Sợ đầu vào lớp 1
“Rút kinh nghiệm từ cậu con cả, vì để cho phát triển tự nhiên nên chữ rất xấu, học toán cũng không nhanh bằng các bạn. Vì thế, mình quyết định cho bé Nhím đi học sớm với bà giáo già gần nhà” - chị Hòa kể.
Không chỉ con chị Hòa theo học mà tại rất nhiều trường mầm non của Hà Nội cũng diễn ra tình trạng học sinh mầm non nghỉ học để đi học chữ. Bà Nguyễn Thị Huệ, Hiệu trưởng Trường Mầm non Vĩnh Hưng (quận Hoàng Mai), cho biết từ Tết Nhâm Thìn đến nay, trường đã ghi nhận 12 trường hợp trẻ mầm non nghỉ học để đi học chữ. “Nhà trường, giáo viên đã vận động các phụ huynh cho trẻ ở lại trường học nhưng họ vẫn quyết tâm cho con nghỉ thì chúng tôi cũng không biết phải làm sao” - bà Huệ nói. Bà cho rằng có lẽ phụ huynh lo lắng khi phải kiểm tra đầu vào ở các trường tiểu học điểm nên cho con đi học chữ sớm.
Theo lý giải của hiệu trưởng một trường mầm non tư thục tại quận Cầu Giấy - Hà Nội, để duy trì ổn định lớp học, nhà trường chỉ còn cách là cam kết với phụ huynh về việc dạy trước cho trẻ biết đọc và viết. |
“Lờ” quy định
Bộ GD-ĐT đã ban hành quy định cấm dạy trước chương trình lớp 1 cho trẻ mẫu giáo. Tuy nhiên, trước tình trạng khó giữ được chân trẻ 5 tuổi bởi nhu cầu cho trẻ học chữ trước khi vào lớp 1 của phụ huynh, một số trường tư thục đã phải dành thời gian chính khóa để mời giáo viên tiểu học về dạy thêm cho lớp mẫu giáo lớn của trường mình.
Trong khi đó, các trường công lập vì phải tuân thủ đúng quy định của bộ, sở nên không thể dạy thêm chương trình lớp 1. Điều này đã khiến không ít trường phải chấp nhận tình trạng sĩ số không ổn định với lớp mẫu giáo lớn.
Theo bà Phạm Thị Quy, Hiệu trưởng Trường Mầm non Quỳnh Lôi (quận Hai Bà Trưng), vài năm trước đây, việc nghỉ học mẫu giáo để đi học chữ phát triển thành phong trào. Để giữ chân học sinh, nhà trường phải bố trí những giáo viên dạy tốt nhất phụ trách lớp 5 tuổi để giúp các cháu có thể vào lớp 1 “ngon lành” nhất. Nhờ điều này mà phong trào nghỉ học ở Trường Mầm non Quỳnh Lôi lắng xuống, chỉ còn vài ba trường hợp đơn lẻ.
Bà Nguyễn Minh Hồng, Hiệu trưởng Trường Mầm non Đồng Tâm (quận Hai Bà Trưng), cho biết thời điểm này, sĩ số trong lớp giảm mạnh vì đây cũng là lúc các trung tâm, lớp học thêm chiêu sinh học sinh chuẩn bị vào lớp 1. Chính vì muốn con biết chữ trước khi vào lớp 1 mà các vị phụ huynh sẵn sàng cho con nghỉ học mẫu giáo, không cần quan tâm đến việc làm sao cho con học tập và làm quen trong môi trường phù hợp với lứa tuổi.
