• Phóng viên: Bộ GD-ĐT đã cấm dạy chữ cho học sinh trước khi vào lớp 1. Thế nhưng, năm nào cũng vậy, cứ đến thời điểm này là phụ huynh lại hối hả tìm lớp học thêm cho con. Quy định của Bộ GD-ĐT không có tác dụng với giáo viên cũng như phụ huynh?
- Ông Phạm Ngọc Định: Tôi khẳng định việc cho học sinh học chữ trước khi vào lớp 1 là phản khoa học. Vì sao? Vì làm mất đi sự chuẩn bị của phụ huynh, mất cái háo hức của học sinh trước khi vào lớp. Học sinh luyện chữ trước dễ chủ quan, ảo tưởng với tâm lý biết rồi, gây ảnh hưởng tới các bạn khác. Kết quả khảo sát đối với giáo viên cho thấy một số học sinh khi đến lớp biết chữ, biết viết thì lúc đầu hăng hái nhưng về sau đuối dần.
Mặt khác, nếu người dạy thêm không chu đáo thì việc hướng dẫn cầm bút, tư thế ngồi, cách viết chữ sẽ không đạt chuẩn. Nếu học sinh nào mắc phải những tật này thì rất khó sửa. Việc đi học trước là ép sớm, ảnh hưởng không tốt đến quá trình phát triển của trẻ. Theo khẳng định của các nhà tâm lý học, các cháu dễ bị ảnh hưởng về mặt tâm lý, còn ảnh hưởng đến hệ cơ, xương. Theo tôi, quan trọng nhất với lớp 1 là trẻ thích đi học.
Phải tạo tâm lý thoải mái, ham học cho trẻ khi vào lớp 1. Ảnh: LAN ANH
• Lý thuyết là vậy nhưng thực tế phụ huynh vẫn phớt lờ những cảnh báo này để cho con đi học thêm?
- Nguyên nhân có thể vì phụ huynh quá kỳ vọng, muốn con phải đọc thông, viết thạo hơn các bạn khác. Mặt khác là nhiều người rơi vào tâm lý đám đông, không cân nhắc kỹ tác hại. Đây là sự lầm tưởng của phụ huynh.
• Nhưng với một lớp học 50-60 học sinh, nếu không học trước, các cháu khó đuổi kịp chương trình bởi các cô không thể quan tâm tới từng cháu?
- Thực tế, lớp học 60 cháu và việc phụ huynh cho trẻ đi học trước là có thật, chủ yếu ở các TP lớn. Một trong những nguyên nhân sĩ số học sinh đông là do thiếu quỹ đất, thiếu phòng học. Theo quy định, sĩ số bậc tiểu học 35 học sinh/lớp. Chúng tôi sẽ có kiến nghị với địa phương phải có quy hoạch dành quỹ đất cho giáo dục.
Vấn đề quan trọng bây giờ là phải có những giải pháp đồng bộ để dạy học có kết quả. Đối với bậc tiểu học, chương trình nội dung không nhiều, kiến thức không có gì ghê gớm nhưng phải từng bước một. Giải pháp đưa ra là tăng cường học 2 buổi/ngày, từ đó giáo viên có thời gian kèm thêm cho trẻ. Giáo viên phải phối hợp với phụ huynh kèm thêm cho học sinh một cách kiên trì, chứ không thể vội vàng, nôn nóng. Sắp tới, chúng tôi sẽ có hướng dẫn phương pháp cho giáo viên về tổ chức dạy - học ở những lớp có sĩ số đông như vậy.
• Thực tế vì học sinh đã biết đọc, biết viết nên các cô thường dạy nhanh, dạy lướt. Những học sinh không đáp ứng được thì bị chê lười, dốt; phụ huynh lại phải cho đi học thêm. Vậy ai là người kiểm soát chuyên môn, chất lượng giáo viên trên lớp?
- Chúng tôi đã phân cấp quản lý, trước hết hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm nếu giáo viên không thực hiện đúng chương trình, tổ chức dạy thêm; sau là các cấp quản lý. Năm trước, chúng tôi có kiểm tra đột xuất ở Hà Nội, qua tìm hiểu học sinh được biết giáo viên có dạy trước và đã yêu cầu Hà Nội có biện pháp nhắc nhở, xử lý. Tới đây, bộ cũng sẽ kiểm tra đột xuất và cũng rất mong báo chí cung cấp địa chỉ cụ thể để có hình thức xử lý phù hợp.
• Nhiều người cho rằng nếu giáo viên tâm huyết với học sinh thì đã không gây ra những tình huống để phụ huynh hiểu là phải đi học thêm?
- Đúng là giáo viên lớp 1 phải thực sự yêu trẻ, tâm huyết với nghề. Giáo viên lớp 1 đặc biệt quan trọng. Trẻ mới vào học lớp 1 thì đọc, viết không quá quan trọng. Vấn đề là nắm bắt được tâm lý học sinh, khuyến khích học sinh vào nề nếp, có hứng thú trong học tập. Có lẽ bộ sẽ phải có hướng dẫn nhắc nhở về việc lựa chọn giáo viên thực sự có năng lực, tâm huyết để phân công dạy lớp 1.
Không chấm điểm học sinh • Một điều rất quan trọng là dù Bộ GD-ĐT đã có hướng dẫn không tạo áp lực cho học sinh tiểu học bằng việc không lấy điểm học kỳ I, thế nhưng việc vừa đến trường đã nhận điểm 1, 2, thậm chí là điểm 0, khiến cả học sinh lẫn phụ huynh đều chịu áp lực lớn, bộ có ý kiến gì về tình trạng này? - Đây là điều rất quan trọng. Và để giảm áp lực cho học sinh cũng như phụ huynh, từ năm học tới, chúng tôi nghiên cứu thay đổi cách đánh giá. Dự kiến sẽ không dùng điểm để tránh áp lực cho trẻ, ít nhất trong học kỳ đầu của năm lớp 1. Trong tuần tới, chúng tôi sẽ có văn bản gửi các địa phương về vấn đề này. |
Bình luận (0)