Đỗ Tấn Ngọc (Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi):
Lỗi từ nhiều phía
Trước hết, có thể nói, lâu nay chúng ta quá nghiêng về dạy chữ, dạy để học sinh (HS) thi cử, đạt thành tích mà xem nhẹ dạy cách làm người, các kỹ năng, giá trị sống cho các em. Một số trường còn tự ý cắt xén chương trình, môn học, cho điểm khống… Cả hệ thống giáo dục của chúng ta mải miết chạy theo thành tích thì khó có được viễn cảnh tươi sáng trong giáo dục toàn diện cho HS. Còn rất lâu nữa các em mới có đủ sức “đề kháng” trước những tác động, biến cố của bản thân, xã hội.
Tiếp đến là thái độ, cách ứng xử không đúng của nhiều bậc cha mẹ trước những thất bại của con cái. Do kỳ vọng quá lớn vào con trẻ, coi sự đỗ đạt của con là mục đích của cuộc đời, nhiều bậc cha mẹ đã vô tình hoặc cố ý cư xử không phải với con; có thái độ, hành động thiếu sự kiềm chế gây xung đột trong gia đình mỗi khi con bị điểm thấp hoặc chẳng may thi trượt.
Cuối cùng, chính vì được nuông chiều, chăm bẵm thái quá, bị buộc gánh trên vai ước vọng lớn lao của cha mẹ, nhiều HS đã để “cái tôi”, “cái sĩ” che khuất mọi suy nghĩ. Các em cứ nghĩ mình học giỏi thì thi cử chỉ có đỗ đạt, không được thất bại; đến khi vấp ngã thì nảy sinh tâm lý tiêu cực. Mặt khác, một bộ phận không nhỏ HS hiện nay có khuynh hướng học lệch, xem thường các môn xã hội và nhân văn. Rỗng về kiến thức xã hội càng khiến các em thêm bối rối, thậm chí rất “đơn độc” trong xử lý những tình huống phát sinh.
Phạm Nguyễn Quỳnh Thư (quận 9, TP HCM):
Học để làm gì?
Năm nay, con gái tôi học lớp 9. Sáng phải dậy lúc 5 giờ 45 phút để kịp làm vệ sinh, ăn sáng; 6 giờ 30 phút ra khỏi nhà. 11 giờ 30 phút rời trường, về nhà ăn uống vội vàng để 12 giờ 45 phút lại đi học. Đến 17 giờ 30 phút tan lớp thì tiếp tục học thêm đến 20 giờ (tuần 4 tối). Đó là con học thêm ít hơn các bạn, như lời con tôi nói.
Có những hôm thấy con mệt mỏi, tôi lo lắng giục đi ngủ nhưng con cương quyết lắc đầu vì còn quá nhiều bài tập phải làm. Mà quả thật, ngồi cùng con mới thấy “con cái chúng ta giỏi thật”. Có hôm con phải học 3 bài lịch sử và cũng từng ấy bài sinh học để kiểm tra 15 phút, gần chục bài toán, rồi soạn 2 dàn ý văn. Chưa hết, nếu trúng vào ngày phải làm thuyết trình chuyên đề hay bài thu hoạch thì quả thật không biết lấy đâu ra thời gian.
Thấy con “lao động quần quật trên cánh đồng chữ nghĩa” từ sáng sớm đến tận đêm khuya, nhiều lúc tôi... “oán hận” chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tôi phải luôn tìm mọi cách giảm áp lực cho con, cố gắng tính toán, sắp xếp thời gian để con vui chơi, giải trí… nhưng nhiều lúc tôi cảm thấy bất lực khi những cố gắng của mình trở nên vô vọng vì số lượng bài học, bài tập về nhà quá nhiều; một số môn (toán, ngoại ngữ) không thể không học thêm nếu không muốn hổng kiến thức ở những năm học sau.
Học đi đôi với hành. Nếu đến trường chỉ để được nhồi nhét kiến thức, chịu nhiều áp lực thi cử, thành tích mà không biết gì về cuộc sống xung quanh thì học để làm gì?!
Trần Thanh Lộc (TP HCM):
Phải thay đổi tư duy giáo dục
Nguyên nhân cốt lõi của việc nhiều HS có hành vi tiêu cực chính từ cách thức tổ chức quá nhiều kỳ thi, nhiều bài kiểm tra định kỳ hằng tháng, nhiều chuyên đề hoặc bài kiểm tra mang tính phong trào rồi bỏ đó nhưng lại không đánh giá đúng được mức độ, năng lực và định hướng đi tốt cho HS. Mặt khác, chương trình lạc hậu và không thật sự hấp dẫn khiến HS nhàm chán và chán học. Phải thẳng thắn nhìn nhận nền giáo dục hiện nay đang bị quá nhiều vấn đề về kinh tế, tài chính chi phối dẫn đến việc chỉ bán và cố gắng xuất bản thật nhiều sách, xây dựng những đề án ngốn hàng ngàn tỉ đồng ngân sách quốc gia mà không giải quyết được vấn đề cốt lõi do nhu cầu của quốc gia đặt ra với các bạn trẻ hiện nay.
Để hạn chế áp lực đối với HS, trước hết phải thay đổi tư duy và phương pháp làm công tác giáo dục từ trung ương đến địa phương. Phương pháp dạy và học cũng cần phải được số hóa, mở rộng, đa đề tài, đa chủ đề để HS khám phá, phát huy tính sáng tạo, dân chủ, tranh luận, phản biện. Đặc biệt, gia đình và nhà trường cần có sự kết hợp chặt chẽ để nắm bắt được tâm lý HS và có hướng giúp đỡ kịp thời.
Chia sẻ, động viên kịp thời
ThS Trần Tuấn Duy, Học viện Cán bộ TP HCM, cho rằng việc giảm áp lực cho HS, ngoài những lý do như các phụ huynh, các chuyên gia đã phân tích, cần tạo tình cảm gần gũi giữa cha mẹ và con cái. Cha mẹ lo kiếm sống, các em lo học hành, ít có thời gian để tâm sự với nhau để tăng thêm sự gần gũi, thông cảm và chia sẻ.
Lối suy nghĩ sai lầm rằng đại học là con đường gần như duy nhất để bước vào đời đã tạo một áp lực quá lớn đối với các em. Xã hội có nhiều ngành nghề, nhiều môi trường để mọi người phát triển bản thân. Quan trọng chính là mối quan hệ thầy cô, bạn bè nếu được xây dựng tốt sẽ là nơi để các em chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống. Khi gặp sự cố về tình cảm, học tập..., các em sẽ có nơi chia sẻ, động viên kịp thời để giải tỏa được tâm lý tiêu cực.
Bình luận (0)