Chủ yếu xảy ra ở TP lớn Nhận định về tình trạng này, bà Lê Minh Hà, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GD-ĐT), cho rằng tình trạng trẻ mẫu giáo bỏ học để học các lớp luyện chữ vào lớp 1 chủ yếu chỉ xảy ra ở các TP lớn, nơi có tính cạnh tranh cao. Chương trình mẫu giáo 5 tuổi mới hiện nay rất chú ý vào việc chuẩn bị tâm thế cho trẻ vào lớp 1. Nếu nắm rõ nội dung chương trình này hơn, phụ huynh sẽ biết là nên hay không nên cho con học trước chương trình lớp 1. |
Toan tính của người lớn Trong cuộc họp giao ban của ngành học mầm non vừa qua, lãnh đạo nhiều phòng GD-ĐT tại TPHCM bày tỏ lo ngại về tình trạng trẻ lớp lá bỏ học để ở nhà học chữ khiến công tác phổ cập trẻ mầm non đã khó lại càng khó hơn. Vấn đề căng thẳng đến mức trong cuộc họp phụ huynh mới đây của một trường mầm non tại quận 3, nhiều phụ huynh đã đồng loạt đề nghị nhà trường dạy chữ cho trẻ nhưng trường kiên quyết từ chối. Việc dạy chữ ở bậc mầm non, dù các chuyên gia giáo dục và cả lãnh đạo Sở GD-ĐT nhiều lần lên tiếng là không nên nhưng phụ huynh bằng cách này hay cách khác vẫn tìm “lò luyện” cho con. Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Phó Phòng GD-ĐT quận 3, cho biết: “Trẻ đã học qua chữ ở bậc mầm non sẽ có xu hướng chủ quan, không tập trung khi vào lớp 1. Hơn nữa, học chữ phải đúng quy trình, quy chuẩn, nếu giáo viên mầm non dạy một kiểu, khi vào lớp 1 học theo kiểu khác thì trẻ dễ rối loạn vì không biết tiếp thu theo hướng nào. Lúc này trẻ như tờ giấy nháp bị gạch, xóa nên việc tẩy trắng để dạy lại từ đầu rất khó khăn”. Nhưng mục đích phía sau của việc học chữ là toan tính sâu xa của người lớn khi mà ở thời điểm này, nhiều phụ huynh vẫn đang truyền tai nhau việc tiếp cận với giáo viên là cách mới để chạy trường, vì cách làm truyền thống bấy lâu là chạy hộ khẩu, tạm trú xem ra không còn hiệu quả. “Nhiều đơn vị đã phải áp dụng biện pháp “dọa” phụ huynh bằng cách nếu không có giấy chứng nhận hoàn thành lớp lá thì không có giấy gọi ra lớp 1. Trên thực tế, trẻ nào đi học được gọi trước, trẻ không đi học phải gọi sau là biện pháp bất đắc dĩ mà nhiều trường phải sử dụng để đối phó với chuyện trẻ bỏ trường để học chữ” - bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt nói. Hiệu trưởng một trường mầm non tại quận 1 kể: “Có phụ huynh thẳng thắn rằng cho con nghỉ học để có thời gian làm quen và thân thiết với giáo viên lớp 1. Dĩ nhiên, giáo viên này phải đang công tác tại trường mà phụ huynh đã nhắm đến. Do vậy, học chữ chỉ là hình thức nhưng để hy vọng và bảo đảm cho con mình có một suất học trái tuyến lại là lý do cao hơn”. Trẻ mầm non được ví như tờ giấy trắng nhưng trong cuộc đua vào trường điểm, lớp chọn, giấy trắng có lẽ không còn trắng bởi bị kéo quá sớm vào toan tính của người lớn. Thế nhưng, một số tiêu chí quan trọng về trường, lớp, như trường không bị áp lực về sĩ số thì giáo viên có điều kiện quan tâm đến học sinh hơn, có sân chơi rộng rãi, không gian thoáng mát, trong lành sẽ có lợi cho sức khỏe của trẻ… lại không được phụ huynh ngó ngàng đến. Mà những tiêu chí này, theo phân tích của nhiều chuyên gia giáo dục thì chắc gì những trường điểm đạt được? Đặng Trinh |
Bình luận (0)