Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT), các hồ chứa nước trên địa bàn được xây dựng từ những năm 1986 nên việc bồi lắng tự nhiên khiến lòng hồ bị bồi lấp, lồi lõm, dung tích chứa nước bị giảm nên cần tiến hành nạo vét. Theo đó, có 14 hồ được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương thực hiện dự án nạo vét, cải tạo và tận thu vật liệu lòng hồ bằng hình thức xã hội hóa.
Tỉnh nói một đằng, doanh nghiệp làm một nẻo
Lãnh đạo tỉnh BR-VT chỉ đạo: Phải xác định việc nạo vét các hồ thủy lợi là nhằm duy tu, giúp cho các hồ tích nước theo đúng thiết kế, không phải để khai thác cát; việc nạo vét phải dựa trên cơ sở đánh giá khoa học, bảo đảm đúng quy trình kỹ thuật, không để thẩm thấu nước. Tỉnh BR-VT cho thí điểm thực hiện ở 2 hồ là Sông Kinh và Sông Hỏa (huyện Xuyên Mộc) để đánh giá, rút kinh nghiệm, sau đó mới làm ở các hồ còn lại.
Lợi dụng nạo vét lòng hồ Sông Hỏa, chủ đầu tư cho khai thác, vận chuyển vật liệu san lấp ra ngoài phạm vi công trình trong khi chưa được cấp phép khai thác khoáng sản
Thế nhưng, dù mới chỉ được UBND tỉnh BR-VT chấp thuận chủ trương, phê duyệt dự án, cấp giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi của dự án nạo vét lòng hồ Sông Kinh và Sông Hỏa, Công ty TNHH Dịch vụ sản xuất Cát Hà (chủ đầu tư) đã lập tức khai thác, vận chuyển vật liệu san lấp ra ngoài phạm vi công trình trong khi chưa được cấp phép khai thác khoáng sản.
Liên quan đến sai phạm này, đại diện Sở NN-PTNT tại cuộc họp vào tháng 3-2018, khẳng định việc khai thác, vận chuyển cát san lấp ra ngoài phạm vi công trình trong khi chưa được cấp giấy phép khai thác là lỗi của chủ đầu tư.
Nhận xét của Sở NN-PNNT còn chỉ rõ phía chủ đầu tư bố trí các hố lắng, mương thu nước để lắng lọc trước khi xả vào hồ chưa bảo đảm theo yêu cầu đã được thẩm định theo nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và phương án cải tạo, phục hồi môi trường. Chủ đầu tư chưa thực hiện việc giám sát môi trường định kỳ đối với chất thải, chưa thông báo kế hoạch vận hành thử nghiệm các công trình xử lý môi trường đến UBND tỉnh; chưa quản lý chất thải nguy hại bảo đảm theo quy định.
Tương tự, tại hồ chứa nước Bút Thiền (giáp ranh 2 huyện Long Điền và Đất Đỏ), qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện, mặc dù chưa đến thời gian thi công theo giấy phép, chủ đầu tư đã tiến hành thi công nạo vét, cải tạo và tận thu vật liệu lòng hồ. Đến tháng 3-2018, Sở NN-PTNT tỉnh BR-VT có văn bản đề nghị công ty dừng thi công và chỉ được tổ chức thi công khi cấp có thẩm quyền cho phép.
Dự án nạo vét lòng hồ chứa nước Suối Nhum (huyện Tân Thành) được UBND tỉnh phê duyệt, giao cho Công ty TNHH Tập đoàn Hải Châu Việt Nam lập dự án nạo vét. Sau khi công ty hoàn tất các thủ tục, tháng 9-2017, UBND tỉnh đã cấp phép khai thác tận thu khoáng sản, với thời gian hoạt động 5 năm và chỉ được thực hiện từ tháng 6 đến tháng 10 hằng năm, dự kiến khởi công thực hiện vào tháng 6-2018. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế, doanh nghiệp này đã tổ chức thi công nạo vét và tận thu một lượng không nhỏ khoáng sản tại hồ trước thời gian được phép khai thác, gây bức xúc cho người dân khu vực xung quanh và trong dư luận toàn tỉnh.
Quản lý lỏng lẻo
Cuối tháng 5-2018, sau khi nhận được những kiến nghị của người dân xung quanh việc nạo vét một số hồ trên địa bàn tỉnh đã bị biến tướng và đua nhau khai thác khoáng sản trái phép, đoàn giám sát HĐND tỉnh BR-VT đã vào cuộc. Qua đó, phát hiện để xảy ra tình trạng trên ngoài lỗi của doanh nghiệp còn có lỗi của các ngành chức năng liên quan vẫn còn buông lỏng trong quản lý, giám sát dẫn đến hàng loạt công trình nạo vét các hồ thủy lợi bị tận thu khoáng sản một cách bừa bãi.
Lý giải cho việc quản lý còn lỏng lẻo, Sở NN-PTNT nói do đây là những dự án thí điểm nên không tránh khỏi những thiếu sót. Sở chưa nắm rõ các quy định về lĩnh vực quản lý khoáng sản của ngành tài nguyên - môi trường nên không kịp thời phối hợp để ngăn chặn chủ đầu tư trong việc vận chuyển vật liệu san lấp của lòng hồ ra khỏi phạm vi công trình. "Về việc này, sở xin nhận trách nhiệm và trong thời gian tới sẽ có kế hoạch phối hợp với Sở Tài nguyên - Môi trường, UBND các huyện và các đơn vị có liên quan để giám sát chặt chẽ hơn" - đại diện Sở NN-PTNT cam kết.
Trong khi đó, ông Trần Đình Khoa, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh BR-VT, nhấn mạnh rằng chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về việc nạo vét lòng hồ là đúng để mở rộng dung tích hồ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn chưa chặt chẽ về mặt pháp luật và chưa đầy đủ về hồ sơ pháp lý. Tất cả quy trình đang khai thác của các đơn vị không đúng với báo cáo trong thiết kế kinh tế kỹ thuật mà các đơn vị đã trình bày. Hiện HĐND tỉnh đang rà soát lại để có kết luận cuối cùng liên quan đến nội dung này.
Ra quy chế để xác định trách nhiệm!
Trước tình trạng trên, UBND tỉnh BR-VT đã thảo luận và thông qua Quy chế phối hợp trong thực hiện nạo vét lòng hồ các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh. Nội dung quy chế đã xác định rõ các bước thực hiện và trách nhiệm của từng ngành, từng đơn vị, giúp cho việc triển khai các dự án bảo đảm đúng quy định của pháp luật và nhanh chóng.
Bình luận (0)