5 khối lớp với số lượng vài trăm HS cùng chung lịch trình do một công ty du lịch cùng nhà trường tổ chức. Đi về trong ngày với 3 điểm đến: viếng tượng đài Bác Hồ, chơi trò chơi tập thể ở khu du lịch và tham quan Bảo tàng tỉnh. Chi phí cho mỗi HS là 250.000 đồng (đã bao gồm suất ăn trưa, nước uống, sữa và bảo hiểm du lịch), như vậy là không quá cao.
Tuy quãng đường di chuyển chỉ khoảng 30 km cả đi lẫn về ở trong thành phố nhưng lại sử dụng xe giường nằm, dễ có nguy cơ HS xô đẩy té ngã trên xe, nhất là HS lớp 1, 2.
Việc quản lý HS thực hiện theo xe, không theo lớp. Mỗi xe có một giáo viên và người của công ty du lịch nhưng vì không phải là giáo viên chủ nhiệm của tất cả HS trên xe nên họ khó có thể nắm rõ được tình hình của HS.
Tất cả HS của trường cùng đi chung một hành trình, trong khi khả năng nhận thức, đặc điểm tâm sinh lý của HS các khối lớp là khác nhau. Khi đến tham quan bảo tàng là 14 giờ, nhiều HS lớp 1, 2 đã mệt mỏi sau một buổi sáng vận động chơi trò chơi.
Trong khi đó, bảo tàng bố trí mỗi lần một nhóm nhỏ vào, HS chưa đến lượt phải mệt mỏi chờ đợi nên gần như không chú ý đến lời thuyết minh của hướng dẫn viên lúc vào tham quan.
Hoạt động trải nghiệm đã trở thành một môn học trong chương trình nên sẽ thật khó để phụ huynh từ chối cho con em mình tham gia. Có lẽ các trường, đặc biệt là trường tiểu học, cần đánh giá đúng thực chất của những chuyến đi hoạt động trải nghiệm xem có đạt được mục đích của môn học hay không.
Ngoài ra, có nên cho tất cả HS của trường cùng đi một lúc, một lịch trình, một hoạt động trò chơi tập thể? Nếu còn những điểm bất hợp lý, cần mạnh dạn điều chỉnh để hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường đạt đúng mục đích.
Bình luận (0)