Theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP HCM (viết tắt: Trung tâm Chống ngập), hiện TP đang triển khai 4 hồ điều tiết nhằm giải quyết ngập cho TP; trong đó, 2 hồ điều tiết rộng 6,2 ha và 9,9 ha tại phường Linh Đông và phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức) có tổng vốn đầu tư 600 tỉ đồng. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, dự án trên vẫn đang trong giai đoạn... đề xuất.
Vướng đủ thứ
Khu vực phường Linh Đông, phường Hiệp Bình Chánh thường xuyên bị ngập nước do ảnh hưởng của triều cường và mưa, chưa kể đến biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Do vậy, sau khi xây dựng, hệ thống cống ngăn triều để điều tiết và đê bao ngăn lũ cũng không đáp ứng đủ việc chống ngập. Xây dựng hồ điều tiết sẽ kết nối hệ thống đê bao ngăn lũ, cống ngăn triều bờ tả sông Sài Gòn tại khu vực quận Thủ Đức, giảm ngập cho 1.305 ha, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ban Kinh tế - Ngân sách kiểm tra thực tế dự án hồ điều tiết kênh Ba Bò
“Không những hồ điều tiết này mà đến nay việc xây dựng hồ điều tiết Bàu Cát (quận Tân Bình), hồ điều tiết Gò Dưa (phường Linh Đông, quận Thủ Đức) cơ bản vẫn còn nằm trên giấy, hồ điều tiết Khánh Hội (quận 4) còn vướng giải tỏa… Như vậy, dự án này còn chậm, chưa đáp ứng được việc phòng chống biến đổi khí hậu của TP” - một chuyên gia chống ngập cho biết.
Trước đó, tại buổi làm việc với Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP, đại diện Trung tâm Chống ngập cho biết dự án hồ điều tiết cải tạo kênh Ba Bò được triển khai xây dựng từ năm 2010 nhằm cải tạo tuyến kênh này, hoàn chỉnh hệ thống thoát nước, đáp ứng yêu cầu về tiêu thoát nước và giải quyết tình trạng ngập úng trên lưu vực thuộc địa bàn TP HCM và tỉnh Bình Dương. Tuy vậy, đến nay dự án này vẫn chưa hoàn thành vì còn vướng đủ thứ. Đại diện Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP đã đề nghị Trung tâm Chống ngập báo cáo UBND TP về tính khả thi, hướng triển khai hồ điều tiết trên địa bàn TP để có giải pháp.
Thận trọng xây hồ điều tiết trong sân bay
Nói về đề xuất xây hồ điều tiết bên trong sân bay Tân Sơn Nhất để thu gom nước khi có mưa lớn, TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu - ĐHQG TP HCM, cho biết về mặt nguyên lý thì hoàn toàn phù hợp nhưng không nên làm hồ hở mà nên làm hồ ngầm.
Trong khi đó, một chuyên gia giao thông khác cho rằng việc xây dựng hồ điều tiết trong sân bay là không nên bởi nó như một “quả bom”, chẳng may có sự cố sẽ rất nguy hiểm đến an toàn của sân bay. Nếu cần thiết thì làm hệ thống cống hiện đại hơn thông với các hồ điều tiết lân cận để thoát nước. “Tôi chưa thấy nước nào trên thế giới làm hồ điều tiết trong sân bay cả” - vị này nói.
Còn theo chuyên gia giao thông đô thị Phạm Sanh, trong sân bay Tân Sơn Nhất trước đây có một hệ thống chùm hồ điều tiết và hệ thống cống vòm rất lớn, dù mưa to mấy cũng không thể ngập được. Tuy nhiên, thời gian qua, không biết vì lý do gì phía sân bay không bảo trì, duy tu dẫn đến hệ thống cống này bị tắc nghẽn. Ngoài ra, trước đây nước từ sân bay Tân Sơn Nhất thoát ra ngoài thông qua 4 hướng chứ không phải 2 hướng như hiện nay. Theo đó, một hướng đi về kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè thông qua kênh Út Tịch, kênh A41; một hướng ra kênh Tham Lương - Bến Cát theo kênh Hy Vọng; một hướng về Gò Vấp thông qua kênh Nhật Bản và một hướng khác ra sông Sài Gòn.
“Trước đây, kênh A41 rất rộng, là kênh chính để nước chảy ra Nhiêu Lộc - Thị Nghè giờ đây đã bị lấn chiếm gần hết. Để tạo dòng chảy, TP phải tính đến việc mở rộng lại kênh này” - chuyên gia Phạm Sanh chia sẻ. Ngoài ra, theo ông Sanh, việc ngập trong sân bay như hiện nay rất nguy hiểm vì hiện tại kênh Nhật Bản, kênh Hy Vọng, kênh Út Tịch, kênh A41 bị nghẹt. Do đó, nếu thông kênh A41 cũng chỉ là giải pháp nhất thời mà thôi. Về lâu dài, nên cải tạo kênh Hy Vọng để nước chảy về kênh Tham Lương - Bến Cát và Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Ngoài ra, nếu việc xây dựng hồ điều tiết để gom nước mưa thì cũng rất tốt nhưng phải bảo đảm an toàn tuyệt đối và không nên làm hồ lớn. “Chính sân bay Tân Sơn Nhất phải đề xuất giải pháp để tự “cứu” mình, kết hợp với TP để cùng thực hiện. Trước mắt, giải pháp xây hồ điều tiết sẽ không phát huy tác dụng nhanh được vì đây là dự án khá phức tạp. Trong khi kênh Nhật Bản cải tạo nhiều năm rồi mà không xong” - chuyên gia Phạm Sanh nêu.
Xây hồ điều tiết 200 tỉ đồng
Nhằm ứng phó tình trạng ngập úng vào mùa mưa, TP HCM đã lên kế hoạch triển khai 104 hồ điều tiết tập trung hoặc phân tán. Ban Điều hành Chương trình chống ngập của TP cũng đang đề xuất các khu đô thị chủ động dành quỹ đất để xây các hồ điều tiết. Dù vậy, hiện mới chỉ có duy nhất dự án khu đô thị Lake View City ở quận 2 (nằm ngay đường song hành cao tốc Long Thành - Dầu Giây) được chủ đầu tư chủ động xây hồ điều tiết với diện tích mặt nước chiếm hơn 10% tổng diện tích khu đô thị, tổng vốn đầu tư khoảng 200 tỉ đồng.
Bình luận (0)