Cùng với sự phát triển đi lên của đất nước, bên cạnh nhu cầu ngày càng cao đa dạng về giá trị chân - thiện - mỹ của công chúng mà chức năng và sứ mệnh văn học nghệ thuật (VHNT) phải đáp ứng thì tác phẩm VHNT cũng đang phải chịu sức ép từ những quy luật khách quan của kinh tế thị trường, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Do vậy, vấn đề tác phẩm VHNT nuôi dưỡng đời sống văn hóa tinh thần công chúng, đặc biệt là giới trẻ hiện nay đang đặt ra cho chúng ta những thách thức không nhỏ, cần sự quan tâm đầy đủ, sâu sắc và trách nhiệm của các cấp lãnh đạo, các ngành, các giới, trong đó có trách nhiệm của đội ngũ văn nghệ sĩ.
Mũi nhọn của văn hóa
VHNT là bộ phận cấu thành mang tính mũi nhọn của văn hóa. Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (năm 2008) về tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới đã khẳng định: "VHNT là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam". Lịch sử phát triển cho thấy đời sống văn hóa tinh thần xã hội nói chung, của giới trẻ nói riêng, không thể thiếu các tác phẩm VHNT.
Có thể nói, tác phẩm VHNT đã đồng hành chung thủy cùng nhiều thế hệ trong suốt chiều dài dựng nước và giữ nước của dân tộc. Riêng trong 5 năm qua, tác phẩm VHNT cả nước nói chung và TP HCM nói riêng lại tiếp tục phát huy sứ mệnh trong xây dựng và phát triển đời sống văn hóa, xây dựng nhân cách con người; phục vụ có hiệu quả sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh", xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Tuy nhiên hiện nay, tác phẩm VHNT trước sức ép của nền kinh tế thị trường và đối diện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang đặt ra những thách thức, khó khăn không nhỏ trong sự vận động phát triển. Tác phẩm VHNT với tư cách là một loại sản phẩm hàng hóa đặc biệt trong nền kinh tế thị trường cũng phải chịu ảnh hưởng của quy luật cung - cầu như nhiều loại sản phẩm hàng hóa khác. Mặt trái của cơ chế thị trường cho thấy những sản phẩm "rác" VHNT chiều theo thị hiếu tầm thường, thấp kém của một bộ phận công chúng, nhất là giới trẻ đang công phá dữ dội vào nền tảng văn hóa tinh thần xã hội, làm biến đổi thang giá trị theo chiều hướng tiêu cực. Sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ cùng với mạng xã hội và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tác động mạnh mẽ đến phương thức sáng tạo, sản xuất, biểu diễn và phát hành các tác phẩm VHNT. Tác phẩm VHNT đến với công chúng trẻ bằng con đường mạng xã hội đang dần trở thành phương tiện chủ yếu thay thế cho các phương tiện truyền thống. Từ đó, hệ lụy về tác hại của các loại sản phẩm phi văn hóa, độc hại, trong đó có tác phẩm VHNT xấu có thể nói là rất đáng lo ngại.
Tác phẩm văn học nghệ thuật nuôi dưỡng đời sống văn hóa tinh thần công chúng. Trong ảnh: Đường sách Nguyễn Văn Bình Ảnh: HOÀNG TRIỀU
"Chống" phải luôn đi kèm với "xây"
Phải làm gì, làm như thế nào để tác phẩm VHNT luôn là chỗ dựa, nguồn nuôi dưỡng đời sống văn hóa tinh thần cho giới trẻ hiện nay?
Nói đến tác phẩm VHNT nuôi dưỡng đời sống văn hóa tinh thần giới trẻ thì phải đề cập 2 yếu tố: Tác phẩm đáp ứng nhu cầu của giới trẻ và xây dựng công chúng trẻ của VHNT. Bên cạnh việc "chống" là các hoạt động bài trừ, phê phán, xử lý, ngăn chặn các loại sản phẩm phi văn hóa, độc hại, các tác phẩm VHNT thấp kém về thẩm mỹ và nội dung tư tưởng, thì yếu tố "xây" vô cùng quan trọng. "Xây" các tác phẩm VHNT, phù hợp với giới trẻ và "xây" sức đề kháng, nhận thức thẩm mỹ cho công chúng trẻ.
Trong hai yếu tố trên, ở yếu tố thứ nhất có vai trò quan trọng của đội ngũ văn nghệ sĩ. Giới trẻ luôn năng động và có xu hướng tìm đến, đón nhận những cái mới. Do đó những lối mòn trong phương thức sáng tác, biểu diễn tác phẩm VHNT là vấn đề đặt ra cần quan tâm chứ không hẳn là chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Việc làm mới bằng những bản phối độc đáo, hiện đại cho một số ca khúc truyền thống cách mạng hay gần đây một vài vở múa đề tài chiến tranh cách mạng sử dụng ngôn ngữ múa đương đại thay cho cách thể hiện múa minh họa lịch sử kiểu truyền thống cho thấy có hiệu ứng rất tốt với giới trẻ.
Như vậy, chính văn nghệ sĩ trước hết phải có sự năng động, đổi mới chính mình thông qua tác phẩm để tác phẩm đến gần hơn với giới trẻ. Bên cạnh đó, không thể thiếu sự quan tâm bồi dưỡng, chăm chút cho đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ của các cấp lãnh đạo quản lý liên quan và các hội chuyên ngành để "tiếp lửa" cho các văn nghệ sĩ trẻ, vừa bồi dưỡng ý thức trách nhiệm công dân của văn nghệ sĩ trẻ vừa tạo thêm chất xúc tác trong sáng tạo và biểu diễn VHNT của những người trẻ. Tác phẩm VHNT dành cho công chúng trẻ phải là những tác phẩm mà người trẻ soi vào đó thấy được chân dung, tình cảm và khát vọng của chính mình.
Yếu tố thứ hai là xây dựng công chúng trẻ của VHNT. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng bởi xây dựng công chúng trẻ của VHNT chính là góp phần xây dựng con người mới XHCN, chủ nhân tương lai của đất nước. Phải làm thế nào để giới trẻ biết phân biệt được tác phẩm VHNT tốt, tích cực với những sản phẩm VHNT xấu, độc hại. Làm thế nào để những người trẻ hào hứng đón nhận và say mê với những giá trị chân - thiện - mỹ của tác phẩm VHNT tốt và tẩy chay, xa lánh các loại tác phẩm xấu, thấp kém.
Tăng cường giáo dục từ nhà trường
Vai trò của giáo dục nhận thức, giáo dục mỹ học thông qua tác phẩm VHNT là không thể thiếu. Việc giáo dục cần được tăng cường từ trong nhà trường bằng nhiều hình thức phong phú đa dạng; đồng thời cho các em tiếp cận sớm với các loại hình bộ môn VHNT, đặc biệt là VHNT truyền thống dân tộc. Giáo dục nhận thức về giá trị chân - thiện - mỹ của tác phẩm VHNT chính là tăng cường sức đề kháng cho giới trẻ trước mọi tác động tiêu cực của xã hội và xây dựng được công chúng lành mạnh cho VHNT.
Bình luận (0)