Theo Liên hiệp HTX Vận tải TP HCM, do thường xuyên xảy ra ùn ứ trên các tuyến đường vào giờ cao điểm khiến nhiều chuyến xe buýt về bến bị trễ từ 15 phút đến 20 phút. Hầu hết các tuyến xe buýt hiện nay đều không hoàn thành sản lượng được giao, chỉ đạt tỉ lệ từ 85%-90%.
Đa dạng kích cỡ xe buýt
Phân tích về những nguyên nhân dẫn đến sản lượng của toàn bộ hệ thống xe buýt trên địa bàn TP giảm, ông Đoàn Minh Tâm, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Xe khách Sài Gòn (Saigonbus), cho rằng do mạng lưới xe buýt của TP chưa được quy hoạch chính thức, thiếu các bãi hậu cần, bến trung chuyển…; cơ sở hạ tầng cho các tuyến xe (trạm dừng, nhà chờ, thông tin tuyến…) chưa hợp lý.
“Hầu hết các phương tiện hoạt động buýt của Saigonbus hiện nay đều xuống cấp nghiêm trọng nhưng nguồn thu hạn hẹp dẫn đến công tác duy tu, sửa chữa phương tiện chỉ mang tính chất cầm chừng chứ chưa nói đến việc đầu tư mới. Công ty không đủ kinh phí tăng lương cho đội ngũ lái xe, dẫn đến tình trạng thiếu hụt người có tay nghề và việc tuyển dụng lái xe cũng gặp nhiều khó khăn. Lương không tăng trong khi thời gian làm việc lại kéo dài từ sáng đến tối, lái xe nào cũng đều cảm thấy khó chịu và có thể dẫn đến hành vi không đúng mực với hành khách, thậm chí dẫn đến tình trạng mất an toàn giao thông” - ông Tâm nêu thực trạng.
Còn theo TS Nguyễn Hữu Nguyên (chuyên gia kinh tế đô thị, cán bộ Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Chính sách quốc gia Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM), xe buýt ở TP chỉ mới đáp ứng được từ 6%- 8% nhu cầu đi lại, hiện TP HCM chỉ có 1/3 số tuyến đường đủ chiều rộng để xe buýt có thể hoạt động. Đồng thời, do đặc điểm hoạt động kinh tế vỉa hè và mặt tiền của người dân đã tạo ra nhu cầu đi lại không theo tuyến khiến xe buýt không thể đáp ứng.
“Cần đa dạng kích cỡ phương tiện theo hướng giảm cỡ lớn, tăng cỡ vừa và nhỏ để thích hợp với từng loại đường giao thông ở từng khu vực. Nếu muốn giảm xe máy bằng cách tăng cường đi xe buýt thì sẽ rơi vào nghịch lý: đường hẹp, xe lớn; xe nhiều, ít khách dẫn đến lãng phí, làm ùn tắc giao thông và càng khiến người dân quay lưng với xe buýt” - TS Nguyên phân tích.
Tăng khả năng tiếp cận phương tiện
PGS-TS Phạm Xuân Mai (Khoa Kỹ thuật giao thông Trường Đại học Bách khoa TP HCM) cho rằng để khuyến khích người dân đi lại bằng xe buýt, cần quy hoạch tuyến từ nhà ra bến xe không quá 500 m, đầu tư thêm nhà chờ; cải thiện các dịch vụ, hình thức bán vé một cách đơn giản hơn, không tạo cảm giác căng thẳng cho hành khách đi xe. Với điều kiện giao thông hiện nay của TP, việc các tuyến xe buýt chạy đúng giờ, đúng tuyến rất khó nhưng vẫn phải thường xuyên kiểm tra để bảo đảm đúng thời gian quy định, tránh việc người dân bị trễ giờ, trễ chuyến.
Trước đó, tại hội thảo “Giao thông vận tải TP HCM 40 năm - Nhìn lại và hướng tới tương lai”, ông Lê Trung Tính, nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng (Sở GTVT TP), phân tích chính sách trợ giá cho hệ thống xe buýt tại TP còn nhiều tồn tại nhưng phải duy trì vì bản chất của hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt là không thể “lấy thu bù chi”. Vấn đề quan trọng là phải xác định được một chính sách trợ giá hợp lý trong điều kiện nguồn ngân sách có hạn bằng các biện pháp tăng thu, giảm chi phù hợp.
“Cần mở rộng hệ thống bán vé trước và đa dạng các loại hình vé nhằm thu hút hành khách; thay thế các loại xe để phù hợp với lượng khách và điều kiện mặt đường; điều chỉnh, cắt những tuyến xe có chặng dài… Về lâu dài, cần thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ như đầu tư phương tiện, cung ứng các dịch vụ theo định hướng khách hàng, dành đường ưu tiên cho xe buýt lưu thông…” - ông Tính đề xuất.
Cũng tại buổi hội thảo, TS Vũ Anh Tuấn (Trường Đại học Việt Đức) khẳng định khả năng tiếp cận với hệ thống giao thông công cộng là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng dịch vụ và sự hấp dẫn đối với hành khách. Khả năng này được đánh giá qua 3 yếu tố: sự dễ dàng để tiếp cận điểm dừng - đỗ, tiếp cận phương tiện và tiếp cận dịch vụ. Qua khảo sát tại TP HCM, phần lớn người sử dụng lo lắng về mức độ tiếp cận tới các điểm dừng - đỗ do quãng đường đi bộ đến những nơi này đã bị chiếm dụng, người đón xe phải đi dưới lòng đường hoặc băng ngang đường. Trong khi đó, hầu hết các xe buýt ở TP HCM đều thiết kế sàn cao mà không có các trang thiết bị hỗ trợ, dẫn đến sự bất tiện, mất an toàn cho người sử dụng, đặc biệt là người già, người tàn tật khi lên xuống xe. “Một khảo sát cho thấy thời gian chờ xe buýt và thời gian hoạt động của xe buýt hiện chưa hợp lý, ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận của sinh viên. Đa số họ muốn thời gian hoạt động của xe buýt kéo dài hơn để phục vụ việc học tập, tham gia các sự kiện…” - TS Tuấn cho biết.
Tổ chức đối thoại với người dân
Theo ông Đậu An Phúc, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng (Sở GTVT TP HCM), để tăng cường chất lượng phục vụ người dân, sắp tới sẽ tiến hành đổi mới phương tiện hoạt động, sử dụng nhiều xe khí sạch. Ngoài ra, sở sẽ mở các lớp tập huấn để tăng cường chất lượng dịch vụ của nhân viên, đơn vị vận tải.
“Cùng đồng hành với các hợp tác xã, chúng tôi sẽ xã hội hóa bến bãi để tăng cường phục vụ người dân. Đặc biệt, trong tháng 4-2016, chúng tôi sẽ tổ chức một cuộc đối thoại với người dân thường xuyên sử dụng xe buýt để tiếp thu ý kiến nhằm điều chỉnh cho phù hợp” - ông Phúc nhấn mạnh.
Bình luận (0)