Sáng sớm, trên chiếc xe lăn điện được địa phương góp tặng, chị Trần Kim Thúy (SN 1961; ngụ phường 16, quận Gò Vấp, TP HCM) lại rong ruổi khắp các con đường, ngõ hẻm, mưu sinh bằng nghề bán vé số dạo.
Chiếc xe lăn chở bao nỗi nhọc nhằn
"Từ khi sinh ra, 2 chân tôi đã yếu ớt, càng lớn lại càng teo tóp nhưng vì không có điều kiện chạy chữa nên đành phó mặc. Nếu không vì quá nghèo, tôi đã có thể đi được trên chính đôi chân của mình" - chị mở đầu câu chuyện đời mình bằng sự tiếc nuối ẩn sâu trong đôi mắt biết cười của người phụ nữ có vẻ ngoài đôn hậu.
Cũng vì đôi chân yếu ớt, đi lại khó khăn mà năm 28 tuổi, chị bị trượt ngã gãy xương đùi trái. Thời gian sau, do chống phải cây nạng bị gãy, chị lại té nhào, phải bó bột lần hai. Đến năm 34 tuổi, chị bị ngã bể xương đầu gối trái. Chân vừa hồi phục được ít lâu, trong một lần đi bán vé số dạo, do tuột dốc trên đường, chiếc xe lăn ngã lật úp khiến chị bị gãy xương cổ tay. Mãi đến bây giờ, những vết thương đau đớn đó vẫn cứ luôn ám ảnh chị mỗi khi di chuyển.
Chị Trần Kim Thúy với mẹ và em gái
Nhưng cũng đến tận bây giờ, bấy nhiêu khiếm khuyết, xui rủi đó chưa một lần quật ngã được chị. "Đã nhiều lần tưởng đời mình xem như xong, may mắn trời còn thương, còn cho mình được sống, được lao động để chăm lo cho mẹ và em gái" - chị cười nhẹ nhàng khi nhắc đến những chuyện không may đã qua.
Bà Sáu, mẹ chị, năm nay đã 93 tuổi. Bà còn minh mẫn, còn biết được người quen, người lạ nhưng nhiều bệnh tuổi già khiến bà phải nằm một chỗ hơn 10 năm nay, mọi sinh hoạt cá nhân đều một tay chị Thúy lo. Ngoài chị Thúy, bà còn có một con gái đã ngoài 50 tuổi nhưng ngô nghê không khác nào đứa trẻ. Cả hai người phụ nữ ốm yếu, bệnh tật cùng sống nương nhờ vào chị Thúy - người duy nhất còn khả năng lao động trong gia đình. Một người phụ nữ với phận đời chỉ có những nhọc nhằn nối dài trên vai.
Tôi chọn nụ cười
Ngày nhỏ, chị Thúy rất ham học và học rất giỏi nhưng cũng vì gia cảnh, chị đành gác lại giấc mơ học hành, giúp mẹ buôn bán lo cho gia đình. Cô gái khuyết tật nhưng giỏi giang, tháo vát được nhiều người ngỏ lời yêu thương nhưng nghĩ mình tật nguyền, chị không dám nhận lời ai. "Hơn nữa, có chồng, sinh con thì sau này mình sẽ được nhờ nhưng rồi mẹ già đi, ai sẽ lo cho mẹ, cho em". Vậy là chị chấp nhận hy sinh hạnh phúc của riêng mình. Đến tận bây giờ, chị chưa từng hối hận về quyết định đó. Nhớ về quãng thời gian xuân sắc, chị mỉm cười: "Xem như là một quãng đời đẹp mà mình đã may mắn được nhiều người thương quý".
Trò chuyện với khách một lúc, chị nhìn đồng hồ. Đã đến giờ ăn cơm trưa. Bảo chúng tôi tự nhiên ngồi chơi, chị chống nạng đứng dậy bước khập khiễng đến bên giường mẹ, cẩn thận ngồi xuống ghế và đút cho bà Sáu từng muỗng cơm. Cô em ngồi kế bên chị thỉnh thoảng gãi đầu, bứt tai, chị âu yếm nắm nhẹ tay em gái. "Nó (em gái chị - PV) khờ lắm, không làm được gì đâu. Ngày nào đi bán, tôi cũng tranh thủ về 2 lần lo cho mẹ và nó. Nó thương tôi lắm, nói thế nào sẽ nghe theo thế ấy" - chị vừa nói vừa nhìn em gái cười hiền lành.
Căn nhà nhỏ nằm nép sâu trong con hẻm ngoằn ngoèo ngày ngày vẫn đóng cửa im ỉm nhưng khi chị trở về nhà, người ta lại nghe vang lên tiếng cười giòn tan vui vẻ của những thành viên trong đó.
Lo cho mẹ, cho em ăn trưa xong, chị tất tả chuẩn bị sẵn bữa ăn tối rồi chào chúng tôi bắt đầu lên xe lăn rong ruổi đi bán vé số. Hơn 20 năm gắn bó cùng chị, chiếc bánh xe cũ kỹ lại quay đều trên những con đường quen thuộc chị từng đi qua, giúp chị chắt chiu từng đồng mua gạo, thịt, cá cho mẹ và em. Lạ một điều, vất vả là vậy nhưng bao giờ người ta cũng thấy chị với nụ cười thường trực trên môi. Trò chuyện với hàng xóm xung quanh, chúng tôi càng thấy rõ chị được láng giềng quý mến đến dường nào. Đơn giản bởi ở chị luôn tồn tại tinh thần lạc quan, lòng hiếu thảo, sự hy sinh, tử tế và tốt bụng.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 17-3
Bình luận (0)