Những nguyên nhân cơ bản đã được các chuyên gia phân tích: đào tạo không gắn với thực tế; tỉ lệ tạo việc làm thấp, tăng trưởng kinh tế chững lại… thực ra không mới. Nó đã được đưa ra từ nhiều năm trước, thậm chí còn gây tranh cãi ở các kỳ họp Quốc hội nhưng kỳ lạ là những biện pháp khắc phục chưa thấy hiệu quả.
Chỉ 10 năm qua, số trường đại học tư mọc ra “như nấm sau mưa”, tuyển sinh ồ ạt, dễ dãi. Họ đào tạo đủ các ngành nghề trùng lắp nhau, cơ sở vật chất thiếu thốn, giảng viên không có… Dù có cố gắng đào tạo nhưng “sản phẩm” sau khi đưa vào xã hội không thể sử dụng được. Bên cạnh đó, quá nhiều thanh niên vẫn còn tư tưởng vào bằng được đại học mà không cần biết khả năng mình đến đâu, sở thích như thế nào. Việc các trường cho thôi học cả ngàn sinh viên mỗi năm là minh chứng rõ nhất. Còn các doanh nghiệp thì luôn ngao ngán với những cử nhân đầy ắp “kiến thức vĩ mô” mà chẳng có chút nghiệp vụ. Muốn sử dụng, họ phải đào tạo lại từ đầu rất tốn kém.
Làm hồ sơ nhận trợ cấp thất nhiệp tại TP HCM. Ảnh: MAI CHI
Thực trạng như thế nhưng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vẫn vô tư đưa ra những con số lạc quan. Cụ thể, mỗi năm đều tạo được từ 1,5-1,6 triệu việc làm mới; đào tạo lại hàng vạn người bị thất nghiệp… Mỗi năm, dân số của Việt Nam tăng khoảng 1 triệu người. Nếu con số tạo việc làm mới chính xác thì không bao nhiêu năm nữa chúng ta làm gì còn người thất nghiệp. Vậy nên, khi đưa con số trên ra tại kỳ họp Quốc hội, nhiều đại biểu không tin và nói thẳng: “Nếu tình hình phát triển kinh tế như hiện nay mà mỗi năm đều tạo được bấy nhiêu việc làm thì thế giới cũng phải học hỏi”.
Khác với cách thống kê như ở Việt Nam, tại Mỹ, hằng tháng Bộ Lao động đều có khảo sát đối với các gia đình có nhiều người trong độ tuổi lao động để kiểm tra lại tỉ lệ thất nghiệp. Song song đó, một khảo sát khác cũng được tiến hành đối với các doanh nghiệp để xem cơ cấu sử dụng lao động như thế nào. Từ tham khảo này, sẽ đưa ra những điều chỉnh cấp thời để hạn chế thất nghiệp.
Các nhà khoa học luôn dè chừng các con số thống kê không chuẩn thì sẽ dẫn đến những chính sách xã hội không sát thực tế. Hậu quả, tỉ lệ người thất nghiệp sẽ khó giảm, kinh tế chậm phát triển, đời sống người dân sẽ thấp. Câu chuyện sinh viên ra trường thất nghiệp đã quá phổ biến, doanh nghiệp nhiều ngành nghề chật vật duy trì sản xuất hiển hiện hằng ngày… thì liệu chúng ta có dám tin vào con số đẹp đẽ mà Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đưa ra.
Với số người thất nghiệp hiện nay là 1.128.700 người, số việc làm tạo mới khoảng hơn 1,5 triệu, vậy chúng ta hãy thử quan sát sang năm 2016, số người thất nghiệp của Việt Nam là bao nhiêu?
Bình luận (0)