặng nhọc. Hè năm tôi học lớp 7 lên lớp 8, cha rủ tôi đi biển. Tôi đồng ý ngay, không nghĩ ngợi gì nhiều, nếu không muốn nói là rất phấn khởi. Nhưng cảm xúc vui mừng ấy chỉ được duy trì cho đến khi ghe ra khỏi cửa biển Sa Cần (tỉnh Quảng Ngãi) để tiến dần ra biển. Tôi bắt đầu khó chịu và có cảm giác buồn nôn. Ai đã từng một lần say sóng biển sẽ hiểu. Nôn thốc nôn tháo, chóng mặt, mọi vật đảo lộn, tâm trí quay cuồng, bao nhiêu thứ trong dạ dày đều tuôn ra ngoài, miệng đắng ngắt.
Khi say sóng, không thể ăn, thân kiệt sức, người mệt lả, chỉ có thể nằm một chỗ. Vậy mà cha đâu để tôi yên. Ông bắt tôi làm hết việc này đến việc kia: nhổ neo, kéo lưới..., toàn những việc nặng nhọc, khi tôi than mệt thì cha la. Tôi nhận ra cha chẳng hề yêu thương tôi như trước đây tôi vẫn nghĩ.
Ghe xuất bến vào khoảng 16 giờ và trở về vào khoảng 8 giờ hôm sau, chiều lại xuất bến. Đi được 7 ngày thì 7 ngày tôi đều bị say sóng, tình trạng của hôm sau luôn tồi tệ hơn hôm trước. Đến ngày thứ 8, sau khi mẹ đã chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng, cha kêu tôi: "Sao con còn ngồi đó? Chuẩn bị rồi đi". "Dạ, con không đi nữa" - tôi trả lời. "Con sao vậy?". "Dạ, con không đi biển được!". "Con chắc chứ?". "Dạ, con chắc chắn!".
Ngồi xuống bên cạnh, đặt tay lên vai, nhìn thẳng vào mắt tôi, cha nói: "Nhà mình không có đất để làm nông, chỉ có mỗi nghề biển. Con không thể đi biển được, vậy con phải làm gì?". Nói xong, không đợi tôi trả lời, cha đứng dậy, xách đồ và lẳng lặng đi.
Tôi ngồi đó rất lâu, tự trả lời câu hỏi của cha và rồi cảm xúc vỡ òa. Để nuôi sống gia đình, cha đã âm thầm lo toan, lao động cật lực, vất vả và nguy hiểm biết bao. Tôi không có sức khỏe để đi biển nhưng điều tôi học được ở cha là cần cù, chịu khó, hết lòng hết sức với công việc. Từ hôm đó, nghĩ đến cha mẹ, tôi dồn sức cho việc học và đạt nhiều kết quả đáng tự hào.
Kể hai câu chuyện trên để nói rằng nếp nhà chính là truyền thống trong mỗi gia đình, nơi con cái sẽ nhìn vào cách cha mẹ đối xử với nhau, với ông bà, con cái như là tấm gương. Nó tác động trực tiếp, mạnh mẽ và đi vào nhận thức, quyết định cách đối xử của con cái đối với cha mẹ sau này.
Bình luận (0)