Sáng 18-8, anh N.P.C. (44 tuổi) cùng 3 người bạn đến quán karaoke trên đường Ngô Chí Quốc, phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức (TP HCM) ca hát. Tại đây, nhóm anh C. dựng xe máy chắn lối đi vào nhà vệ sinh của quán nên nhân viên B.T.N. (19 tuổi) nhắc nhở.
N. yêu cầu nhóm anh C. dời xe đi chỗ khác nhưng không được nên 2 bên xảy ra mâu thuẫn. N. lao vào tấn công, kết cục, anh C bị chém trúng đầu và gần đứt lìa cánh tay phải.
Một vụ hỗn chiến tại quận 3, TP HCM
Trước đó, tối 13-8, nhân cúng Rằm tháng 7, một nhóm 4 người chạy xe trên đường phố để tìm giật đồ cúng cô hồn. Khi đến trước quán bar trên đường Nguyễn Văn Khối, quận Gò Vấp, nhóm này chen vào giật nhưng bị nhân viên quán bar cản lại nên tức giận gọi thêm người mang hung khí đến trả thù. Một vụ truy sát đẫm máu suýt xảy ra nếu công an không kịp thời ngăn chặn.
Đây là hai trong nhiều vụ việc gần đây thể hiện thói côn đồ khiến dư luận kinh hãi. Nhiều người tự hỏi không biết rồi đây mình có thể trở thành nạn nhân chỉ vì những sự việc không đáng có như vậy.
Luật đã dự liệu những hành vi trên để có các biện pháp xử lý cụ thể, tuy nhiên, việc sớm phát hiện khắc chế cách hành xử này khi chúng đang còn trong trứng nước thì chưa hiệu quả. Bên cạnh đó, công tác quản lý Nhà nước về an ninh trật tự có vẻ như còn thiếu đồng bộ. Vẫn còn đó những khoảng trống của văn hóa, giáo dục, luật pháp cần được lấp đầy để triệt tiêu dứt điểm lối hành xử tính bột phát, bạo lực.
Nhưng nói gì thì nói, nhận thức của mỗi cá nhân có vai trò quan trọng trong cách hành xử. Trước mỗi tình huống dễ kích động, những người trong cuộc cần định vị lại bản thân, trách nhiệm của mình trước gia đình, cộng đồng, xã hội..., thì tin rằng sẽ hạn chế được các hành vi côn đồ, bột phát.
Bình luận (0)