Liệu 2 tỉnh này có đồng hội, đồng thuyền, gian lận điểm thi như Hà Giang hay không khi điểm thi của thí sinh cũng khá bất thường?
Theo thống kê, điểm trung bình môn toán, địa lý, giáo dục công dân của Sơn La xếp cuối cùng trong 63 tỉnh thành; môn ngoại ngữ, vật lý đứng thứ 62; ngữ văn, hóa học, lịch sử xếp thứ thứ 61 và sinh học đứng hàng thứ 51. Nhưng điểm toán và vật lý thì "quá nể"; chỉ môn toán đã có 30 thí sinh đạt điểm 9 trở lên, vượt xa tỉ lệ của TP HCM và Hà Nội…
Theo phát giác, một nữ sinh chuyên sử ở trường THPT chuyên Sơn La, đạt 9,8 điểm môn thi tiếng Anh ở kỳ thi THPT quốc gia 2018 nhưng điểm thi thử chỉ là 1,2 điểm. Không chỉ môn tiếng Anh mà hầu như môn nào điểm thi tốt nghiệp của em này cũng gần gấp đôi điểm thi thử. Không chỉ nữ sinh này, còn có một nữ sinh khác, cũng là "nhân tài" của đất nước khi sau kỳ thi này bỗng giỏi bất ngờ với điểm thi cao nhất khối D1 và nhiều tổ hợp khác. Rồi còn 35 thí sinh là công an nghĩa vụ dự thi có số điểm cao lạ hơn so với 112 bạn cùng dự thi như mình. Qua đó, bạn đọc Nguyễn Ánh nhận định: "Hình như đích đến của các thí sinh này là các trường công an, quân đội. Hãy tổng rà soát thí sinh trúng tuyển vào các trường này và rà soát kiểm tra chính bộ phận tuyển sinh của các trường này luôn thể". Bạn Phong, bạn có địa chỉ mail Bagiai@gmai.com.vn cũng đồng thuận với ý kiến trên và đề xuất: "Các thí sinh này thi vào công an. Cần thi thêm năng khiếu trước khi vào trường. Việc giao địa phương thi thế này rất không khách quan", "Tôi yêu cầu thi vào công an và quân đội thì tách riêng, kiểm tra năng lực hoặc cho thi tiếp 1 đợt nữa". Dư luận cũng đặt ra là nếu các thí sinh này không được nâng vống điểm quá cao để thi vào các trường lấy điểm quá chuẩn, mà chỉ cần "bụt" nâng nhẹ khoảng 10 điểm cho 3 môn thì chắc đã không có chuyện bị xoi mói, sớm bị lộ như hiện nay.
Sau khi xác minh xong điểm thi ở Sơn La, Lạng Sơn, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) sẽ làm gì để lập lại công bằng và trật tự? Có ý kiến cho rằng nên lùi thời gian xét tuyển ĐH để chấm lại hết 63 tỉnh thành cho công bằng. Thế nhưng kế hoạch đào tạo, tuyển sinh của các trường chưa kể là kinh phí để chấm thi lại là con số không nhỏ. Chưa kể việc chấm thi lại chắc gì không có tiêu cực xảy ra? Một bạn đọc phân tích vấn đề: Đây là kết cục được dự báo trước khi Bộ GD-ĐT quyết định thay đổi quy chế thi tuyển đại học bằng cách lấy điểm thi tốt nghiệp ở địa phương, trong khi quy chế, bộ máy quản lý còn chưa mạnh. Cải cách mà chưa có thử nghiệm, chưa chứng minh được sự vượt trội đã áp dụng là hoàn toàn phi khoa học. Lấy gì đảm bảo năm sau sẽ không tái diễn? Lấy ví dụ câu chuyện ở Hà Giang, nếu họ chỉ sửa điểm từ thấp lên mức trung bình khá thì có phát hiện được không? 22-25 điểm là đã vào được nhiều trường đại học tốt rồi. Tại sao không có biện pháp ngăn chặn từ đầu mà phải để xảy ra mới phát hiện?...
Rất nhiều câu hỏi đang chờ Bộ GD-ĐT trả lời cho người dân được rõ về một "kỳ thi an toàn và nghiêm túc" vừa rồi. Và còn nhiều kỳ thi khác tuyển chọn và đào tạo nhân tài cho đất nước trong tương lai sẽ ra sao….
Bình luận (0)