Trong nhiều năm qua, quy định về thời hiệu khởi kiện là một trong những điểm nghẽn lớn nhất trong việc thực hiện hưởng quyền dân sự hoặc miễn trừ nghĩa vụ dân sự của tổ chức, cá nhân.
“Ma trận”… thời hiệu
Bộ Luật Dân sự (BLDS) 1995 quy định thời hiệu yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu là 1 năm đối với các giao dịch của người chưa thành niên, người mất hoặc hạn chế năng lực hành vi, bị nhầm lẫn, bị lừa dối, đe dọa, người xác lập giao dịch không nhận thức được hành vi.
Cũng với các trường hợp giao dịch dân sự nêu trên, BLDS 2005 quy định thời hiệu khởi kiện là 2 năm kể từ ngày giao dịch dân sự được xác lập. Đối với các giao dịch dân sự vi phạm điều cấm, do giả tạo hoặc không tuân thủ về hình thức thì BLDS 1995 không bị hạn chế về thời hiệu. Trong khi BLDS 2005, đối với các giao dịch không tuân thủ về hình thức, theo yêu cầu của một trong các bên, tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền ra quyết định buộc các bên hoàn thiện về hình thức trong một thời hạn, quá thời hạn đó mà không thực hiện thì giao dịch vô hiệu.
Đối với thời hiệu về thừa kế, cả BLDS 1995 và 2005 đều quy định là 10 năm. Riêng BLDS 2005 còn quy định chi tiết hơn về thời hiệu để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 3 năm kể từ thời điểm mở thừa kế.
Quy định về thời hiệu, ngoài BLDS điều chỉnh, một số luật chuyên ngành và Bộ Luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) cũng quy định. Gần đây nhất là BLTTDS sửa đổi, bổ sung năm 2011 quy định về thời hiệu khởi kiện như sau: Đối với các tranh chấp về sở hữu tài sản; đòi lại tài sản thuộc tài sản hợp pháp của mình do người khác quản lý, chiếm hữu; tranh chấp quyền sử dụng đất thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện. Đối với các tranh chấp dân sự phát sinh từ giao dịch dân sự thì tùy trường hợp mà áp dụng pháp luật tương ứng; các trường hợp còn lại là 2 năm. Một điểm mới nữa ở BLTTDS 2011 là thời hiệu được tính kể từ ngày tổ chức, cá nhân biết được quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại...
Với một “ma trận” quy định như vậy, người có kiến thức pháp luật còn “điên đầu”, huống hồ là người dân.
Nhiều điểm mới, tiến bộ
Theo dự thảo BLDS sửa đổi (gọi tắt là dự thảo), nội dung về thời hạn, thời hiệu so với quy định hiện hành đã có một sự đổi mới và có thể nói đó là một bước tiến dài trong hoạt động xây dựng pháp luật. Ngoài những quy định chung như BLDS hiện hành đã có, dự thảo quy định về thời hiệu thống nhất hơn. Đối với việc xác định thời hiệu liên quan đến sở hữu bất động sản là 30 năm, còn động sản là 10 năm, trừ trường hợp pháp luật khác có quy định riêng (điều 177, 178 dự thảo).
Thời hiệu về thừa kế đối với bất động sản là 30 năm, đối với động sản là 10 năm. Điểm mới đáng lưu ý trong thời hiệu về thừa kế là quá thời hạn trên, nếu di sản đang thuộc người thừa kế quản lý thì thuộc quyền sở hữu của họ. Nếu người quản lý di sản không phải là người thừa kế thì phân thành 2 trường hợp: Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu hoặc được lợi một cách ngay tình, liên tục, công khai và phù hợp pháp luật thì họ trở thành chủ sở hữu; nếu không có người khác chiếm hữu hoặc được lợi về di sản thì di sản thuộc về nhà nước. Đây là một sự khác biệt so với quy định về thừa kế hiện nay. Với quy định này, sẽ giải quyết được nhiều vướng mắc trong giải quyết tranh chấp thừa kế hiện nay.
Về thời hiệu xin tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu của người chưa thành niên, người mất hoặc hạn chế năng lực hành vi, bị nhầm lẫn, bị lừa dối, đe dọa, người xác lập giao dịch không nhận thức được hành vi là 3 năm; hết thời hạn này mà người có quyền không yêu cầu giao dịch dân sự vô hiệu thì giao dịch dân sự đó có hiệu lực. Đối với giao dịch dân sự do giả tạo hoặc vi phạm điều cấm thì không bị hạn chế thời gian. Riêng việc yêu cầu thực hiện quyền, nghĩa vụ phát sinh từ nghĩa vụ, yêu cầu bồi thường thiệt hại, nếu pháp luật không quy định khác thì thời hiệu là 3 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền của mình bị xâm phạm và người vi phạm.
“Chỏi” với Bộ Luật Tố tụng dân sự?
So với quy định hiện hành (BLDS 2005 và BLTTDS sửa đổi, bổ sung 2011), thời hiệu khởi kiện được nâng từ 2 năm lên 3 năm. Chỉ có một chút băn khoăn về thời hiệu 3 năm, trong tờ trình của Chính phủ lấy ý kiến nhân dân thì chưa thấy giải thích về lý do vì sao nâng thời hiệu khởi kiện đối với việc xin tuyên bố các giao dịch dân sự vô hiệu hoặc yêu cầu thực hiện quyền, nghĩa vụ phát sinh. Bởi lẽ, với quy định 3 năm như thế, nếu được Quốc hội thông qua thì sẽ chỏi với BLTTDS 2011, trong khi bộ luật này vừa mới sửa đổi chưa lâu.
Bình luận (0)