"Nhiều người khó khăn mà phải bỏ ra hai ba chục bạc (20.000 - 30.000 đồng - PV) mua cái khẩu trang, người ta nóng ruột lắm. Nghe mấy cô bên tổ bàn chuyện may khẩu trang phát từ thiện, tôi còn may được nên đăng ký giúp. Tôi không có tiền nên muốn góp công" - bà nói bằng giọng Huế nhẹ nhàng.
Người đi qua hai cuộc chiến
Bà là Ngô Thị Quýt, nữ biệt động thành đã cống hiến cho Tổ quốc cả thanh xuân và những người thân yêu nhất. Bà được nhà nước phong tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng".
17 tuổi, bà được người con trai cùng làng ngỏ lời yêu thương, đưa bà cùng tham gia cách mạng. Sau ngày đất nước giành được độc lập (2-9-1945), họ nên duyên vợ chồng. Hai năm sau, khi bà đang mang thai con trai đầu lòng, chồng bà bị giặc bắn chết. Ôm nợ nước lẫn thù nhà, bà nuốt nước mắt gửi con trai mới hơn 6 tháng tuổi cho mẹ chồng nuôi, xin đi bộ đội chiến đấu, không làm giao liên xã nữa. Sau 4 năm công tác tại Đại đội 85, Tiểu đoàn 330 thuộc tỉnh đội Thừa Thiên, đóng quân tại làng Vỹ Dạ (Huế), bà trở thành cán bộ biệt động thành hoạt động tại Huế. Ba lần bị giặc bắt và tra tấn dã man, đến lần thứ tư, bà bị giặc bắt đày ra nhà tù Côn Đảo.
Tại đây, bà không nhớ nổi đã bao nhiêu lần phải chết đi sống lại vì đòn roi tra tấn của kẻ thù. Nhưng 4 năm tù đày, bà vẫn kiên trung, không hé răng nửa lời.
Mẹ Việt Nam anh hùng Ngô Thị Quýt cặm cụi may từng chiếc khẩu trang hỗ trợ phòng dịch Covid-19
"Đã bị nó bắt thì chịu chớ không khai. Khai ra là tất cả mọi người cũng bị bắt, bị đánh như mình. Dù thế nào cũng không được phản bội Tổ quốc, phản bội nhân dân" - bà kể về lời thề son sắt của người cộng sản chân chính.
Sau năm 1954, trở về từ "địa ngục trần gian", bà được đưa ra Bắc điều trị và công tác tại đơn vị bộ đội tỉnh Thanh Hóa. Đến năm 1975, khi đất nước thống nhất, bà trở về quê nhà thì được tin con trai đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường. "Nuối tiếc lớn nhất của cuộc đời tôi là không biết được con mình lớn lên ra sao, khuôn mặt lúc trưởng thành thế nào, giống ba hay mẹ? Tôi chỉ hay tin năm 18 tuổi, con đi bộ đội, chiến đấu và đã hy sinh trong cuộc Tổng tấn công Mùa xuân Mậu Thân. Con nằm lại chiến trường khi tóc vẫn con xanh" - giọng bà nghe buồn đến lặng người.
Còn làm được gì thì cứ làm
Đất nước thống nhất, bà trở về sống cuộc đời của một phụ nữ bình thường. "Đời tôi không giàu vật chất nhưng trong khả năng của mình, tôi chỉ mong được san sẻ nhiều hơn với những người còn khổ cực" - bà nói.
Suốt mấy chục năm qua, những lúc khỏe mạnh, bà lặn lội đến các tiệm may, gom góp vải vụn mang về kỳ công ráp thành những chiếc mền thật đẹp đem tặng những người có hoàn cảnh khó khăn. Bà cũng đi xin áo quần cũ, đem về tra khuy, tra nút, luồn thun, giặt sạch sẽ đem cho người nghèo. "Nhiều người nghèo nhận được, họ mừng lắm. Tự nhiên tôi cũng thấy vui vì đã giúp được một chút cho họ" - bà cười hiền hậu.
Những ngày nghe tin về dịch bệnh Covid-19, giá khẩu trang bị đẩy lên cao, bà canh cánh nỗi lo: "Bỏ hai ba chục bạc mua một cái khẩu trang, nhiều người nghèo nóng ruột lắm". Khi nghe ý tưởng may khẩu trang phát miễn phí của tổ dân phố, bà xung phong phụ may.
Đôi bàn tay đã chịu đựng bao đòn roi, gông cùm ngày trước giờ đã gầy guộc, nhăn nheo nhận thêm phần vất vả. Bà mày mò cách làm một chiếc khẩu trang chuẩn rồi cặm cụi đo, cắt từng khuôn vải, tỉ mẩn canh chỉnh từng đường kim bằng một bên mắt.
"Mắt phải không thấy được do một lần bị giặc tra tấn bằng báng súng đập thẳng vào mặt, mắt yếu dần rồi vĩnh viễn mù luôn. Nhưng còn làm được gì thì cứ làm. Mắt phải hư, còn mắt trái, vẫn cắt và may được. Hôm nào khỏe thì làm được chục cái, còn không khỏe thì làm ít hơn. Còn sức, còn giúp được cho xã hội là hạnh phúc của tôi" - bà móm mém cười khi nói về việc may khẩu trang phòng chống dịch Covid-19.
Nhìn bà cần mẫn cắt, may từng chiếc khẩu trang bên chiếc bàn máy may cũ kỹ, tôi nhận ra dường như giông bão, sóng gió cuộc đời không thể quật ngã sự lạc quan, yêu đời, yêu người của người cộng sản kiên trung ấy. Mãi mãi, bà vẫn luôn là tấm gương cho biết bao người soi rọi.
Bình luận (0)