Đến nay, để phục vụ quá trình điều tra của công an, hàng loạt trung tâm trong cả nước - nhất là tại Hà Nội và TP HCM - không hoạt động, ảnh hưởng lớn đến nhu cầu kiểm định xe cơ giới của người dân và doanh nghiệp.
Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết trong tháng 3 và 4-2023, Hà Nội và TP HCM có trên 263.000 xe gặp nguy cơ không thể đăng kiểm khi đến hạn. Con số này chưa tính lượng ôtô mới được bán ra hằng tháng.
Việc người dân và doanh nghiệp xếp hàng chờ đợi đăng kiểm xe gây lãng phí lớn về nguồn lực xã hội. Nguy cơ đứt gãy hệ thống đăng kiểm cũng dần hiển hiện trong bối cảnh nhiều đăng kiểm viên bỏ nghề. Do vậy, việc bổ sung nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ đăng kiểm viên, để đáp ứng nhu cầu đăng kiểm phương tiện cho người dân và doanh nghiệp là rất cần thiết, cấp bách.
Tình trạng ùn tắc tại các trung tâm đăng kiểm hiện nay còn có nguyên nhân là do quy trình đăng kiểm bất hợp lý khiến số lượng phương tiện phải đăng kiểm tăng lên không cần thiết. Nếu bỏ qua đăng kiểm đối với xe mới sẽ tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân, bởi ôtô khi xuất xưởng, các hãng đã phải bảo đảm an toàn mọi thông số.
Tại nhiều nước, ôtô 2 năm mới phải đăng kiểm, trong khi ở Việt Nam chu kỳ đăng kiểm hẹp hơn - thường 1 năm hoặc 6 tháng, tùy loại phương tiện. Nên chăng, chúng ta cần có sự tham khảo các nước này?
Bên cạnh đó, cần đề xuất cơ sở bảo dưỡng ôtô chính hãng được thực hiện đăng kiểm, tương tự việc cho phép mở các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới tư nhân. Viêc này sẽ tận dụng được cơ sở vật chất, mặt bằng và đội ngũ kỹ thuật viên có tay nghề cao của các cơ sở; mặt khác giúp người dân có thêm sự lựa chọn, tiết kiệm được thời gian khi đi bảo dưỡng, đăng kiểm xe.
Hiện nay, không ít quốc gia đã cho phép cơ sở bảo dưỡng được kiểm định xe. Một số hãng xe lớn cũng có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng, được cấp giấy chứng nhận dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng đạt chuẩn. Kinh nghiệm triển khai mô hình này có thể giúp nước ta nghiên cứu và áp dụng một cách phù hợp, trong đó có việc để các cơ sở bảo dưỡng được phát triển không gian của mình cho 3 nhiệm vụ là sửa chữa, bảo dưỡng và kiểm định phương tiện.
Để thực hiện những việc trên, không ít thì nhiều, chúng ta cũng phải sửa hoặc điều chỉnh một số luật, nghị định, thông tư liên quan. Điều này sẽ mất thêm thời gian. Tuy nhiên, vì quyền lợi của số đông, việc thúc đẩy và tối ưu hóa quy trình sửa/điều chỉnh nằm trong tầm tay các cơ quan nhà nước. Vì vậy, hãy nhanh chóng nghiên cứu, cân nhắc, ra quyết định để tạo sự chính danh cho các giải pháp vừa nêu một cách sớm nhất có thể.
Bình luận (0)