Riêng tại đồng bằng sông Cửu Long có cầu Vòm Cống cùng với hàng loạt tuyến đường Năm Căn - Đất Mũi, N1, N2, Quốc lộ 1, Quốc lộ 60, 6… Thậm chí, công trình tương đối nhỏ như đường bờ kè ở Đồng Tháp đầu tư 80 tỉ đồng mới hết bảo hành đã sụt lún, hư hỏng nghiêm trọng.
Công trình kém chất lượng không thể viện lý do bỏ thầu thấp, thiếu tiền làm đường, sử dụng vật tư giá rẻ để tiết kiệm chi phí. Luật Đấu thầu 2013 không bắt buộc lấy giá thấp làm tiêu chí ưu tiên. Ngoài ra, trước đó, dự toán đã được lập theo thiết kế; quy định trước khi triển khai xây dựng công trình, các thủ tục liên quan đều phải lập đầy đủ, công tác kiểm tra thực hiện chặt chẽ giữa các bên liên quan.
Đáng lo ở đây là cách thức thực hiện, đấu thầu với các mánh khóe, lắm khi chỉ là hình thức vì đã biết trước đơn vị trúng thầu. Những kẽ hở, khoảng trống pháp lý bị lợi dụng gây thất thoát tài sản ngân sách nhà nước. Rồi trong quá trình xây dựng có sự cả nể và "thông cảm" giữa chủ đầu tư, giám sát, thi công. Không loại trừ nhà thầu thi công chỉ quan tâm công trình sớm hoàn thành để thanh toán chi phí với chủ đầu tư, miễn sao không hư hỏng trong thời gian bảo hành (thường là trong 1 năm kể từ ngày nghiệm thu đưa vào sử dụng). Nguyên tắc xử lý trong xây dựng, thi công không bảo đảm chất lượng phải làm lại cho đúng mới nghiệm thu để thanh toán. Ở các công trình kém chất lượng thường là lọt cửa nghiệm thu.
Cái mất mát lớn nhất ở đây không chỉ là thiệt hại, hậu quả đã xảy ra mà là đạo đức và niềm tin. Đây còn là nguyên nhân tiềm ẩn của tình trạng suy thoái nhân cách, phát sinh các thứ bệnh thành tích, gian dối, chạy chọt, hành xử vô nguyên tắc, bất chấp pháp luật ở một số cán bộ.
Trong lĩnh vực xây dựng, chất lượng công trình được đặt lên hàng đầu. Công tác quản lý phải xuyên suốt, liên tục và có tính hệ thống, không thể trông đợi ở sự tự giác của các bên liên quan. Đấu thầu là yếu tố quan trọng tạo ra sự cạnh tranh, đem lại hiệu quả thực hiện đầu tư, thi công xây dựng. Để chọn nhà thầu tốt nhất thì phải cạnh tranh công bằng, không thể có "phe cánh" hay "thân hữu". Khâu tổ chức phải minh bạch, chi tiết trong thực hiện, có cơ chế kiểm tra chéo, xử lý kịp thời và chính xác khi có khiếu nại về tiêu cực trong đấu thầu.
Ngoài thanh tra chuyên ngành, cần sự vào cuộc thường xuyên của Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, thậm chí là Ủy ban Giám sát của Quốc hội với dự án lớn có dấu hiệu tiêu cực. Xử lý nghiêm sai phạm ảnh hưởng chất lượng công trình. Bảo hành công trình tương ứng từng dự án có quy mô lớn như đường cao tốc, quốc lộ kéo dài thời gian và trách nhiệm nhà thi công từ 5-10 năm.
Với các dự án giao thông mới đưa vào sử dụng đã hư hỏng, cần khắc phục triệt để, bảo đảm chất lượng, an toàn. Phải buộc nhà thầu bóc bỏ hết lớp nhựa mặt đường không đạt để thảm lại, lu lèn đạt độ chặt thiết kế, thực hiện đúng quy trình thi công. Đừng xử lý chắp vá, manh mún vừa làm xấu mỹ quan, mất an toàn giao thông vừa tạo tiền lệ xấu.
Bình luận (0)