Bước đi "siêu tốc" của virus SARS-CoV-2 đòi hỏi sự phản ứng mau lẹ của chiến dịch phòng chống. Số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Nhật bắt đầu tăng từ đầu tháng 4-2020. Một tuần sau, Thủ tướng Abe Shinzo ban bố tình trạng khẩn cấp tại một số khu vực. Lệnh này sau đó được áp dụng mở rộng phạm vi và kéo dài đến cuối tháng 5, thời điểm mà đợt dịch Covid-19 đầu tiên tại Nhật đã thật sự được kiểm soát.
Cần lưu ý là lệnh giãn cách xã hội ở Nhật không bắt buộc người dân phải ở nhà. "Hạn chế, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết" vì vậy chỉ có giá trị… khuyến cáo. Dù vậy, các chuyên gia hiến pháp và nhà nước Nhật Bản vẫn cho rằng các quyết định chính trị mới thật sự giữ vai trò trọng yếu trong các cuộc chiến chống chọi với đại dịch.
Trên thực tế, mô hình thể chế linh hoạt Singapore cho phép chính quyền quốc gia này ngay tức khắc thông qua các quyết sách, kể cả lệnh phong tỏa ngay lập tức các cư xá được xem là những ổ dịch mới.
Với thể chế pháp lý hiện thời, nếu có đủ động lực chính trị, ông Abe Shinzo vẫn có thể đệ trình một dự luật lên quốc hội để có được một lệnh giới nghiêm đủ sức nặng. Nhưng Thủ tướng Abe Shinzo đã không chọn phương án đó, có thể là chưa cần. Mô thức tình trạng khẩn cấp "mềm mại" truyền thống vẫn được duy trì và chỉ gỡ bỏ khi số lượng ca mắc đã giảm nhiều so với đỉnh dịch.
Vì lẽ đó, thêm một lần nữa, sức mạnh về văn hóa, sự ý thức và tính kỷ luật cao của người dân Nhật được thế giới nhìn vào khi lý giải về sự thành công của quốc gia này trong khống chế dịch Covid-19. Chỉ có điều, thật không may, sau đúng 1 tháng gỡ bỏ lệnh giãn cách, số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại Nhật tăng trở lại và lập đỉnh dịch mới sau đúng thêm 1 tháng nữa. Thậm chí, đỉnh dịch lần 2 còn cao hơn nhiều so với đợt trước.
Lựa chọn cuối cùng của chính phủ Nhật trong đợt dịch mới là… ngồi im. Lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp trở lại đã không được đưa ra dù tự giãn cách và hạn chế tập trung vẫn luôn được khuyến cáo. Hoạt động kinh doanh và giáo dục vẫn tiếp diễn khi thực hiện đồng thời đầy đủ các biện pháp phòng ngừa.
Nói cách khác, bên cạnh các gói hỗ trợ đã áp dụng từ trước, duy trì hoạt động kinh tế được cân nhắc và lưu tâm nhiều hơn trong lựa chọn phương án chống dịch. Hiện số ca mắc mới được xác nhận mỗi ngày đã bắt đầu giảm, dù vẫn còn ở mức cao. Dù vậy, với xu hướng này, có thể dự báo rằng Nhật Bản sẽ một lần nữa bước qua đỉnh dịch mới. Không cần cưỡng ép, văn hóa và ý thức cộng đồng của người Nhật vẫn luôn hiện diện và có ý nghĩa vô cùng lớn đối với sự thành công trong các quyết sách của chính phủ.
Ở Việt Nam, khi dịch Covid-19 quay trở lại và khốc liệt hơn trước, nhiều ý kiến tranh luận trong việc lựa chọn mục tiêu ưu tiên và phương án ứng phó. Chính phủ và các địa phương không ngừng nỗ lực khoanh vùng, phong tỏa nhằm ngăn ngừa sự lan rộng của virus SARS-CoV-2 nhưng giới hạn các hoạt động kinh doanh có phần linh hoạt hơn.
Chỉ có điều, ý thức cộng đồng vẫn chưa đủ, thậm chí còn có biểu hiện bất tuân khi thiếu nghiêm túc trong tự giãn cách, không đeo khẩu trang nơi công cộng, tìm cách trốn khỏi khu cách ly…
Nếu cho rằng chính phủ nhiều nước đã thành công khi có lựa chọn phương án nới lỏng (hay nới lỏng từng phần), hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội trở lại trong chuỗi ngày chống dịch dai dẳng thì từ Nhật Bản, tôi thấy rằng ý thức cộng đồng của người dân Nhật là một trong những điều kiện then chốt giúp chính phủ và đất nước họ vượt qua đại dịch.
Bình luận (0)