Tại Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội mới đây, một trong những nội dung được đưa ra bàn thảo là lộ trình cụ thể của mục tiêu hạn chế xe máy cá nhân. Theo đó, Thành ủy Hà Nội nêu định hướng đến năm 2025, có thể dừng hoạt động các phương tiện xe máy cá nhân trong khu vực nội đô nhằm hướng tới mục tiêu phát triển đồng bộ, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng đô thị theo chương trình 06 của Thành ủy.
Xa thực tế, khó cho dân
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, tới năm 2020, Hà Nội sẽ có khoảng 1 triệu ô tô và 7 triệu xe máy. Trong đó, bình quân trên địa bàn TP Hà Nội, mỗi tháng, lượng đăng ký mới với xe máy là 18.000-22.000 chiếc, ô tô là 6.000-8.000 chiếc. Vì vậy, trong khoảng 4-5 năm tới, tình hình giao thông của TP sẽ rất phức tạp và cần có những giải pháp kịp thời. Do đó, hạn chế phương tiện cá nhân được coi là một trong những giải pháp.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia về giao thông, mục tiêu đề ra đến năm 2025 sẽ có thể xem xét dừng hoạt động của xe máy mà không đi kèm giải pháp cụ thể là chuyện khó khả thi.
TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông đô thị, đánh giá hạn chế phương tiện cá nhân là một trong những biện pháp cần thiết. Tuy nhiên, đặt mốc hoàn thành mục tiêu này trong năm 2025 là không phù hợp với thực tế.
Theo TS Thủy, yếu tố cần có để hạn chế phương tiện cá nhân là giao thông công cộng phải phát triển. Trong khi đó, không riêng Hà Nội, hiện nay, giao thông công cộng tại các TP lớn tại Việt Nam còn quá yếu kém. Thực tế, giao thông công cộng tại Hà Nội hiện nay chỉ đáp ứng được 8%-10% nhu cầu và dự kiến đến năm 2025 cũng chỉ đáp ứng được nhiều nhất là 15%-20%. Khi đó, nếu hạn chế phương tiện cá nhân thì khoảng 80% dân số Hà Nội không có phương tiện đi lại.
Ngoài ra, tại Hà Nội nói riêng và các đô thị trong cả nước nói chung, có tới 70%-80% người dân sử dụng xe máy để mưu sinh, phục vụ các hoạt động lao động phổ thông. Phần lớn công việc của họ không phù hợp với các phương tiện như xe buýt, xe điện. “Do mức sống người dân còn thấp nên xe máy là phương tiện rất quan trọng. Đến năm 2025 chắc chắn vẫn có khoảng 50%-60% người dân đi xe máy. Nếu cấm xe máy cá nhân là cắt đi cần câu cơm của người dân. Như vậy không thực tế, gây khó khăn cho người dân” - TS Thủy nhìn nhận.
Quy hoạch đô thị mới là lời giải
Một trong những lý do khiến không ít ý kiến phản đối lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân nêu trên là bởi hạ tầng đô thị của Hà Nội cũng như của cả nước còn ở tình trạng yếu kém.
Ai cũng biết giao thông Việt Nam xuất phát điểm từ xe đạp đi lên xe máy rồi tới một bộ phận sử dụng ô tô. Năng lực hạ tầng hiện nay mới cơ bản phù hợp với giao thông xe máy cá nhân, chưa sẵn sàng cho các loại hình giao thông công cộng như xe lửa, tàu điện ngầm… Chưa kể, theo các chuyên gia, hạn chế xe máy cá nhân còn có thể vô tình kích thích phát triển ô tô cá nhân, khi đó tình trạng kẹt xe sẽ trầm trọng hơn rất nhiều.
TS Nguyễn Xuân Thủy góp ý nếu kiên quyết giữ mục tiêu chấm dứt hoạt động của xe cá nhân trong vòng dưới 10 năm nữa thì phải phát triển và hiện đại hóa hạ tầng, trong đó có cầu đường, giao lộ, thông tin tín hiệu, hệ thống giao thông thông minh. Đồng thời, có giải pháp phát triển mạnh giao thông công cộng, với các phương tiện chủ lực là đường sắt đô thị, tàu điện ngầm…
Chuyên gia giao thông Phạm Sanh nhấn mạnh cái đáng lo hiện nay là bài toán hạ tầng phục vụ giao thông của Việt Nam còn rất khó có lời giải thỏa đáng. “Điều kiện kinh tế Việt Nam trong những năm tới chưa thể có đủ lực để đầu tư hạ tầng được. Làm sao đùng một cái là mở đường rầm rộ, làm giao thông công cộng, làm metro, hệ thống xe lửa tốc độ cao… Do đó, mục tiêu cần phải gần thực tế hơn” - ông nói.
Các chuyên gia nhận định vấn đề ùn tắc giao thông liên quan mật thiết đến quy hoạch đô thị. Trong khi đó, mật độ dân nhập cư ở Hà Nội ngày càng lớn và rất khó giải quyết. Cơ sở hạ tầng cũ ngày càng chịu nhiều áp lực trước dân số gia tăng. Do đó, quan trọng nhất hiện nay là giải quyết vấn đề quy hoạch lại đô thị. Ví dụ, giãn các khu chung cư ra ngoài ngoại thành, chuyển bệnh viện, trường học theo các dự án đó nhằm giảm tải cho nội đô. Khi đó, không cần thiết phải đặt nặng vấn đề cấm phương tiện cá nhân nào mà có thể giãn lộ trình ra cho phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội.
Cần lộ trình, mục tiêu ngắn hạn
Theo chuyên gia giao thông Phạm Sanh, nếu đã đặt mốc năm 2025 chấm dứt xe cá nhân thì phải đưa ra rất nhiều giải pháp mới thực hiện được. Trong khi đó, hầu như TP Hà Nội chưa thực sự có những giải pháp quyết liệt, hợp lý.
“Vấn đề ở đây không phải đặt mục tiêu loại bỏ xe cá nhân hay không mà phải là chống kẹt xe, giảm tai nạn giao thông. Do đó, sẽ cần những lộ trình cụ thể để thực hiện việc hạn chế phương tiện này, ưu tiên phương tiện kia như thế nào. Nên bỏ đi cách làm đơn giản chỉ đưa ra con số cứng” - ông Sanh nêu quan điểm.
Theo chuyên gia này, nên đặt mục tiêu ngắn hạn trong 5 năm, hết giai đoạn này rút kinh nghiệm rồi mới đặt các mục tiêu dài hạn hơn. Trong 5 năm đó, mỗi năm cần có kế hoạch cụ thể làm ra sao, điều chỉnh theo thực tế như thế nào… thì sẽ bớt viển vông hơn lộ trình dài hạn mà không có giải pháp cụ thể.
Bình luận (0)