xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Học sinh ghét môn sử: Tại ai?

Phạm Hồ

(NLĐO) - Vốn là môn học hấp dẫn của nhiều thế hệ nhưng hiện nay môn lịch sử đang bị rẻ rúng, cả người học và người dạy đều không mặn mòi. Nguyên nhân của vấn đề này nhiều năm qua không được thẳng thắn phân tích nên cũng không có cách khắc phục.


Quá mệt mỏi, khó nhớ chi tiết, khô khan... là những nhận xét của rất nhiều bạn đọc đối với môn học lịch sử hiện nay. Với đề cương dày cộm trong khi thi tốt nghiệp đến 6 môn nên khi nghe tin không thi tốt nghiệp môn lịch sử thì rất nhiều học sinh vui mừng. Đã có nhiều hành vi “ăn mừng” quá trớn và không ít người vội vàng kết luận về tư cách đạo đức của học sinh và nâng quan điểm. Nhưng công tâm mà nói đây là hệ quả của chương trình dạy và học quá cứng nhắc, khô khan của môn lịch sử.
 
Nhìn là thấy ngán

Với thực trạng nhiều học sinh ngao ngán với môn lịch sử thì nhiều người dễ dàng cho rằng do học sinh có vấn đề. Nhưng đây là nhận định quá vội vàng bởi một môn học mà không thu hút được học sinh thì lỗi không hẳn là ở học sinh. Điều quan trọng là phải tìm hiểu tại sao? Khắc phục thế nào? Một môn học mà phải ép buột học sinh mới học thì sẽ phản tác dụng.
 
Nói về môn lịch sử bạn đọc Nguyễn Thành Nam, kể: “Tôi năm nay đã hơn 50 tuổi nhưng vẫn thuộc lòng những địa danh, những trận đánh, những tên tuổi anh hùng lịch sử đã học thời tiểu học. Kế cả những người bạn không may mắn trên con đường học vấn, hiện hằng ngày phải còng lưng trên chiếc xe ôm vẫn còn nhớ Đặng Dung, Triệu Quang Phục, Phạm Ngũ Lão... là ai. Thời tôi đi học, giáo viên chỉ là những người vừa qua tú tài, chưa biết gì về sư phạm nhưng khi dạy học sinh đến nay vẫn còn thuộc nằm lòng kiến thức dù đã qua vài chục năm. Thủ phạm trước nhất và có thể là quyết định của sự xuống cấp chất lượng giáo dục không ai khác ngoài sách giáo khoa, loại sách lẽ ra dành cho học sinh thì lại viết theo kiểu hàn lâm, giáo viên chuyên ngành sư phạm đọc cũng không tiêu hóa nổi”.
 
img
Nhiều học sinh rất ngán ngại học môn lịch sử. Ảnh: Tấn Thạnh

Chỉ thẳng vào vấn đề, bạn đọc Trần Ngọc Thanh cho rằng: Một trong những nguyên nhân hết sức quan trọng khiến học sinh "ngán" môn lịch sử là phải nhớ quá nhiều ngày, tháng, năm diễn ra các sự kiện. Có khi chỉ một sự kiện mà phải nhớ trên 10 mốc thời gian thì làm sao mà nhớ cho hết. Sách lịch sử thì càng chi tiết, càng ghi đầy đủ ngày, giờ diễn ra sự kiện là rất tốt, nhưng khi thi và kiểm tra chỉ cần yêu học sinh nắm bắt những mốc lịch sử quan trọng nhất mang điểm nhấn. Điều quan trọng khi học lịch sử là xâu chuỗi của sự kiện, ý nghĩa lịch sử từ đó phát huy lòng yêu nước và tự hào dân tộc chứ không phải nhớ chi ly từng chi tiết.

Bạn đọc Trần Hoan thì cho rằng: “Cầm bất cứ một cuốn sách giáo khoa lịch sử nào chúng ta cũng chỉ thấy rặt là những trận đánh nhau. Có phải lịch sử chỉ là chiến tranh? Ở thời mà các em học sinh chán ngấy chiến tranh, hiển nhiên môn này chả còn tạo được hứng thú. Hãy cho học sinh biết vì sao các triều đại trong lịch sử cứ thay nhau suy tàn? Vì sao đất nước luôn chìm ngập trong các cuộc đánh nhau”.
img
Ôn thi tôt nghiệp năm 2013 tại một trường THPT tỉnh Bắc Ninh. Ảnh Bắc Ninh

Đưa ra giải pháp cho vấn đề, bạn đọc Phạm Phương Thảo cho rằng: Nếu muốn các em thật sự thích học lịch sử thì thứ nhất, sách giáo khoa không nên quá nặng. Thứ hai, giáo viên phải thật sự là người biết truyền cảm xúc cho học sinh. Bổ sung thêm cho ý kiến này, bạn đọc Phạm Oanh phân tích: “Không ai có thể ra lệnh cho con tim rằng là phải yêu hay ghét cái này, cái nọ. Môn học cũng thế thôi. Tại sao các em ghét môn sử? Tại vì học môn sử thời nay quá khô cứng, quá nhiều tiểu tiết, thậm chí giáo điều nữa!”.
Vì đâu nên nỗi!

Với hành vi xé đề cương môn lịch sử của học sinh Trường THPT Nguyễn Hiền –TPHCM, nhiều người cho rằng đừng vội trách các em mà hãy cảm ơn các em vì đã bày tỏ thực thái độ của mình. Đây là cơ hội để những người làm giáo dục nhìn nhận lại thực tế và thay đổi tư duy khi soạn sách giáo khoa.

