Ký ức là một phần của đời sống, đã hằn vết khó quên trong trí nhớ đời người. Như lửa vùi dưới than, có dịp lại bùng lên tỏa ra năng lượng ấm áp. Ký ức không mất đi, không lãng quên, có như thế mỗi khi nhớ lại, đó cũng là dịp người ta có sự điều chỉnh hoặc có quyết định cần thiết cho lựa chọn nào đó. Nói cách khác, ký ức dù tồn tại trong quá khứ nhưng vẫn góp phần tích cực "định hướng" cho tương lai.
Bạn hãy xem cuộc hôn nhân của cựu chiến binh Lê Văn Ký ở xã Ia Tôr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai trong bài "Đẹp hơn nước mắt" (tác giả Ngọc Tấn), ắt rõ. Vào những năm tháng cuối đời ở Tây Nguyên, ông chung sống với người vợ điên dại với biết bao phiền muộn, cơ cực, có lần ý nghĩ chán chường vụt đến: "Hay là mang con trốn quách về quê cho nhẹ nợ? Chính họ hàng Siu Ly cũng khuyên ông Ký nên bỏ vợ. Nhưng những lúc ấy, hình ảnh Siu Ly ngày xưa lại về cùng lời hứa với trung đoàn trưởng, ông lại xấu hổ và thấy mình hèn". Rõ ràng, tháng ngày tươi đẹp cùng người vợ từ trong ký ức lúc ấy đã trỗi dậy và ông Ký đã có sự lựa chọn "đẹp hơn nước mắt".
Đây chỉ là một trong những mẩu chuyện được gửi về dự thi lần này, qua đó, ta có thể cảm nhận được sự phong phú, đa dạng của nhiều đối tượng, nhiều ngành nghề khác nhau… cùng góp mặt. Tất cả góp phần khắc họa và làm rõ nét nhiều cung bậc tình cảm, nhiều số phận khác nhau.
Trước hết, thiết nghĩ, nền tảng xã hội cần phải xây dựng từ mỗi nếp nhà, vì chúng ta lớn lên theo năm tháng thì đó vẫn là môi trường có tác động và ảnh hưởng nhiều nhất. Trong đời người, bất kỳ ai cũng có những câu chuyện nho nhỏ đáng nhớ từ ông bà, cha mẹ, từ anh chị em, từ bà con xóm giềng, từ đồng đội, đồng nghiệp… đó là những người gần gũi, thân thiết nhất. Vì vậy, ai lại không xao xuyến khi biết cô bé lên 10 đã phải xa nhà, dù đi học lớp chuyên văn, tất nhiên, bé không chịu nhưng rồi mọi việc thay đổi chỉ từ tiếng đàn của bố. Từ tiếng đàn ngày đó, sau này: "Khi bực, lúc buồn, lúc vui hay cả khi bế tắc, anh chị em chúng tôi biết xếp lại để tìm đến những giai điệu làm cân bằng cuộc sống và còn lan tỏa tinh thần lạc quan đến người xung quanh" (Tiếng đàn măng-đô-lin trên sóng - Trâm Oanh).
Bên cạnh đó còn là những tình cảm trong trẻo lạ thường khi người ta còn trẻ. Tình cảm đó có thể riêng biệt cá nhân nhưng điều đáng quý, cần ghi nhận là các tác giả đã đặt vào trong bối cảnh lịch sử cụ thể. Có thể là lúc non sông gấm vóc còn chia cắt Bắc - Nam, lúc đất nước vừa hòa bình vừa chiến tranh ở biên giới Tây Nam, rồi sau đó, những gì đã xảy ra mà chỉ những người trong cuộc mới thấm thía hơn ai hết.
Tôi đã bùi ngùi khi đọc chuyện "Bóng trăng ngày ấy" của Trần Cao Duyên. Anh có người cha đi tập kết. Vì sự chia cắt dằng dặc hơn 20 năm "ngày Bắc đêm Nam" nên ông đã có người vợ thứ hai. Sau ngày hòa bình, trong sự đoàn tụ của gia đình còn có thêm người phụ nữ khác nữa. Và lòng dạ ai khi ấy cũng ngổn ngang. "Đêm đó tôi không ngủ. Tôi bất giác nhớ câu thơ ông Huấn hay đọc: "Bây giờ không còn những tiếng nổ to/ Nhưng còn những tiếng rạn vỡ..." - tác giả kể.
Không những thế, ý nghĩa nhân văn của "Từ trong ký ức" còn là với những gì đã cảm nhận, về sau con người ta biết noi theo mà người khác đã gieo trong tâm khảm của mình. Trường hợp của tác giả Huỳnh Thị Thanh Truyền (công tác tại Bệnh viện Từ Dũ) là một ví dụ. Từ những lần thấy bà mụ vườn ở quê tận tụy đỡ đẻ cho nhiều sản phụ bằng kinh nghiệm riêng của mình, lớn lên, Thanh Truyền muốn theo nghề này. Và rồi trên những chuyến xe đưa thai phụ từ huyện xa cách Cần Giờ về trung tâm thành phố để lâm bồn, đã có nhiều trường hợp đẻ con dọc đường Rừng Sác. Chỉ có người trong cuộc mới kể lại được những lần đỡ đẻ dọc đường cực kỳ sinh động, khiến ta xúc động không nguôi.
Trong chuyện kể của chị không chỉ thuần là quá khứ mà còn gửi gắm kỳ vọng vào tương lai, vào một chiếc cầu Cần Giờ để không còn cảnh chờ phà cách trở và từ đó mảnh đất quê chị sẽ cất cánh vươn xa.
Cuộc thi "Từ trong ký ức" được đông đảo bạn đọc hưởng ứng là vì những lẽ đó: Một sự khơi dậy mang ý nghĩa nhân văn, trở thành sợi dây kết nối quá khứ với hiện tại và tương lai.
Nhìn vào đó để sống ý nghĩa
"Từ trong ký ức" vượt lên khuôn khổ của một cuộc thi, đã trở thành một nơi chốn để bao người gửi gắm ký ức một thời của mình.
Qua tất cả những bài viết, chúng ta có thể thấy một điều này: những ai từng biết sống yêu thương hết mình, sống một cuộc đời không nề hà, sống hết lòng vì mọi người... thì vùng ký ức sẽ phong phú, thấm đẫm cảm xúc và đầy sắc màu. Do vậy, cuộc thi là một gợi ý, một cơ hội để chúng ta sống một cuộc đời ý nghĩa, không phải chỉ bằng cảm xúc, mà bằng hành động.
Tất cả những gì chúng ta cần làm là dọn sạch, lắng đọng lòng mình để nghe những lời bộc bạch từ trái tim. Những ai giàu ký ức, biết nâng niu quá khứ thì trang viết đầy chi tiết và ăm ắp cảm xúc. Nên tiếp tục duy trì cuộc thi. Đây sẽ là nơi "ký gửi" ký ức của bao người, bao thế hệ...
Nhà văn Trần Nhã Thụy (thành viên Ban Chung khảo)
Thông tin chi tiết về kết quả và buổi trao giải cuộc thi "Từ trong ký ức" sẽ được đăng báo điện tử Người Lao Động (nld.com.vn) vào sáng 29-7.
Bình luận (0)