Sáng 22-12, ông Doãn Hữu Long, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, cho biết sau khi nhận được báo cáo của Trung tâm Y tế (TTYT) dự phòng huyện Krông Bông về việc một số học sinh (HS) ở Trường Tiểu học Cư Pui II mắc "bệnh lạ", sở đã thành lập một đoàn công tác xuống kiểm tra.
Bỗng dưng… la hét, quậy phá
Đoàn công tác của sở gồm các bác sĩ chuyên khoa nhi của bệnh viện tỉnh, các chuyên khoa của bệnh viện tâm thần, TTYT dự phòng tỉnh Đắk Lắk đã khám bệnh cho các HS tại trường.
Theo Trường Tiểu học Cư Pui II, sự việc xảy ra từ ngày 11-12. Cô Nguyễn Thị Nhung, giáo viên chủ nhiệm lớp 5A1, phát hiện em Thào Thị Ch. đang ngồi học trong lớp bỗng nhiên đỏ mặt, môi tím, thỉnh thoảng la hét, nói nhảm, không làm chủ được bản thân. Ít ngày sau có thêm 5 nữ sinh khác gồm: Sình Thị Ch., Sính Thì H. (cùng học lớp 5A1), Mua Thị S. (lớp 4A3), Sính Thị P. (lớp 3A1) và Sùng Thị D. (lớp 2A2) cũng có biểu hiện tương tự. Các em thường trợn mắt, la hét, xô đổ bàn ghế, khó ngủ vào ban đêm nhưng ban ngày không buồn ngủ, ngồi xuống, đứng lên liên hồi.
Bác sĩ Trung tâm Y tế dự phòng huyện Krông Bông khám bệnh cho các em học sinh
Trong 3 HS lớp 5A1 có biểu hiện bất thường, em Thào Thị Ch. bị nặng nhất. Em Sình Thị Ch., Sính Thì H. nói nhảm, hành động theo sự điều khiển của em Thào Thị Ch. Cả 3 nữ sinh này cùng nhau hất tung sách vở, cùng đánh bạn, cùng nắm tay hành động, cùng chơi với nhau. Mặc dù thầy cô giáo khuyên nhủ, nhắc nhở nhiều lần nhưng các em vẫn không nghe.
Theo nhà trường, các em vốn ngoan hiền, chăm chỉ học tập, bỗng dưng biểu hiện bất thường khiến cô giáo lúng túng, phải gọi phụ huynh đến đưa về. Khi các em đi học trở lại, tình trạng này tái diễn nhiều lần trong lớp khiến các HS khác sợ hãi.
"Từ trước đến nay, ở huyện chưa từng xảy ra tình trạng như thế này nên chưa thể chẩn đoán, tìm ra căn bệnh, nguyên nhân bệnh. Chúng tôi đã yêu cầu nhà trường giám sát chặt để tránh những điều không hay xảy ra cho các em" - ông Lê Xuân Quý, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Krông Bông, nói.
"Con gái bị… ma nhập!"
Liên tục 2 ngày 18 và 19-12, bác sĩ Nguyễn Tuấn Việt, Giám đốc TTYT dự phòng huyện Krông Bông, cùng Trạm trưởng Trạm Y tế xã Cư Pui đã đến trường để thăm khám.
Theo báo cáo của TTYT huyện, 6 nữ sinh có biểu hiện lạ trong thời gian từ 15 phút đến 1 giờ, có khi kéo dài từ 2-3 giờ. Khi hết cơn, các em lại tỉnh táo, ngồi học và vui chơi với các bạn, sức khỏe bình thường. Các em kể có ai đó sai khiến mình nói và hành động nhưng không biết là ai.
Kết quả chẩn đoán ban đầu của TTYT đối với các HS này là bị "rối loạn phân ly tập thể chưa rõ nguyên nhân". Theo anh Thào Mí D. (bố của em Thào Thị Ch), khoảng 1 tuần nay, con gái liên tục nói "sợ ma", thậm chí đòi nhảy xuống suối. Sau khi đi học về, cháu chỉ ngồi một mình và không nói chuyện, tiếp xúc với ai trong nhà nhưng dễ bị kích động, mất bình tĩnh, nổi nóng. "Vợ chồng tôi nghĩ con gái bị ma nhập" - anh Thào Mí D. nói.
Gia đình anh Sính Vạn Ch. (bố cháu H.) cũng có ý nghĩ tương tự khi cho rằng con mình bị "ma nhập" nên nhất định không đưa con đi bệnh viện.
Rối loạn phân ly là bệnh gì?
Đầu tháng 12-2017, tại điểm trường Nà Bản (xã Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn), 9 HS tiểu học tự nhiên ngất hoặc la hét, bỏ chạy khỏi lớp học. Phần lớn sau khi tỉnh lại đều không nhớ gì. Các em có các biểu hiện chung như: người cứng đơ, run giật chi, cúi gằm mặt, bất động từ 10-20 phút. Cơn bệnh thường xuất hiện khi có sự tập trung chú ý của người xung quanh.
Tháng 7-2017, 13 người ở xã Chiềng Ngần, TP Sơn La, tỉnh Sơn La bỗng nhiên cười nói lảm nhảm, chửi bới vô cớ, chỉ uống nước thay cơm. Tình trạng này từng xảy ra vào tháng 12-2007, tại Thừa Thiên - Huế khiến 30 nữ sinh ngất xỉu. Hay tại Trường cấp II - III Phạm Văn Đồng (tỉnh Phú Yên), có 60 HS ở nhiều lớp khác nhau đồng loạt ngất xỉu và co giật.
Theo bác sĩ Nguyễn Mai Hương - Phó trưởng Khoa Tâm thần Bệnh viện Nhi trung ương, rối loạn phân ly là một nhóm các bệnh lý tâm thần thường gặp với tỉ lệ 0,3%- 0,5% dân số. Người bệnh có thể bị rối loạn vận động, rối loạn phát âm; rối loạn cảm giác, kích động về cảm xúc... Bệnh nhân cũng có thể sững sờ, ngất hoặc rối loạn lên đồng và bị xâm nhập, nói năng như thể có một người khác hoặc như bị một lực lượng siêu nhiên nào đó điều khiển.
Rối loạn phân ly tập thể là khi xảy ra đồng loạt các trường hợp rối loạn phân ly trong một nhóm hoặc một tập thể như trường học, đám đông. Sự lan truyền triệu chứng xảy ra trong nhóm người có mối quan hệ nào đó về môi trường hoặc sang chấn, tạo ra hàng loạt ca bệnh. Trong trường hợp phân ly tập thể, các triệu chứng thường gặp là ngất, rối loạn vận động, co giật, cơn kích động cảm xúc. Rối loạn này gặp nhiều hơn ở trẻ em gái và phụ nữ trẻ.
Rối loạn phân ly có khuynh hướng thuyên giảm sau vài tuần, vài tháng nhưng có thể tái phát trong trường hợp vẫn còn các sự kiện gây sang chấn.
N.DUNG
Bình luận (0)