Đây là sự nhắc nhở rất cần thiết và kịp thời bởi những năm qua, có nơi có lúc đã biến lễ khai giảng thiêng liêng và ý nghĩa của tuổi học trò thành nơi phô diễn thành tích của người lớn, nặng nề hình thức. Lãnh đạo các ban ngành đều được mời tham dự để tăng phần long trọng và hiện thực hóa mối quan tâm của xã hội với sự nghiệp giáo dục. Từ cán bộ giáo dục cấp trên đến đại diện chính quyền địa phương, từ hội phụ huynh đến cán bộ Đoàn, đại diện trạm y tế, hợp tác xã...
Khách quý luôn được chào đón với tiếng trống kèn rộn rã, tràng vỗ tay cùng dàn cờ hoa vẫy chào. Ấy thế nhưng có lúc đại biểu làm khó thầy cô, làm khổ học sinh khi đến trễ từ vài phút đến vài chục phút hoặc phát biểu quá dài dòng, rườm rà… Chưa kể, nhiều diễn văn khai giảng của hiệu trưởng dài lê thê, nội dung chủ yếu là báo cáo thành tích với những con số dằng dặc khiến cả thầy và trò nhễ nhại mồ hôi dưới cái nắng oi ả của đầu tháng 9.
Ngày khai giảng đánh dấu sự khởi đầu của một chặng đường mới trên con đường học tập của trẻ. Chủ thể của ngày khai giảng phải là học sinh. Các em cần được chào đón một cách ấm áp, trân quý và hân hoan trong ngày trọng đại; cảm nhận sự trang trọng và trưởng thành từng chút một trong khoảnh khắc khai trường…
Vì thế, các trường hãy mạnh dạn trả lại ngày khai giảng cho học sinh bằng những việc làm thiết thực, chương trình hấp dẫn, vui tươi, sao cho học sinh cảm nhận được niềm vui, sự háo hức như một ngày hội, lấy đó làm động lực học tập ngay từ đầu năm học mới. Lời nhắn nhủ trong bài diễn văn cũng cần ngắn gọn, ý nghĩa, thấm đượm tình nghĩa thầy trò, làm hành trang cho những ngày học tập, sinh hoạt sắp tới tại ngôi nhà thứ hai của các em.
Hãy để học sinh thực sự là trung tâm của ngày khai giảng!
Bình luận (0)