Theo các chuyên gia giáo dục, tâm lý, tình trạng stress, trầm cảm ở học sinh, sinh viên (HS-SV) bắt nguồn từ nhiều yếu tố trong cuộc sống và có thể điều trị, phòng tránh được bằng sự cảm thông, thấu hiểu, kiên nhẫn của người lớn.
Xây dựng kế hoạch, cân bằng cuộc sống
TS Trịnh Viết Then, Trưởng Bộ môn Tâm lý học Trường ĐH Văn Hiến, phân tích các yếu tố dẫn đến stress, trầm cảm có thể xuất phát từ gia đình; học tập; mối quan hệ; tác động từ xã hội. Khi xảy ra vấn đề căng thẳng tâm lý, thông thường con người có những cách giải quyết, đối phó khác nhau: Tập trung vào vấn đề, tìm kiếm sự trợ giúp, lảng tránh, ứng phó tiêu cực. Đối với một số HS-SV, các em chưa có kỹ năng ứng phó với những căng thẳng tâm lý cũng như áp lực xảy ra trong cuộc sống nên thường hướng đến việc lảng tránh, tiêu cực.
TS Trịnh Viết Then lưu ý khi rơi vào trạng thái tâm lý căng thẳng, các em có những biểu hiện mệt mỏi, đau dạ dày, đau nửa đầu, đau ngực, tim đập nhanh, uể oải.
Về mặt cảm xúc, các em cảm thấy ủ rủ, buồn rầu, lo âu, chán nản, mất lòng tin ở bản thân, tình cảm xuất hiện theo chiều hướng tiêu cực, không nhìn nhận được vấn đề. Về nhận thức, việc căng thẳng ảnh hưởng đến trí nhớ, sự nhìn nhận, đánh giá vấn đề, tư duy chậm hoặc không muốn tư duy. Về hành vi, khi rơi vào trạng thái căng thẳng, các em ăn, ngủ quá nhiều hoặc quá ít…
"Để giải quyết vấn đề căng thẳng tâm lý, chính các em phải là người đầu tiên nhận thức được và có khả năng ứng phó, đương đầu. Nếu không đủ kinh nghiệm sống để xử lý, các em có thể tìm kiếm sự trợ giúp từ thầy cô, người thân, bạn bè hoặc các nhà tư vấn tâm lý, tham vấn học đường để điều hòa cảm xúc, nhận thức vấn đề đúng đắn. Kế hoạch học tập của HS diễn ra theo từng học kỳ, năm học, môn học, nên ngay từ đầu, các em phải xây dựng kế hoạch, lựa chọn phương pháp, mục tiêu phù hợp khả năng để không bị dồn áp lực về cuối năm học.
Bên cạnh đó, các em cần cân bằng giữa hoạt động học tập và vui chơi; có chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi, ăn uống phù hợp" - TS Trịnh Viết Then gợi ý.
Học sinh cần cân bằng giữa hoạt động học tập và vui chơi để không bị căng thẳng tâm lý. (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: TẤN THẠNH
Kiên nhẫn lắng nghe
Phân tích dưới góc độ tâm lý học, ThS Đinh Quỳnh Châu, Trưởng Bộ môn Tâm lý học Giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP HCM, cho rằng tất cả cảm xúc, hành vi... mà con người trải nghiệm và thực hiện đều là kết quả hoạt động của bộ não. Nếu xét dưới góc độ khác thì có nhiều nguyên nhân gây ra trầm cảm như yếu tố di truyền, cách suy nghĩ, tác dụng phụ của thuốc và stress. Hậu quả chung của trầm cảm là giảm hoạt động, chán nản, bi quan và cuối cùng có thể xuất hiện suy nghĩ hoặc hành vi tự tử.
Theo ThS Châu, trầm cảm có thể điều trị và phòng tránh được. Trầm cảm chỉ trở nên nguy hiểm khi chúng ta để nó bột phát quá mức. Do đó, thầy cô và đặc biệt là phụ huynh nên chú ý đến các biểu hiện "lạ" của con/em mình; chia sẻ lo lắng của mình về các biểu hiện "lạ" này với các em một cách cởi mở; lắng nghe chứ đừng "dạy" trẻ khi các em chia sẻ những điều đang phải trải qua ở lớp, ở trường, ở nhà...
Người trầm cảm sẽ khó khăn khi nói về cảm xúc và các vấn đề của mình, họ cần cha mẹ, thầy cô kiên nhẫn, thể hiện sự tôn trọng và thấu hiểu chứ không nóng lòng "khai thác" nguyên nhân vì sao như vậy.
Khi họ được ủng hộ và cảm thấy an toàn, nguyên nhân sẽ từ từ được lộ ra trong câu chuyện. Cuối cùng, hãy tin vào trực giác của mình. Đôi khi chỉ một vài dấu hiệu nhỏ cũng có thể giúp phụ huynh/thầy cô tiếp cận trẻ đúng thời điểm.
"Qua kinh nghiệm cá nhân, tôi nhận thấy HS trầm cảm chủ yếu do stress trong học tập và áp lực từ bạn bè. Hơn nữa, đây cũng là lứa tuổi đang loay hoay tìm vị trí của mình trong gia đình và xã hội nên áp lực các em phải chịu càng lớn hơn. Kỹ năng sống cũng là một phần có thể giúp các em vượt qua nhưng theo tôi, nếu có sự hỗ trợ từ những người có chuyên môn thì hiệu quả sẽ cao hơn rất nhiều. Vì vậy, nên hình thành thói quen "tìm sự giúp đỡ" khi cần thiết ở HS nói riêng và mọi người nói chung để có được một sức khỏe tinh thần tốt nhất" - ThS Châu nêu ý kiến.
Nổi loạn là do… lỗi của bộ não
Theo bài báo được đăng tải trên tờ The Conversation, giáo sư thần kinh học Gina Rippon, đến từ ĐH Aston (Anh) phân tích rằng sự nổi loạn, chống đối và dễ làm những điều dại dột của thiếu niên không phải lỗi của các em, đó là lỗi của bộ não.
Theo giáo sư Rippon, chất xám của não, vốn phát triển mạnh mẽ từ khi sinh ra, bất ngờ mỏng đi trong giai đoạn thiếu niên do quá trình tự tinh chỉnh của hệ thần kinh để nâng cấp cấu trúc, chuẩn bị cho sự trưởng thành. Quá trình mỏng đi của chất xám rất rõ ràng ở các vùng có chức năng điều hành: kiểm soát nhận thức, ra quyết định và dàn xếp các sự vụ. Vì lẽ đó, thiếu niên trở nên dễ bốc đồng, không giỏi giải quyết các sự việc và hay đưa ra các quyết định không phù hợp. Các em cũng khó kiểm soát về hành vi cư xử, cảm xúc, nhận thức trước các sự việc đúng sai, dễ vui vẻ, hào hứng nhưng cũng dễ buồn nản, tuyệt vọng và có các hành vi bột phát thiếu suy nghĩ.
Sự khuyến khích và động viên từ người lớn là cách tốt nhất để trẻ vượt qua giai đoạn này. Mọi sự la mắng, trách cứ chỉ làm xấu đi tình hình: các em càng nổi loạn hơn hay ngược lại tự cô lập mình, sa vào trạng thái trầm uất. Rất may mắn, sự bốc đồng của thiếu niên sẽ qua đi, góp phần tạo nên một người trưởng thành chín chắn hơn.
A.Thư
Bình luận (0)