Trong vòng đời dự án, từ khi xúc tiến chuẩn bị đến lúc hoàn thành đầu tư, khâu giải phóng mặt bằng (GPMB) thường dẫn tới việc chậm trễ, ảnh hưởng tiến độ giải ngân, đội vốn đầu tư công, không đạt mục tiêu như dự kiến ban đầu.
Nhiêu khê giải phóng mặt bằng
Hiện nay, khi dịch bệnh khiến các kênh đầu tư khác giảm sút, đầu tư công được xem là giải pháp quan trọng giúp kích thích phát triển các ngành và vùng trọng điểm, phục hồi kinh tế. Trong đó, các dự án giao thông cần được kịp thời tháo gỡ trở ngại, nhất là khâu GPMB.
Trong trình tự đầu tư xây dựng, trong đó có dự án giao thông, việc GPMB triển khai sau các thủ tục chuẩn bị dự án, như: tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (nếu có); lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng để xem xét, quyết định đầu tư xây dựng và thực hiện công việc liên quan.
Những công việc này mất nhiều thời gian, tùy quy mô và tính chất dự án có thể kéo dài vài năm mới xong. Sau khi dự án được duyệt sẽ triển khai tiếp công việc khảo sát và lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng, cấp giấy phép xây dựng (đối với công trình theo quy định phải có giấy phép xây dựng), tổ chức lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng xây lắp công trình, giám sát xây dựng rồi mới triển khai thi công. Chính quyền địa phương chỉ bắt đầu triển khai thủ tục GPMB sau khi dự án được duyệt…
Người dân tháo dỡ nhà để bàn giao mặt bằng cho tuyến metro Bến Thành - Tham Lương (TP HCM) Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Thực tế, GPMB là công việc phức tạp, mất nhiều thời gian, liên quan đến cuộc sống người dân có nhà bị giải tỏa. Trở ngại này thường dẫn đến tranh chấp, khiếu nại kéo dài, dù nhiều khi chỉ một vài trường hợp. Tại các đô thị lớn có nhiều tuyến đường chậm giải tỏa, kéo dài hàng chục năm, thậm chí có điểm không giải tỏa được dẫn đến thắt cổ chai, hạ tầng không đồng bộ.
Theo quy định, đối với các dự án đầu tư công, sử dụng vốn ngân sách khi GPMB thì bồi thường cho người dân bị thiệt hại sao cho phù hợp và theo hướng tốt hơn. Tuy nhiên, mức độ bồi thường như thế nào, cụ thể là số tiền được nhận, phụ thuộc rất nhiều vào tình trạng pháp lý nhà đất bị giải tỏa. Ngoài ra, giá bồi thường quá thấp so với giá thực tế thị trường; chính quyền địa phương nhiều nơi thiếu trách nhiệm, tổ chức thực hiện chưa tốt... khiến việc GPMB kéo dài.
Cần nhiều giải pháp đột phá
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hoàn thiện dự thảo đề án thí điểm tách phần hỗ trợ, bồi thường, tái định cư, GPMB ra khỏi dự án đầu tư, thành một dự án độc lập. Việc tách GPMB ra khỏi dự án đầu tư được kỳ vọng là giải pháp quan trọng tháo gỡ điểm nghẽn giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ toàn bộ dự án.
Bên cạnh giải pháp này, nên chăng cần quan tâm thêm hành lang pháp lý riêng, đột phá về mặt chính sách và nhân sự thực hiện, cách thức tổ chức sao cho hiệu quả cao hơn và không bị động.
Cụ thể, với dự án giao thông có "bồi thường, hỗ trợ, tái định cư", sau khi có quyết định chủ trương đầu tư, chính quyền địa phương nơi có dự án cập nhật vào kế hoạch sử dụng đất trình phê duyệt. Trong đó, tách riêng nội dung "bồi thường, hỗ trợ, tái định cư" cùng với việc di dời các công trình kỹ thuật cấp điện, chiếu sáng, viễn thông, cấp nước, thoát nước, cây xanh và những chướng ngại vật khác thành một dự án độc lập sử dụng nguồn vốn riêng để chủ động triển khai trước, không chờ đến khi duyệt xong dự án đầu tư xây dựng.
Quy định trách nhiệm rõ ràng, công việc cụ thể GPMB là nhiệm vụ của chính quyền địa phương. Chính quyền địa phương cần chủ động tạo quỹ nhà tái định cư, chính sách an sinh xã hội, dạy nghề và hỗ trợ chuyển đổi công việc nếu người bị thu hồi đất có nguyện vọng. Nhân sự tham gia cần am hiểu pháp luật, có khả năng thuyết phục, bản lĩnh, sáng tạo để tham mưu cho cấp thẩm quyền giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tế mà luật pháp chưa thể bao quát hết.
Có thể điều chỉnh sự đồng thuận, chỉ cần hơn 50% người dân có đất bị thu hồi đồng ý là có thể triển khai thực hiện. Số còn lại lựa chọn chấp thuận hoặc bị cơ quan chức năng tổ chức cưỡng chế thu hồi đất để bàn giao thi công.
Ngoài ra, buộc phải thực hiện hoàn tất hoặc ít nhất đạt 95% công tác bồi thường giải tỏa thì chủ đầu tư mới nhận bàn giao đất, không nhận mặt bằng "da beo". Sẽ lãng phí hơn nếu khởi công rồi để công trường dở dang, gây bức xúc cho người dân, khiến ô nhiễm môi trường và ách tắc giao thông.
Bình luận (0)