Đó là ý kiến của các đơn vị vận tải tại hội thảo sử dụng nguyên liệu khí nén thiên nhiên (CNG) khu vực phía Nam do Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn (Samco), PVGas South tổ chức ở TP HCM sáng 6-4.
Với không tới
Không phải đợi đến bây giờ mà ít nhất là từ 5 năm trước, chính quyền TP HCM đã quyết tâm đưa xe buýt chạy bằng khí nén thiên nhiên ( xe buýt sạch) vào thay thế cho những xe buýt chạy bằng dầu diesel đang xuống cấp. Bằng chứng sau thời gian thí điểm, TP đã giao Samco thực hiện dự án đầu tư 300 xe buýt sạch trong giai đoạn từ 2013-2015, tổng vốn đầu tư 165 tỉ đồng. Hai năm trôi qua, dự án vẫn giậm chân tại chỗ, để rồi mới đây, UBND lại đồng ý gia hạn thời gian cho đơn vị này thực hiện dự án đến năm 2017.
Đại diện Samco lý giải sau khi được TP chấp thuận, đơn vị đã nghiên cứu đầu tư hệ thống dây chuyền sản xuất, lắp ráp theo công nghệ tiên tiến nhất của hãng Hyundai (Hàn Quốc), đạt tiêu chuẩn chất lượng toàn cầu, phù hợp với hoạt động vận tải hành khách công cộng tại các đô thị.
Thực tế, Samco cũng đã có xe mẫu và sản xuất được xe buýt sạch nhưng giá thành quá cao nên nhà xe không mặn mà. Cụ thể, theo Samco, giá mỗi xe đã được TP hỗ trợ phụ tùng, linh kiện đã là 2,75 tỉ đồng, còn xe chưa được hỗ trợ của TP có giá khoảng 3,1 tỉ đồng.
Trong khi đó, ông Trần Nguyễn Trường Linh, Giám đốc Nhà máy Sản xuất xe buýt Samco, cho biết đơn vị chỉ nhập khung xe, sau đó về lắp ráp, trang trí nội thất… Giá mỗi chiếc xe nói trên đã bao gồm thuế GTGT và xuất hóa đơn chứ chưa tính đăng ký, đăng kiểm… Theo một số doanh nghiệp vận tải, cộng dồn tất cả thì giá xe buýt sạch quá cao.
Cần chính sách ưu đãi
Tại hội thảo, ông Trần Văn Quan, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, thông tin đơn vị này cũng đang xin UBND tỉnh đầu tư 500 xe buýt chạy bằng nhiên liệu CNG nhưng đã trải qua 5 năm nay với 2 lần kiến nghị mà vẫn chưa đâu vào đâu. Nguyên nhân là do giá quá cao, tỉnh không đủ kinh phí.
Theo ông Quan, nếu giá thành xe buýt sạch khoảng 1,5 tỉ đồng thì may ra các doanh nghiệp còn đầu tư. Từ đó, ông Quan kiến nghị nhà nước nên hỗ 50% kinh phí, còn nếu không thì chịu thua.
Đại diện doanh nghiệp vận tải Việt Thắng lại cho rằng ngoài việc hỗ trợ kinh phí thì để giá mỗi chiếc xe buýt sạch rẻ hơn nữa so với giá mà Samco đưa ra, nhất thiết phải giao đề án cho nhiều doanh nghiệp chuyên sản xuất ô tô, chứ cứ giao cho mỗi Samco thì giá thành khó có thể giảm.
“Trở ngại lớn nhất đối với nhà xe hiện nay chính là giá xe buýt sạch quá cao, thời gian thu hồi vốn kéo dài, nảy sinh nhiều rủi ro. Do đó, dù có muốn cũng chẳng dám làm” - một đại diện doanh nói.
Ông Phùng Đăng Hải, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Vận tải TP HCM, thẳng thắn: “Các chính sách nói chung chỉ nằm ở Sở GTVT chứ chưa ra tầm TP, trung ương. Theo đó, hiện đơn vị tôi chỉ nhận được lời hứa về ưu đãi, còn trợ giá thì phải sau một năm hoạt động mới được hưởng, như vậy sẽ không đủ vốn bỏ ra. Quan trọng hơn là giờ đầu tư 2,75 tỉ đồng mua xe, đồng nghĩa với việc mỗi tháng doanh nghiệp phải bỏ ra 35 triệu đồng trở lên mới đủ trả vốn, lãi cho ngân hàng. Không ổn chút nào!”
Đồng quan điểm, ông Quan kiến nghị thêm: “Để xe buýt sạch trở nên phổ quát trên cả nước, chứ không riêng gì ở TP HCM (vì đây là xu thế tất yếu) thì UBND các tỉnh, thành phải ngồi lại, xem xét và có tiếng nói chung để trình lên Chính phủ những chính sách ưu đãi”.
Cung cấp đủ khí CNG
Một lo ngại nữa khiến xe buýt sạch ngày càng trở nên “xa lạ” chính là việc các doanh nghiệp lo không có đủ khí CNG để cung cấp. Giải đáp băn khoăn này, đại diện PVGas South cho rằng sẽ đáp ứng đủ khí CNG. “Lắp một trạm khí CNG mất khoảng 500 m2 đất, còn kết hợp với cây xăng thì khoảng 70 m2, thời gian mất khoảng 5 đến 6 tháng tại các bãi xe buýt nên có xe là có khí” - đại diện PVGas South khẳng định.
Bình luận (0)