Ở hầu hết các bệnh viện (BV), việc tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân (BN) - đặc biệt là người bị tai nạn giao thông, ẩu đả, tranh chấp… - diễn ra thường xuyên. Người vào BV cũng đủ thành phần, trong đó có những người "manh động", thiếu kiềm chế. Vậy làm sao ngăn ngừa các vụ hành hung bác sĩ (BS)?
Ứng xử hợp tình, hợp lý
Theo BS Trần Văn Khanh, Giám đốc BV Quận 2 (TP HCM), có những nguyên nhân chủ quan khiến BS bị hành hung gần đây. Đó là nhân viên y tế chưa trang bị tốt kỹ năng giao tiếp, ứng xử trong tình huống khó; công tác chuyên môn, tính chuyên nghiệp của nhân viên y tế ở các ca trực không đồng đều; khu vực cấp cứu không cách ly hoàn toàn với người nhà BN; bảo vệ BV còn bị động, thiếu công cụ hỗ trợ...
Ngoài ra, BS bị hành hung còn do các nguyên nhân khách quan, như: kiến thức y khoa của người dân thấp, không hiểu tình hình bệnh tật của người nhà nên nôn nóng, lo lắng; BN đến BV trong tình trạng say xỉn, không làm chủ được hành vi; chưa có quy định rõ ràng, cụ thể về việc trấn áp người gây rối nơi công cộng, tại cơ sở y tế...
"Để ngăn ngừa các vụ hành hung BS, điều quan trọng là thầy thuốc lẫn BN và thân nhân phải biết lắng nghe, thấu hiểu. Cần giải quyết công việc bằng lương tri nghề nghiệp của thầy thuốc, bằng tấm lòng khoan dung, độ lượng của người dân nếu không may tai biến y khoa không mong muốn xảy ra. Ngoài ra, cần có quy định rõ ràng, cụ thể về quyền lợi, nghĩa vụ của BN; những điều không được làm tại cơ sở y tế và có chế tài nếu vi phạm. Nhân viên y tế cần nâng cao trình độ, tính chuyên nghiệp trong chuyên môn, tăng cường kỹ năng giao tiếp, ứng xử hòa nhã, hợp tình, hợp lý" - BS Khanh nói.
Theo BS chuyên khoa II Đỗ Trọng Ánh, Giám đốc BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM, phải phân biệt 2 kiểu người: người đang quá lo lắng, hoang mang và những kẻ gây rối thực sự. Nhân viên y tế phải được đào tạo kỹ năng giao tiếp, xử lý khủng hoảng, trấn an những người thuộc nhóm thứ nhất, làm họ dịu lại. Nhưng nếu đó là kẻ gây rối thực sự, muốn tấn công chỉ vì bản tính hung hãn, thầy thuốc phải đủ cứng rắn.
"Không phải ai muốn làm náo loạn BV, muốn đánh người là để cho họ làm. Thầy thuốc không chỉ mang trên mình sức khỏe và tính mạng của bản thân, họ còn phải chịu trách nhiệm đối với sức khỏe và tính mạng của vô số BN. Trong khi chờ đợi công an tới, mình phải bảo vệ mình trước. BV đông người như thế, chỉ cần tất cả nhân viên y tế lẫn lực lượng bảo vệ phản ứng lại cũng đủ để chặn những hành vi côn đồ. Tất nhiên, muốn phối hợp được thì mọi người phải được huấn luyện, diễn tập" - BS Ánh bày tỏ.
Người nhà bệnh nhân đánh bác sĩ tại phòng khám Bệnh viện Xanh Pôn. (Ảnh cắt từ video clip)
Cần hình phạt nghiêm khắc
Sau nhiều vụ hành hung nhân viên y tế, TS-BS Dương Đức Hùng, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp BV Bạch Mai (Hà Nội), cho biết BV đã tăng cường lực lượng bảo vệ ở các điểm nóng, đồng thời phối hợp với công an phường, cảnh sát giao thông tăng cường an ninh khu vực ngoài BV. Dù vậy, BV cũng không thể bảo đảm chắc chắn việc loại bỏ hoàn toàn các hành vi bạo lực trong môi trường y tế mà chỉ có thể hạn chế tình trạng này.
"Có một thực tế là các vụ hành hung người đang làm nhiệm vụ không chỉ xảy ra trong ngành y tế mà còn ở rất nhiều ngành nghề khác. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này phải kể đến là vấn đề đạo đức xã hội xuống cấp, sự manh động của một số đối tượng, trong khi cấu trúc hạ tầng an ninh BV chưa bảo đảm, khung pháp lý đối với hành vi này chưa đủ sức răn đe. Ngoài ra, tính chuyên nghiệp của thầy thuốc, kỹ năng giao tiếp, ứng xử… chưa cao. Bên cạnh đó, với những vụ hành hung nhân viên y tế, báo chí dường như mới chỉ quan tâm nhiều đến thông tin ban đầu, còn hành vi vi phạm pháp luật này bị trả giá thế nào thì chưa được đề cập nhiều. Để ngăn chặn, thiết nghĩ cần có hình phạt nghiêm khắc đối với những người có hành vi bạo lực, hành hung các y - BS" - BS Hùng kiến nghị.
BS Hùng cho biết trong cấp cứu y tế có những vùng chồng lấn. Chẳng hạn, khi tiếp nhận một BN có chân bị dập nát, tổn thương xương, mạch..., BS có thể chỉ định cắt cụt để bảo đảm tính mạng và sẽ không ai nói BS làm sai. Tuy nhiên, nếu BS làm việc bằng cái tình, lương tâm, trách nhiệm thì sẽ cố gắng cứu chân dập nát cho BN bằng cách huy động 3-4 kíp mổ, phẫu thuật khâu nối trong 7-8 giờ mà không biết có được hay không nhưng nếu thành công, BN sẽ không phải sống trong cảnh tàn phế.
"Vấn đề là chúng ta muốn BS làm tròn vai hay cố gắng làm hết mình bằng cả lương tâm, trách nhiệm?" - BS Dương Đức Hùng trăn trở.
Sau 6 ngày bị đánh, bác sĩ vẫn khủng hoảng
Ngày 19-4, BV Xanh Pôn (Hà Nội) đã tổ chức họp báo thông tin về vụ BS bị đánh tại BV này đêm 13-4.
PGS-TS Trần Trung Dũng, Phó Giám đốc BV Xanh Pôn, cho biết sau khi bị người nhà BN đấm vào mặt trong lúc khám bệnh, hiện BS V.H.C vẫn bị khủng hoảng tinh thần, chưa đi làm trở lại. Theo ông Dũng, camera BV đã ghi lại toàn bộ sự việc. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, lực lượng bảo vệ, vệ sĩ, công an phường và lực lượng 113 cũng đã kịp thời có mặt. Những ngày qua, BV đã tăng cường các biện pháp an ninh để bảo vệ cán bộ, nhân viên y tế.
Lãnh đạo BV Xanh Pôn khẳng định quy trình khám chữa bệnh cấp cứu với trường hợp BN được BS C. thực hiện đúng quy định. Trong lúc BS C. giải thích cho bố BN về thương tổn ở vùng hàm mặt, các chi phí tài chính, bất ngờ ông ta đứng lên đánh liên tiếp vào mặt BS. Khi nhân viên y tế đứng gần đó can ngăn, người này liền bỏ các đồ vật trong túi, trong đó có cả ví tiền, ra bàn.
Theo PGS Dũng, những ngày qua, BV đã phối hợp, cung cấp thông tin cho cơ quan công an để sự việc được xử lý đúng người, đúng pháp luật.
N.Dung
Bình luận (0)