Bạn đọc Quang Vinh chỉ ra một thực tế: Từ rất lâu môn sử bị coi thường và nếu nói một cách thiếu tế nhị thì không có mấy ai chọn làm giáo viên môn sử vì yêu môn sử, một môn học trò không thích học, thầy không thích dạy, chẳng ai học thêm... Hậu quả là sự yếu kém ngay từ những người biên soạn sách giáo khoa môn sử, đề ra yêu cầu cho việc dạy môn sử. Tiêu chí về điều gì học sinh cần tiếp thu, ghi nhớ suốt cuộc đời, vận dụng vào cuộc sống... của môn sử thì chắc chính người biên soạn sách sử cũng không có câu trả lời. Môn sử dạy toàn những số liệu mà chẳng ai cần nhớ đến, thì rõ ràng người ta chỉ dạy và học để đối phó với các kỳ thi. Nếu không thay đổi tận gốc, từ mục đích yêu cầu đến nội dung sách giáo khoa môn sử thì chẳng bao giờ có được cái điều "dân ta phải biết sử ta".
img
Học sinh xem thông báo môn thi tốt  nghiệp năm 2013. Ảnh: Zing News

Nói về cách học môn lịch sử, bạn đọc Phạm Hùng, kể: “Nhớ lại năm tôi học lớp 12, môn lịch sử được bố trí dạy vào tiết 5 (từ 11 giờ 45 – 12 giờ 30). Lớp tôi 42 bạn, nhưng không một người nào trốn tiết cả. Bởi vì thầy giáo của tôi đã dạy như truyền vào hồn học sinh tình yêu dân tộc. Học không thấy chán mà trái lại còn ham thích. Thầy vào lớp chỉ có mấy viên phấn và dạy. Khi học, học sinh như chính mình tham dự vào sự kiện lịch sử đó. Hiện nay, môn lịch sử có quá nhiều sự kiện lịch sử trải dài đến năm 2000, kèm theo đó là thời gian chi tiết xảy ra. Nhìn qua giáo trình môn lịch sử mà gần giống như môn chính trị, học sinh không thể nhớ hết mớ kiến thức này nên chán học là việc bình thường".
 
Cùng quan điểm này, bạn đọc Lê Hai dẫn chứng thêm: “Tôi nay đã 60 tuổi nhưng vẫn nhớ những bài học lịch sử của thời học tiểu học. Cách dạy sử thời đó làm học sinh nếu học qua rồi thì khó có thể quên. Vídụ: Ngồi đan sọt mà lo việc nước là Phạm ngũ Lão; Mười năm kháng chiến chống quân Minh là Lê Lợi; Thù trả chưa xong đầu đã bạc, dưới trăng bao độ tuốt gươm mài là Đặng Dung; Phá cường địch báo hoàng ân là Trần Quốc Toản; Tiếng bom Sa Diện là Phạm Hồng Thái… Trước mỗi bài nói về nhân vật lịch sử đều kèm theo sự kiện liên quan đến nhân vật đó nên khi nhắc lại là ta nhớ ngay”.
 
Nhiều bạn đọc cho rằng sách giáo khoa môn lịch sử hiện nay có vấn đề nhưng chẳng ai muốn thay đổi. Bạn đọc Trung Thực, bức xúc: “Phải nói rõ là người ta sợ môn sử, ghét môn sử và coi thường môn sử. Cách dạy sử hiện nay làm môn sử trở nên vô dụng với cuộc sống, chỉ còn là gánh nặng trong thi cử. Lỗi này của chính Bộ GD - ĐT, nhưng chắc chắn bộ này sẽ không bao giờ nhận lỗi mà sẽ đổ thừa cho giáo viên, học sinh. Và vì bệnh một đường lại lo thuốc một nẻo nên chẳng bao giờ trị được bệnh. Bạn đọc Chu Văn Anh, góp ý: “Lịch sử là quá khứ, luôn tồn tại vĩnh cửu một cách khách quan, cứ diễn tả trung thực như vốn dĩ nó có thì dễ hiểu, dễ nhớ, tạo niềm đam mê nghiên cứu, học tập. Còn cố tình làm cho nó khác đi theo chủ ý nào đó thì dẫn đến sự chán chường là đương nhiên”.

Chỉ là hành động nhất thời

“Hành động xé đề cương môn lịch sử chỉ là hành động nhất thời của học sinh mà thôi, các em chẳng nghĩ gì sâu xa đâu. Mà không thi môn sử thì học sinh mừng thật đấy chứ, mà ai có thể nhớ nổi những con số như diệt bao nhiêu tên địch, bắn rơi bao nhiêu máy bay, xe tăng... trong khi áp lực thi cử ngày càng nặng nề. Tôi cũng là giáo viên mà thấy choáng nữa là học sinh. Nên chăng Bộ Giáo dục - Đào tạo nên nghiên cứu thay đổi nội dung chương trình và cả phương pháp giảng dạy nữa” – bạn đọc Bùi Đại.

“Thi tốt nghiệp tránh được môn học thuộc lòng đúng là một niềm vui đối với tuổi học trò. Kiến thức bây giờ ngày càng nâng cao, nỗi khổ của học sinh khi vắt sức vào học những môn nhức đầu như toán, lý, hóa thì lại tiếp tục vùi đầu vào học thuộc từng câu từng chữ của môn sử, địa thì nặng nề quá. Mọi người hãy thông cảm cho các em và đừng “cả nghĩ” về hành động xé đề cương môn lịch sử” – bạn đọc Minh Hoàng.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo