Chiều 14-5, Thành ủy TP HCM đã biểu dương 153 tập thể, 239 cá nhân thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2018-2019. Với nhiều ngành nghề, vị trí công tác, xuất thân khác nhau và khác nhau cả về cách thức thực hiện nhưng các điển hình đều có điểm chung là cùng hướng đến những giá trị tốt đẹp, hiệu quả trong công tác và tính nhân văn trong cuộc sống, vì những người mình phục vụ, vì những người xung quanh, không toan tính, không vụ lợi, hết sức chân thành, hết sức tự nhiên, hợp lý, hợp tình.
Lời Bác là hành trang
Trong số các cá nhân được biểu dương lần này có nghệ sĩ Đặng Ái Việt - người vẽ chân dung mẹ Việt Nam anh hùng. Theo nghệ sĩ Đặng Ái Việt, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thể hiện tình cảm và sự quan tâm của Người đối với hoạt động văn hóa, nghệ thuật và các nghệ sĩ - chiến sĩ trên mặt trận văn hóa. Những câu chuyện, lời chỉ bảo tận tình của Người luôn là hành trang được nhiều văn nghệ sĩ mang theo trong hành trình làm nghề của mình. Vì vậy, với nghệ sĩ Đặng Ái Việt hiện lên sinh động câu chuyện học Bác không ở đâu xa mà ngay chính trong công việc hằng ngày, giản dị nhưng lại thiêng liêng.
Nghệ sĩ Đặng Ái Việt sinh ra trong thời chiến. Thuở thiếu nữ, bà được người dân gọi với cái tên thân thương "dũng sĩ diệt Mỹ" thì nay, khi tuổi chạm ngưỡng 71, bà đã đi được một đoạn đường dài trên hành trình phi thường - khắc họa chân dung những mẹ Việt Nam anh hùng. Hơn 9 năm nay trên chiếc xe gắn máy nhỏ, bà rong ruổi khắp mọi miền đất nước vẽ hơn 2.000 bức chân dung các mẹ Việt Nam anh hùng trên khắp mọi miền đất nước. Bức vẽ mới nhất của bà là một người mẹ Việt Nam anh hùng 107 tuổi, có 2 con đã hy sinh nhưng đến nay một hài cốt vẫn chưa tìm được.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân thăm hỏi đại biểu đến dự buổi lễ biểu dương học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Hành trình vẽ mẹ Việt Nam anh hùng của nghệ sĩ Đặng Ái Việt là cuộc chạy đua với thời gian khắc nghiệt của tuổi già, không biết khi nào mẹ ra đi, khi nào trái tim mẹ ngừng đập, thậm chí sức khỏe của chính mình nhưng chưa bao giờ bà nghĩ sẽ dừng lại bởi với bà, đây không chỉ là hành trang của một người nghệ sĩ mà còn là điều gì đó rất thiêng liêng để luôn nhắc nhở mình là một "chiến sĩ" như lời Bác dặn.
Một điển hình khác học Bác trong giới văn nghệ sĩ là đạo diễn Lê Nguyên Đạt. Ông là đạo diễn vở "Tổ quốc cuối con đường". Vở diễn thể hiện giấc mơ của nhân vật Nguyễn Ái Quốc khi bị giam trong nhà lao tại Hồng Kông trên hành trình bôn ba tìm đường cứu nước, đã đạt HCV tại Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2018. Đạo diễn Lê Nguyên Đạt bộc bạch: "Tôi đã làm nhiều tác phẩm về những anh hùng lịch sử nhưng đến tác phẩm này, tôi cảm nhận sự tâm đắc rất sâu sắc của cả ê-kíp. Lúc ban đầu, mọi người áp lực lắm khi dựng vở diễn về một nhân vật vĩ đại của đất nước như Chủ tịch Hồ Chí Minh". Theo đạo diễn Lê Nguyên Đạt, vai trò của người nghệ sĩ hôm nay là rèn đức luyện tài, làm tốt nhất từng vai diễn, vở diễn của mình bằng tất cả sự cố gắng, tài năng. Như thế là đã học Bác một cách thiết thực nhất.
Ấm lòng những kỷ niệm
Không chỉ giới văn nghệ sĩ, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã lan rộng trong mọi tầng lớp nhân dân.
Hơn 60 năm trước, ông Nguyễn Xuân Sinh là trẻ mồ côi nghèo khó ở Quảng Ninh vinh dự được Bác Hồ trao tặng 4 m vải nâu. Kỷ niệm đẹp với Bác đã thôi thúc ông - người đang là Bí thư Chi bộ khu phố 4, phường 3, quận 8, TP HCM - luôn gương mẫu trong mọi công tác, ra sức rèn luyện đạo đức, xây dựng lối sống giản dị theo Người. Cùng với chi bộ, ông đã xây dựng chuyên đề mỗi tháng nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt, rèn luyện đạo đức, tác phong Đảng viên theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh. "50 năm qua, lúc nào tôi cũng nhớ từng lời dạy của Bác trong Di chúc. Và suốt từ đó đến giờ, tôi luôn thực hiện và làm theo lời dạy của Người" - ông Sinh nói. Những việc làm của ông là minh chứng sinh động cho việc học Bác. Ông cùng với tập thể đã vận động người dân nâng cấp tuyến hẻm 124 Tạ Quang Bửu, chăm lo cho các hội viên cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn. Riêng phần mình, 3 năm qua, ông đã nhận đỡ đầu cho một số trẻ mồ côi.
