Theo ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội, thực hiện chỉ đạo mới nhất của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, TP Hà Nội sẽ điều xe mỗi tỉnh về một bến (thay vì xe một tỉnh vừa vào Bến xe Nước Ngầm vừa vào Bến xe Giáp Bát như hiện nay).
Nâng cao chất lượng phục vụ
Ông Viện cho biết việc điều chuyển bước đầu có thể sẽ ảnh hưởng một số doanh nghiệp (DN) nhưng về nguyên tắc, mỗi tỉnh về một bến sẽ tốt hơn. Phương án này không chỉ tạo điều kiện cho các DN cạnh tranh nhau bằng chất lượng dịch vụ mà còn tạo thói quen cho hành khách. “Ví dụ, cứ nói đi Vinh (Nghệ An) là người dân nghĩ ngay đến Bến xe Nước Ngầm, khác với tình trạng xe mỗi tỉnh ở 2 bến dẫn đến việc khách không biết đi xe giờ nào ở bến nào” - ông Viện dẫn chứng.
Cũng theo ông Viện, việc điều chuyển xe mỗi tỉnh về một bến dự kiến thực hiện trong quý II. Trong tháng 4 này sẽ rà soát xong phương án để trình TP và Bộ GTVT phê duyệt trước khi triển khai.
Nói về những bất cập trong việc điều chuyển, ông Viện cho rằng cái khó là các DN vận tải hành khách đã hoạt động tại các bến xe ổn định từ lâu nên không muốn về nơi cơ quan chức năng điều chuyển.
Trước đó, trong phương án được Sở GTVT Hà Nội xây dựng, toàn bộ các tuyến đi Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình tại Bến xe Nước Ngầm về Giáp Bát với tổng cộng 388 chuyến/ngày của 67 DN vận tải; 234 tuyến/ngày của 40 DN vận tải chạy tuyến Thanh Hóa tại Bến xe Giáp Bát về Nước Ngầm.
Phù hợp với quy hoạch chung
Trước việc Sở GTVT Hà Nội điều chuyển xe khách mỗi tỉnh về một bến, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho rằng dựa vào công suất thực tế của 2 bến xe Giáp Bát và Nước Ngầm có thể xem xét bố trí tuyến Nghệ An, Thái Bình về Bến xe Nước Ngầm; còn tuyến Thanh Hóa, Nam Định về Bến xe Giáp Bát…
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, nhận định việc điều chuyển xe khách mỗi tỉnh về một bến thì hành khách được hưởng lợi bởi DN vận tải sẽ phải cạnh tranh nhau chất lượng phục vụ để có thể “lôi kéo” khách về với xe của mình. Bên cạnh đó, việc này cũng theo quy hoạch chung của TP Hà Nội là các tỉnh nằm phía nào thì xe khách sẽ về bến nằm ở hướng đó. Ngoài ra, cũng phù hợp với Luật Giao thông đường bộ và được phân công bảo đảm điều tiết luồng tuyến giao thông là do địa phương quyết định.
Tuy nhiên, ông Liên lưu ý hiện Bến xe Giáp Bát đã gần như đủ công suất, tình trạng ùn tắc trên trục đường Giải Phóng đang ngày một diễn ra phức tạp, việc Sở GTVT điều chuyển thêm chuyến xe khách/ngày về đây sẽ làm cho bến xe thêm quá tải, giao thông phức tạp. “Vậy nên, cơ quan chức năng làm sao phải giải quyết việc này và cơ cấu cho hợp lý. Ví dụ, tỉnh Thái Bình, cơ quan chức năng cần xác định các tuyến huyện và TP để khi xuất phát tại bến cùng giờ nhưng có thể đi theo hướng khác nhau” - ông Liên nêu.
Ông Liên cho rằng hiện nay, các phương tiện công cộng tại Hà Nội chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Do đó, Sở GTVT Hà Nội cần sớm hoàn thành các mạng lưới giao thông công cộng, đẩy mạnh việc nâng cấp xe buýt để đáp ứng.
Trước những băn khoăn của một số người dân, chẳng hạn xe Nam Định ở Bến Mỹ Đình, chỉ đi một tuyến xe buýt là tới nơi; nếu điều chuyển luồng tuyến, xe Nam Định chỉ hoạt động tại Bến xe Giáp Bát và Bến xe Nước Ngầm trong khi không có tuyến xe buýt ra thẳng 2 bến xe này, hành khách phải đi 2 tuyến mới ra được bến xe để bắt xe khách về, rất mất thời gian, ông Liên nói: “Người dân di chuyển đến các bến xe là nguyên tắc, xe ở đâu thì khách sẽ tới đó. Đây là lợi ích của toàn dân nên mọi người cũng phải thông cảm”.
Không được hoán cải xe
Để tránh tình trạng xe dù, xe hợp đồng trá hình hoạt động bát nháo trong TP, Sở GTVT Hà Nội sẽ yêu cầu các nhà xe không được hoán cải xe. Ngoài ra, xe chở khách phải có phù hiệu để chịu sự quản lý như phương tiện vận tải khách tuyến cố định, nếu xe dưới 9 chỗ thì xem như taxi và chịu sự giám sát quản lý của cơ quan chức năng.
Bình luận (0)