Lịch sử là bộ môn gắn với giáo dục chủ nghĩa yêu nước cho tất cả thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau.
Đi lên từ hàng ngàn năm lịch sử
Trải qua quá trình hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, cũng như tiếp thu rất nhiều thành tựu của văn hóa nhân loại, điểm cốt lõi nhất để chúng ta giữ được như ngày hôm nay xuất phát từ niềm tự hào dân tộc, là lòng yêu nước hay còn gọi là chủ nghĩa yêu nước của người Việt Nam, luôn được nuôi dưỡng và trau dồi, bồi đắp từ thế hệ này đến thế hệ khác. Ngay cả khi bị phong kiến phương Bắc đô hộ suốt hơn 1.000 năm và tiếp đó bị đế quốc phương Tây xâm lược và thống trị, điều họ không thể đồng hóa được chính là cốt cách văn hóa, tình yêu đất nước, chủ nghĩa dân tộc hết sức chính đáng của chúng ta - luôn được bảo tồn và phát triển.
Năm 2015, dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã từng ghép môn lịch sử với hai phân môn khác là đạo đức - công dân và quốc phòng - an ninh thành môn bắt buộc là công dân với Tổ quốc. Lúc đó, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã có đơn kiến nghị để bảo vệ môn lịch sử như một môn học cơ bản, độc lập và bắt buộc từ cấp trung học cơ sở (THCS) đến trung học phổ thông (THPT) và thật vui mừng khi Đảng, Nhà nước đã đánh giá rất đúng vai trò của môn lịch sử.
Nếu chúng ta coi trọng môn lịch sử thì sẽ có cách để môn học này ngày càng hoàn thiện hơn Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Điều 10, Nghị quyết 113/2015/QH13 của Quốc hội về "Tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIII về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn" đã ghi rõ: "Thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông bảo đảm mục tiêu, yêu cầu và nội dung của Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Tiếp tục giữ môn học lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới...". Tuy vậy, rất tiếc, trong chương trình phổ thông mới - năm 2018, lịch sử vẫn là môn tự chọn ở bậc THPT.
Theo phản hồi của Bộ GD-ĐT, sự sắp xếp các môn giáo dục lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới là phù hợp với xu hướng giáo dục quốc tế, có căn cứ khoa học và phù hợp với các mục tiêu lớn của giáo dục quốc gia.
Cần phải có sự lựa chọn cho đúng khi học hỏi thế giới. Mỗi dân tộc trong quá trình phát triển của mình đều có đặc điểm riêng. Chúng ta đi lên từ hàng ngàn năm lịch sử. Chúng ta luôn bị kẻ thù đe dọa và bao giờ cũng gắn công cuộc dựng nước với giữ nước. Đây là một vấn đề hết sức quan trọng, là quy luật phát triển của đất nước. Những bài học lịch sử sẽ là những bài học kinh nghiệm cho chúng ta, thế hệ Việt Nam hôm nay và mai sau, trong công cuộc giữ gìn, bảo vệ và phát triển đất nước.
Môn bắt buộc và độc lập
Lịch sử là ký ức. Quên lịch sử là xóa đi ký ức, quá khứ hào hùng đã hun đúc nên dân tộc ta. Bộ GD-ĐT cho rằng với cách thiết kế chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh (HS) cấp tiểu học và THCS đều được học lịch sử dân tộc Việt Nam đầy đủ, cơ bản và toàn diện. Nhưng trên thực tế, mỗi lứa tuổi tiếp nhận kiến thức lịch sử theo sự trưởng thành của họ.
Đối với HS tiểu học, kiến thức lịch sử rất đơn giản, HS THCS thì kỹ hơn và THPT phải có sự hiểu biết sâu hơn nữa. Những kiến thức về chủ nghĩa yêu nước, sự tự hào về dân tộc sẽ đi theo mỗi người suốt cuộc đời, chứ không phải học sử để làm người nghiên cứu, giảng dạy về lịch sử.
