Nhiều năm tham gia bảo vệ các bà mẹ trong việc đòi lại quyền nuôi con, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hôi Luật sư, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP HCM, cho biết để bảo vệ quyền lợi cho trẻ em, pháp luật đã quy định rất chi tiết, cụ thể về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn. Dù vậy, trên thực tế, để thực hiện quyền thăm nom con hoặc thay đổi quyền nuôi con khi chồng hoặc vợ cũ không nuôi dạy con tốt là một hành trình gian nan, thậm chí đẫm nước mắt.
Trái tim người mẹ
Bà T.T.H và ông Đ.H.T. có 2 con chung (SN 2005 và 2008). Khi xét xử sơ thẩm vụ án ly hôn, TAND quận 4, TP HCM tuyên mỗi người được quyền nuôi dưỡng một người con. Phán quyết này bị VKSND quận 4 kháng nghị và bà H. kháng cáo với lý do 2 cháu đã sống với mẹ hơn 10 năm. Trong thời gian đó, các cháu có thành tích học tập, sức khỏe tốt, tâm sinh lý phát triển bình thường. Hơn nữa, 2 cháu đều mong muốn tiếp tục sống với mẹ. Kháng nghị nêu rõ suốt quá trình giải quyết vụ việc, ông T. cũng không đưa ra bằng chứng chứng minh lời khai ông cung cấp. Rất may là xử phúc thẩm, TAND TP HCM đã chấp nhận kháng nghị của VKSND quận 4, tuyên bà H. được quyền nuôi 2 con.
Để đòi quyền nuôi con, một người mẹ khác là bà N.T.T.H (SN 1986) phải sang tận nước Pháp. Năm 2013, bà H. sống chung với doanh nhân người Pháp là ông A.S (SN 1976), có 1 con gái chung. Cuối năm 2014, ông A.S âm thầm đưa con gái sang Pháp sống; đồng thời ngăn cản việc bà H. gặp con. Bà H. liên tục qua Pháp làm đơn khởi kiện ra tòa án Pháp đòi quyền trực tiếp chăm sóc con. Ngày 23-6-2016, Tòa Sơ thẩm thẩm quyền rộng Albi (Pháp) ra phán quyết buộc ông A.S phải ngay lập tức giao người con chung cùng hộ chiếu của con cho bà H. trực tiếp nuôi dưỡng… Sau đó, ông A.S lại đưa cháu bé về Việt Nam nên bà H. tiếp tục gửi đơn khởi kiện ra TAND TP HCM yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án nước ngoài.
Tháng 5-2017, TAND TP HCM xử sơ thẩm, công nhận và cho thi hành án tại Việt Nam bản án nước ngoài. Ông A.S kháng cáo, đến ngày 29-8-2018, TAND Cấp cao tại TP HCM đã tuyên y án sơ thẩm nhưng ông A.S không giao con cho bà H. nên cơ quan thi hành án phải ra quyết định buộc ông này phải giao con và hộ chiếu cho bà H.
Minh họa: KHỀU
Không được cản trở quyền thăm con
Bà Vũ Thị Xuân Nhuệ, Trưởng Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm án hình sự VKSND TP HCM, cho biết điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn như sau: Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Điều 82, điều 83 Luật Hôn nhân và gia đình quy định cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
"Khi người không trực tiếp nuôi con không thuộc trường hợp bị hạn chế thăm con mà bị ngăn cản quyền thăm con thì có thể giải quyết bằng những cách sau: Trước hết, cần đặt ra vấn đề thỏa thuận về quyền thăm nom con khi giải quyết ly hôn giữa vợ và chồng. Các bên nên thể hiện tinh thần thiện chí trong vấn đề chăm sóc, nuôi dưỡng con cái. Nếu không thể thỏa thuận giải quyết được, người có quyền thăm con có thể khởi kiện yêu cầu người đang trực tiếp nuôi con phải thực hiện nghĩa vụ của mình là không được ngăn cản, cấm đoán người không trực tiếp nuôi con. Trường hợp có căn cứ chứng minh người đang trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện để nuôi con thì người không trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con theo quy định tại điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014" - bà Vũ Thị Xuân Nhuệ nói.
Cũng theo bà Nhuệ, bất kỳ người nào có hành vi cản trở quyền thăm con của người không trực tiếp nuôi con có thể bị xử lý theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Để bảo đảm quyền và lợi ích của mình, người bị ngăn cản quyền thăm con có thể tố cáo hành vi cản trở quyền thăm con tới cơ quan công an hoặc UBND để cơ quan có thẩm quyền xử phạt hoặc xin xác nhận của UBND hoặc công an về việc người trực tiếp nuôi con có hành vi cản trở quyền thăm con để yêu cầu cơ quan thi hành án việc chăm nom, chăm sóc con theo bản án, quyết định của tòa án.
"Ngoài ra, cha hoặc mẹ có thể yêu cầu thay đổi quyền nuôi con, việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 7 tuổi trở lên. Khi yêu cầu thay đổi quyền nuôi con thì vợ hoặc chồng cần chứng minh được rằng đối phương không nuôi dạy con tốt để cung cấp cho tòa án, cơ quan quản lý nhà nước về gia đình; cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em; Hội Liên hiệp phụ nữ" - bà Vũ Thị Xuân Nhuệ nhấn mạnh.
Gạt bỏ cái tôi vì tương lai của con
Có những cuộc hôn nhân cả 2 người may mắn nắm tay cùng nhau đi đến cuối cuộc đời; cũng có những cuộc hôn nhân phải dừng lại rồi đường ai nấy đi.
Vấn đề là người làm cha làm mẹ ứng xử như thế nào với những đứa trẻ được sinh ra từ cuộc hôn nhân đổ vỡ. Bởi trẻ không có lỗi, không chịu trách nhiệm cho sự đổ vỡ hôn nhân của người lớn. Vì vậy, người làm cha, làm mẹ phải gạt bỏ cái tôi, sự tự ái để cùng thống nhất cách nuôi dạy và chăm sóc con sau ly hôn. Luôn tạo điều kiện để cha hoặc mẹ không còn sống chung được thường xuyên tiếp xúc, gặp gỡ con cái. Đây là bổn phận và trách nhiệm của cha mẹ. Trẻ đã một lần tổn thương khi cha mẹ ly hôn, đừng để các cháu lại tiếp tục chịu tổn thương khi cha mẹ nói xấu, cấu xé nhau sau ly hôn.
ThS Trần Minh Hải (Giám đốc Trung tâm Tương Lai)
Bình luận (0)