Thống kê mới nhất của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM cho thấy tình trạng lấn chiếm sông, kênh, rạch ở TP HCM từ năm 2017 đã giảm đáng kể so với những năm trước. Cụ thể, trên các tuyến sông, kênh, rạch có chức năng giao thông thủy mà Sở GTVT quản lý, năm 2014, TP có 360 trường hợp vi phạm và đến năm 2017 giảm còn 75 và năm 2018 chỉ còn 64 trường hợp vi phạm.
Vi phạm giảm nhưng thiếu bền vững
Để đạt được kết quả trên, từ tháng 4-2017, việc quản lý, sử dụng hành lang bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn TP thực hiện theo Quyết định 22/2017 của UBND TP. Theo đó, nghiêm cấm mọi hành vi lấn chiếm, sử dụng đất bất hợp pháp, sử dụng đất không đúng mục đích đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc những hành vi gây tác hại xấu, gây sạt lở, làm ảnh hưởng đến sự an toàn, ổn định của các công trình xây dựng bảo vệ bờ sông, suối, kênh, rạch, mương và hồ công cộng. Quyết định cũng phân cấp quản lý, khai thác cũng như phân rõ trách nhiệm quản lý sông, hồ, kênh, rạch của các sở, ngành, quận, huyện. Đặc biệt, Sở Xây dựng và UBND các quận, huyện cũng được phân quyền vào cuộc thực hiện thường xuyên kiểm tra, giám sát và xử lý các trường hợp san lấp, lấn chiếm sông, kênh, rạch hoặc xây dựng sai phép thuộc thẩm quyền và địa bàn quản lý.
Rạch Văn Thánh và rạch Xuyên Tâm (ảnh dưới) do chậm triển khai dự án cải tạo nên hiện không chỉ chịu tình trạng ô nhiễm mà hàng loạt căn nhà ven kênh còn lấn chiếm tràn lan Ảnh: GIA MINH
UBND quận, huyện phải chỉ đạo UBND phường, xã, thị trấn tổ chức quản lý hành lang trên bờ và bảo vệ các mốc chỉ giới xác định phạm vi hành lang bảo vệ trên bờ thuộc phạm vi quản lý; tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với sông, suối, kênh, rạch, mương, hồ công cộng và trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn TP... Nhất là tổ chức lực lượng kiểm tra, phát hiện, xử lý theo thẩm quyền đối với các hành vi lấn chiếm, san lấp sông, suối, kênh, rạch, mương và hồ công cộng trái phép; xây dựng công trình trái phép trong phạm vi hành lang bảo vệ trên bờ thuộc địa bàn quản lý.
Ngoài Quyết định 22 quy định trách nhiệm và chế tài rõ ràng, theo ông Hà Thanh Sơn - Trưởng Phòng Quản lý giao thông thủy, Sở GTVT TP HCM - dù trách nhiệm cụ thể đã giao về cho địa phương, song Sở GTVT vẫn duy trì việc tổ chức lực lượng thường xuyên kiểm tra và hỗ trợ UBND các quận, huyện trên địa bàn trong công tác phát hiện, xử lý và cưỡng chế nên cũng góp phần đáng kể vào việc giảm thiểu tình trạng lấn chiếm kênh, rạch trên địa bàn TP.
Tuy đã đạt được những kết quả bước đầu nhưng theo không ít đại diện các quận, huyện, việc không đẩy nhanh thực hiện các dự án cải tạo, chỉnh trang sông, kênh, rạch rất dễ dẫn đến tình trạng tái lấn chiếm. "Hiện chúng tôi phải tăng cường kiểm soát tối đa mới hạn chế được tình trạng lấn chiếm kênh, rạch" - đại diện một số quận, huyện chia sẻ.
Gấp rút gỡ các dự án cải tạo "treo"
Ông Hà Thanh Sơn nhìn nhận thực tế cho thấy không ít địa phương hiện còn tình trạng cải tạo kênh, rạch "treo". Cụ thể, nhiều tuyến kênh, rạch đã có dự án chỉnh trang, di dời nhà ven kênh cũng như xử lý dứt điểm tình trạng lấn chiếm nhưng không ít dự án lại "bất động" nhiều năm nay. Đơn cử như tại rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh), kế hoạch dự án cải tạo được đưa ra hơn chục năm nhưng vẫn chưa biết khi nào thực hiện.
Tại buổi giám sát của HĐND TP HCM trên địa bàn quận Bình Thạnh cuối tháng 5 vừa qua, ông Hồ Phương, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh, cho biết các dự án cải tạo rạch quy mô lớn hiện đang gặp nhiều khó khăn như dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật dài 6,2 km. Dự án này ban đầu có tổng mức đầu tư khoảng 4.000 tỉ đồng, trong đó hơn 1.000 tỉ đồng cho bồi thường giải phóng mặt bằng và hơn 2.000 tỉ đồng đối với xây lắp... Tuy nhiên, sau khi tính toán lại, chi phí bồi thường tăng lên hơn 3.700 tỉ đồng nhưng hiện vẫn chưa biết khi nào mới có thể thực hiện do bị nhiều vướng mắc liên quan đến hình thức đầu tư, khó kêu gọi nhà đầu tư.
Tương tự, tại tuyến kênh A41 - một trong 3 hướng thoát nước chính của sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình) - cũng đáng báo động về tình trạng lấn chiếm, xả rác. Ông Hứa Quốc Hưng, Phó Chủ tịch UBND quận, thừa nhận tình trạng các hộ dân đều lấn chiếm hai bờ các kênh thoát nước ở khu vực đang khá phổ biến và tình trạng xả rác gây ô nhiễm, tắc nghẽn dòng chảy cũng tràn lan. Thế nhưng, việc triển khai dự án kênh A41 vẫn ì ạch.
Theo UBND quận Tân Bình, tại khu vực xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất, ngoài kênh A41 còn 3 kênh khác gồm Hy Vọng, Tân Trụ và mương Nhật Bản (nhánh 2), đều đã có chủ trương đầu tư dự án, song vẫn bị "treo" vì vướng khó khăn về nguồn vốn và các thủ tục hành chính. "Nguồn vốn, thủ tục cần nhanh chóng được tháo gỡ thì kênh, rạch mới mong thoát khỏi cảnh bị lấn chiếm, bức tử" - đại diện UBND quận Tân Bình khẳng định.
Nhiều người chưa nắm quy định về an toàn kênh, rạch
Ông Hà Thanh Sơn cho hay hiện nay nhu cầu nhà ở rất lớn nhưng không ít người chưa nắm rõ các quy định nên đã xây dựng xâm phạm hành lang bảo vệ sông, kênh, rạch. "Nhiều trường hợp không lấn sông mà thi công trên hành lang bảo vệ, như vậy cũng bị xác định là vi phạm trong việc lấn chiếm. Do đó, người dân cần liên hệ với chính quyền địa phương để được hướng dẫn và cấp phép xây dựng công trình trong phạm vi được quy định" - ông Sơn khuyến cáo.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 16-7
Bình luận (0)