Giữa rất nhiều niềm vui của xuân mới Kỷ Hợi, hẳn ít ai sẽ vui như chị Phan Thị Bích Tuyền (25 tuổi, quê An Giang), khi nhận lại được 100 triệu đồng trong số tiền bị cướp hôm 28-1.
Chị Tuyền bị cướp mất ba lô khi đang chạy xe máy qua địa bàn phường An Phú, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương. Trong ba lô có 107 triệu đồng. Đó có thể là khoản tiền lương thưởng mà người sử dụng lao động đã trả cho chị sau một năm vất vả cống hiến, và bây giờ thì chị mang đi gửi ngân hàng để nuôi ước mơ một ngày nào đó sẽ mua được một căn nhà nho nhỏ. Cũng có thể đấy là khoản tiền lương thưởng của nhiều lao động mà chị đại diện mang về để họ có tấm vé xe về quê đón Tết. Nhưng dù là khoản tiền gì thì đó cũng là một số tiền không hề nhỏ, và chắc chắn không chỉ chị mà cả gia đình chị đã phải trải qua những ngày lẽ ra hân hoan đón tết thì lại phải đau đớn, suy sụp, thậm chí là nhiều hệ lụy khác.
Nhưng bây giờ thì niềm vui đã vỡ òa vì sau sự việc xui xẻo ấy, chị Tuyền đã nhận lại được gần đủ số tiền những tưởng đã mất, ngoài ra còn có cả 2 chiếc điện thoại. Và điều bất ngờ nhất, mà chắc chắn chị Tuyền đã không thể nghĩ đến, là người mang lại niềm vui này cho chị chính là thủ phạm đã gây ra nỗi đau cho chị. Thủ phạm không chỉ trả lại tiền và tài sản mà còn kèm theo một bức thư gây xúc động cho nhiều người ngay sau khi báo Người Lao Động công bố nguyên văn.
Tác giả bức thư tự nhận chính là người đã gây ra vụ cướp và rất hối hận vì có lẽ giờ đây người bị cướp rất buồn và đau khổ. Nguyên nhân dẫn đến việc ra tay cướp cũng được người này nói rõ là do lỡ mượn tiền của tín dụng đen và không thể trả được. Chỉ có mấy triệu đồng nhưng lãi lên từng ngày, bị gọi điện thoại rồi nhắn tin đòi cả ngày đến mức không thể chịu nổi. Thậm chí còn bị dọa sẽ cho người đến tận phòng siết nợ, trong khi vợ mới sinh 3 tháng nên nghĩ quẫn mà đi cướp lấy tiền trả nợ. Vì ân hận, cắn rứt lương tâm, sợ phải đối mặt với đứa con bé bỏng nên mong muốn được gửi lại số tài sản đã cướp, trừ một chút ít (7 triệu đồng) đã lấy để trả nợ và sau này nhất định sẽ trả lại cho xã hội.
Người đã gây ra vụ cướp còn xin mọi người hãy mở vòng tay "tha thứ cho kẻ tội lỗi này" được một ân huệ và xin lỗi chân thành đến nạn nhân. Vẫn chưa rõ người này là ai nhưng trên mạng xã hội, ngay sau khi thông tin từ báo Người Lao Động được chia sẻ, rất nhiều người đã chúc mừng chị Tuyền và bày tỏ chia sẻ với hành động của thủ phạm.
Không, và chắc chắn là không ai có thể đồng tình với hành vi cướp, cho dù với lý do gì, nhưng điều rất cần được chia sẻ ở đây chính là sự sám hối, thức tỉnh của một người có lỗi. Không ai có thể tránh trong đời không mắc phải lỗi lầm, kể cả đó là kẻ quyền cao chức trọng, kể cả người suốt ngày rao giảng đạo đức. Có người phạm lỗi nhưng rốt cuộc chỉ làm thiệt bản thân mình, có kẻ phạm lỗi gây hại đến cả tổ chức, thậm chí là sự tồn vong của cả một dân tộc.
Song, không phải tất cả mọi tội lỗi của cá nhân đều được phát hiện và phanh phui ra ánh sáng, và dù đã phanh phui thì cũng không phải cái sai nào cũng phải trả giá tương xứng. Người tâm địa xấu sẽ giấu kín sai phạm của mình, có truy tố ra tòa thì vẫn quanh co chối tội. Chỉ người có tâm tốt, đúng nghĩa "nhân chi sơ tính bản thiện" thì lương tâm mới có thể thức tỉnh khi lỡ sai phạm. Và dĩ nhiên là không ai nỡ trừng phạt nặng kẻ biết sám hối, nỗ lực phắc phục sai phạm. Ông cha ta cũng từng đúc kết rằng "đánh kẻ chạy đi không đánh người chạy lại".
Thủ phạm cướp tài sản của chị Tuyền hẳn là người liêm sỉ mới day dứt, ăn năn trước hành vi sai trái của mình, dù không hẳn hành vi này rồi đây sẽ bại lộ. Có điều, dù giấu kín được đến đâu thì cũng không thoát được "tòa án lương tâm". Cho nên, dù không biện hộ cho hành vi sai trái của người này nhưng rất nên dành cho anh ta một sự rộng lượng để cứu lấy một người tốt đã trót tay nhúng chàm.
Người như anh này, suy ra còn tốt hơn chán vạn những kẻ "đục nước béo cò", tham nhũng, vơ vét của quốc dân đồng bào cho đầy túi tham rồi đổ vấy cho cơ chế. Những kẻ như thế, dù trốn tránh được pháp luật để sống trên nhung lụa nhưng chắc chắn sẽ bị dư luận vạch mặt, sống trong nơm nớp lo sợ, trong sự nhục nhã đê hèn. Nếu không muốn cả cuộc đời phải dằn vặt thì hãy học ngay ở người đã cướp tài sản của chị Tuyền, để tự giác mang những gì vơ vét, cướp bóc được mà trả lại cho quốc dân đồng bào thì mới hy vọng may ra còn có cơ hội có những ngày cuối đời thanh thản.
Bình luận (0)