Cơ quan điều tra cấp tỉnh của Bình Dương đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam tài xế xe khách Nguyễn Thái Dương (quê Hậu Giang) do "Vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ" dẫn đến tông chết 2 cháu bé.
Chị Lê Thị Kim Chung và chồng ôm di ảnh 2 con.
Còn nhớ, trước đây, dù gia đình nạn nhân khiếu nại, Công an, VKSND thị xã Dĩ An nhất quyết bảo vệ quan điểm, không khởi tố vụ án.
Báo chí lên tiếng. Sau đó, Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo công an tỉnh rút hồ sơ vụ tai nạn lên, điều tra lại cho thấu đáo. Dư luận rất hoan nghênh sự nhanh nhạy, thượng tôn pháp luật của lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương.
Nhưng, nhiều người vẫn lấn cấn chuyện Công an thị xã Dĩ An, VKSND thị xã Dĩ An nhất quyết không khởi tố vụ án. Nếu gia đình nạn nhân không làm clip kêu cứu trên mạng xã hội, nếu báo chí không lên tiếng, sự việc không đến tai lãnh đạo công an, VKSND cấp tỉnh thì chuyện gì xảy ra?
Lẽ nào cứ xe mất thắng tông chết người thì tài xế vô can, cho dù không có bằng lái? Làm sao người dân biết trong những chiếc xe khách, xe tải, xe container… đang chạy trên đường thì xe nào thắng hỏng, xe nào tài xế không có bằng lái để mà né tránh?
Chị Lê Thị Kim Chung chở hai con dừng chờ đèn đỏ thì xe khách lao tới tông chết cả hai con. Riêng chị bị thương rất nặng.
Cần nhắc lại, cơ quan điều tra Dĩ An không khởi tố vì cho rằng xe khách mất thắng (nguyên nhân khách quan, không lường trước được), việc tài xế chưa có bằng lái xe 29 chỗ mà vẫn điều khiển xe không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn nên không đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Khi xem xét lại vụ việc, cấp tỉnh lại nhận định khác. Theo đó, một điểm mấu chốt: trước khi xảy ra tai nạn, tài xế xe khách đã phát hiện hệ thống phanh chính của xe "có dấu hiệu không bình thường", có thể gây nguy hiểm cho xã hội nhưng do cẩu thả, tài xế không dừng lại kiểm tra, sửa chữa. Tài xế tiếp tục cho xe lưu thông dẫn đến hệ thống phanh chính "mất hiệu lực" và tông liên hoàn. Mặt khác, khi lái xe qua khu vực đông dân cư, tài xế cũng không giảm tốc độ.
Đáng nói, tài xế có giấy phép lái ô tô hạng B2 (chỉ được lái xe 9 chỗ ngồi trở xuống) nhưng đã làm giả giấy phép lái xe hạng D (được phép điều khiển xe khách 29 chỗ). Do vậy, VKSND tỉnh Bình Dương cho rằng tài xế này "không đủ năng lực và kinh nghiệm để xử lý, khắc phục sự cố dẫn đến hậu quả rất nghiêm trọng". Đó là các dấu hiệu cấu thành tội "Vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ".
Trước khi quyết định không khởi tố vụ án, cơ quan chức năng thị xã Dĩ An đã tham vấn, hội ý với cán bộ chuyên môn VKSND tỉnh Bình Dương, chứ không đơn phương đánh giá, quyết định không khởi tố.
Khi thẩm định toàn bộ hồ sơ vụ này, lãnh đạo một đơn vị tư pháp của tỉnh Bình Dương cho rằng cơ quan điều tra thị xã Dĩ An không phải cố tình bao che sai phạm. Họ không khởi tố vụ "Vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ" nhưng vẫn xem xét, củng cố theo hướng khởi tố hành vi làm giả giấy phép lái xe của tài xế.
Vị lãnh đạo này cho rằng các quy định của pháp luật hiện nay chưa thật sự rõ ràng trong khi mức độ nhận thức về luật của cơ quan điều tra thị xã Dĩ An còn hạn chế trong vụ này.
Về luật và cách vận dụng luật ở nước ta đúng là có vấn đề! Không hiếm chuyện tòa cấp dưới tuyên vô tội lên cấp trên lại tuyên có tội. Muốn công lý nghiêm minh, ngoài việc hoàn thiện luật cần xem lại chuyên môn của những người ở vị trí nằm giữ quyền thực thi công lý. Ai kém chuyên môn thì xin đừng làm lãnh đạo!
Bình luận (0)