Có những bộ môn dứt khoát phải giữ như ngữ văn, toán, ngoại ngữ, thì môn lịch sử cũng vậy. Cần phải giữ môn lịch sử như là rường cột cho cả nền giáo dục từ tiểu học đến hết THPT. Đưa lịch sử thành môn tự chọn sẽ khiến kiến thức về lịch sử mà Đảng và Nhà nước ta muốn phổ quát rộng rãi trong các thế hệ người Việt Nam không đạt được.
Thật sự vui mừng vì các nhà giáo, nhà nghiên cứu đang rất chăm chút, cải tiến cho bộ sách giáo khoa lịch sử trong chương trình phổ thông mới này tốt hơn, gọn và dễ học, dễ tiếp thu hơn đối với HS. Thế nhưng đi cùng với một bộ sách mới hấp dẫn, cần phải xác định đúng vị trí của lịch sử trong nền phát triển công tác tư tưởng của nước nhà. Cần phải xác định vị trí của môn lịch sử. Nếu chúng ta coi trọng môn lịch sử thì sẽ tìm cách để môn học này ngày càng hoàn thiện hơn, đó mới là biện chứng, mới thực sự coi trọng sự phát triển.
Cũng có ý kiến cho rằng môn lịch sử đã được tăng thời lượng so với chương trình hiện hành; nội dung giáo dục lịch sử còn được tích hợp, lồng ghép trong các môn học khác, tức là dù HS không chọn môn lịch sử thì vẫn được tiếp thu kiến thức về lịch sử. Thực tế, việc tăng thời lượng môn học với việc có lựa chọn học hay không là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Vả lại, trong cuộc sống, có điều gì mà không liên quan đến lịch sử? Không thể nói trong cái này có cái kia, như vậy đã là học lịch sử. Cần phải hiểu một cách hệ thống thì mới có nhận thức một cách hệ thống.
Cần có sự thay đổi
Lịch sử vẫn là môn học "khô" và "khó" khiến không ít HS ngán ngại sau bao năm chúng ta hô hào đổi mới cách dạy và học. Đó là một thực tế không vui đối với những người yêu lịch sử và quan tâm đối với sự phát triển toàn diện của người trẻ.
"Bệnh chán sử" đã được "bắt mạch" từ lâu: chương trình nặng nề kiến thức, cách dạy thiếu linh hoạt của giáo viên, kiểm tra đánh giá còn thiên về đếm ý ghi điểm...
"Thuốc" chữa căn bệnh này cũng được kê đơn khá nhiều: đổi mới phương pháp dạy học lẫn cách ra đề kiểm tra; phát huy tính sáng tạo của HS, tránh đánh đố theo kiểu ghi nhớ ngày tháng, số liệu... Dẫu vậy, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho môn lịch sử chưa thật sự đem lại hiệu quả. Điểm môn lịch sử vẫn thấp trong các đợt thi tốt nghiệp qua mấy năm liên tiếp. Môn lịch sử vẫn khiến nhiều học sinh thở dài mỗi lúc nhận đề cương ôn tập.
Môn lịch sử cần phải đổi thay, từ cách xây dựng chương trình không ôm đồm kiến thức đến việc biên soạn sách giáo khoa không áp đặt nội dung mà tạo khoảng trống thực sự cho thầy trò sáng tạo, ngẫm nghĩ. Việc kiểm tra đánh giá cũng cần linh hoạt bằng cách cởi trói khỏi các bài kiểm tra truyền thống, thay thế dần bằng các dự án tìm hiểu một giai đoạn lịch sử, thuyết trình về một sự kiện lịch sử, quay clip về một địa danh lịch sử...
Đặc biệt, cần hơn hết là tâm huyết và tài năng của người thầy đặt trọn vào bài giảng, mày mò tìm kiếm tư liệu, mở rộng kiến thức bài học bằng những câu chuyện kể, liên hệ để nối kết sợi dây giữa quá khứ - hiện tại.
Trang Nguyễn
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 25-4
Bình luận (0)