Còn anh Phan Trường Phát, nhân viên Phòng Kế hoạch - Đầu tư Công ty CP Cấp nước Phú Hòa Tân, đã đưa ra nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật mang tính bước ngoặc giúp ích cho công ty như một bằng chứng cụ thể trong việc học Bác. Điển hình là giải pháp kỹ thuật "sử dụng năng lượng mặt trời vận hành cho tủ tín hiệu DMA". Ông Bùi Đức Sinh, Phó Giám đốc Công ty CP Cấp nước Phú Hòa Tân, cho hay lãnh đạo công ty đánh giá rất cao giải pháp này. "Giải pháp mang lại hiệu quả kinh tế cao và tiết kiệm cho công ty trên 7 tỉ đồng. Công ty đã nhân rộng mô hình của Phát" - ông Sinh vui mừng thông tin.
Đảng viên phải là tấm gương
Phát biểu tại lễ biểu dương, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đã kể nhiều câu chuyện xúc động về Bác Hồ. Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân nhắc lại quá trình 30 năm Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, đến gia đình của Bác, ngày sinh nhật Bác 19-5 và nhắc đến bản Di chúc của Bác... để thấy được tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người.
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, những tấm gương điển hình được biểu dương, mỗi người mỗi góc nhưng đều chọn trong cuộc đời của Bác những phần tư tưởng, đạo đức, phong cách để học tập và làm theo, từ đó công việc được hiệu quả hơn. "Chính những tấm gương này hằng ngày, hằng tháng là sự nhắc nhở về tình cảm, trách nhiệm của chúng ta đối với Bác" - Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nói và cho biết dù trong hoàn cảnh nào cũng phải đưa TP mang tên Bác phát triển. Ông Nguyễn Thiện Nhân cho hay năm nay là năm mà các cấp, các ngành của TP tìm kiếm sáng kiến đột phá để đưa kinh tế - xã hội TP phát triển hơn nữa. "Chúng ta chậm là người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng, mà kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng thì cả nước cũng bị ảnh hưởng. Do đó, các cấp, các ngành lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo công việc của mình, làm chỗ mình tự hào" - ông yêu cầu.
Bí thư Thành ủy TP cho rằng người Đảng viên bây giờ sứ mệnh lịch sử vừa lãnh đạo vừa phải là một tấm gương. Tự hào vì là Đảng viên. Bởi mình đóng góp hơn những người bình thường, mình lao động hiệu quả hơn và mình dám hy sinh hơn để cho đơn vị mình hoàn thành nhiệm vụ và để cho TP phát triển. Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, đó chính là tinh thần của Bác.
Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân gửi gắm: "Nếu không hài lòng với công việc thì hãy nghĩ tới Bác, không gì khó bằng những thách thức mà Bác đã vượt qua, không gì khó bằng những thách thức mà dân tộc chúng ta đã vượt qua. Bây giờ chúng ta có điều kiện hãy làm tốt hơn để TP mang tên Bác xứng đáng với tình cảm và sự nghiệp của Bác đã để lại".
Việc biểu dương nhằm lan tỏa những giá trị tốt đẹp, nhân văn từ những người thật, việc thật đến nhiều tổ chức, cá nhân hơn nữa, để TP HCM ngày càng đẹp hơn, văn minh hơn, hiện đại hơn và nghĩa tình hơn.
Tự soi, tự sửa để làm đúng, đi đúng
Bí thư Đảng ủy Khối Dân - Chính - Đảng TP HCM Dương Công Khanh nói cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một cuộc đời trong sáng, cao đẹp của một người cộng sản vĩ đại. Người là biểu tượng cho những giá trị tốt đẹp nhất của dân tộc ta, mà nổi bật hơn là lòng yêu nước, thương dân.
Để xứng đáng với Bác hơn nữa, ông Khanh cho rằng mỗi cá nhân phải thường xuyên tự soi rọi để nhận thức một cách đầy đủ trách nhiệm của mình với mục tiêu, lý tưởng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Ông Khanh mong mỗi chi bộ, Đảng bộ, cán bộ, Đảng viên, đoàn viên, hội viên, những tập thể, cá nhân được biểu dương cần xác định học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên; là mục tiêu, động lực góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và Đảng viên góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của TP.
Ý.Linh
Bình luận (0)