Khi đã chuyển cho gã trai Tây hơn 11 triệu đồng, nghĩ lại, chị Trần Thị Ngọc Th. (33 tuổi, quê Bình Thuận, tạm trú ở một xóm trọ công nhân thuộc phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TP HCM) nghi mình bị lừa. Chị liền điện thoại cầu cứu, mong Báo Người Lao Ðộng can thiệp để có thể lấy lại tiền từ kẻ lừa đảo nhưng mọi thứ đã muộn.
Trò lừa bạc ác
Gặp phóng viên Báo Người Lao Ðộng, Th. rầu rĩ kể cách đây 2 năm, chị ly dị chồng và nhận nuôi 2 con. Cuộc sống ở quê khó khăn, chị gửi con gái lớn cho cha mẹ rồi dắt cậu con út 5 tuổi vào TP HCM. Không có tiền gửi nhà trẻ, hằng ngày chị dẫn con đến xưởng may, vừa làm vừa chăm nom.
Chị Th. làm việc từ sáng đến chiều tối nhưng lương cũng chỉ đủ cho 2 mẹ con chi tiêu và gửi chút ít cho con gái lớn ở quê. Gần đây, khi biết đến mạng xã hội, chị tạo một tài khoản Facebook và kinh doanh thêm quần áo trực tuyến, những mong tiết kiệm đủ vốn để về quê lập nghiệp.
Chuyện buôn bán trực tuyến quả thực không dễ nên cứ bữa đực, bữa cái. Một hôm, chị Th. tình cờ được một tài khoản có tên Morgan Lombardi đến từ nước Anh gửi lời mời kết bạn. Dù chưa biết gì nhiều nhưng gã trai Tây này đã nói những lời đường mật và tỏ ý làm quen với chị.
Sau một thời gian tâm tình trên mạng, gã Tây nói rất quý tính cách của người Việt Nam và đặc biệt thiện cảm với Th. nên tỏ ý tặng những món hàng tương đương 25.000 USD để chị có vốn làm ăn. Kế đến, gã Tây liên tục chụp hình những món đồ đắt tiền như iPad, iPhone và kèm theo hóa đơn, thùng hàng đã được gửi đi.
Ngày 26-4, chị Th. nhận được cuộc điện thoại với đầu số 09461xxx. Đầu dây bên kia, một giọng nữ tự xưng là nhân viên bưu điện đang giữ phần quà từ nước ngoài gửi về nhưng do bên trong có nhiều vật giá trị nên hàng bị giữ tại sân bay Nội Bài (Hà Nội). Muốn lấy được hàng, chị Th. phải đóng tiền cước phí phát sinh là 500 USD. Nghĩ rằng số tiền 500 USD chỉ là giá trị nhỏ đối với người nước ngoài kia nên chẳng chút nghi ngờ, chị Th. gọi điện thoại vay mượn từ bạn 6 triệu đồng và gom những đồng tiền còn lại của mình ra ngân hàng gửi.
Khi tiền đã chuyển đi, ngỡ hàng sẽ được gửi đến thì chị Th. lại liên tục nhận được điện thoại của nữ "nhân viên bưu điện" yêu cầu gửi thêm tiền để nhận được quà vì 500 USD chưa đủ. "Lúc này thì tôi biết mình đã bị lừa nên mới viết thư cầu cứu gửi Báo Người Lao Ðộng, mong báo phản ánh vụ việc. Tôi cũng mong thông qua báo, bọn lừa đảo sợ mà trả lại tiền cho tôi" - Th. hy vọng và cho biết sau vụ này thì chị thực sự trắng tay.
Khi Th. đang bị lừa thì ít nhất, 2 nữ công nhân ở cùng xóm trọ của chị cũng bị lừa bằng thủ đoạn tương tự nhưng không dám công khai tố giác với báo chí. Theo chị Trần Thị Ng. (27 tuổi, quê Long An - một trong 2 công nhân bị lừa), trước Tết nguyên đán, tình cờ chị được một người nước ngoài tên Muller, quốc tịch Mỹ, gửi lời mời kết bạn. Người này cho biết gia đình không còn ai và hiện đi học nghề phi công, có sở thích du lịch. Sau khi tốt nghiệp, gã sẽ về Việt Nam sinh sống vì thích khí hậu, ẩm thực nơi đây và đặc biệt thích chị Ng.
Muller chụp tấm hình có một kiện bưu phẩm đang được đóng gói tại sân bay Washington Dulles - Mỹ và nói đang gửi món quà trị giá hơn 1 tỉ đồng cho chị Ng. Sau đó, gã gọi điện thoại video Facebook, nói rằng kiện hàng đang bị tạm giữ ở Hà Nội. Vài giờ sau, một người xưng là nhân viên giao hàng gọi điện yêu cầu chị gửi số tiền 1.500 USD (gần 35 triệu đồng) kèm theo lời hù dọa: Không đóng đủ hàng sẽ bị trả ngược lại.
Lo lắng, chị Ng. gọi điện cho người thân, yêu cầu vay nóng tiền. Khi tiền vừa chuyển xong, chị lại nhận cuộc gọi tiếp, yêu cầu tạm ứng giá trị món quà là 960 triệu đồng. Nghĩ bụng đã đóng tiền rồi thì phải lấy được quà nên chị tức tốc đón xe đò về quê, yêu cầu cha mẹ mang sổ đỏ đến ngân hàng cầm cố… Rất may, khi Ng. kể cho người thân thì nhiều người nói chị đã bị lừa.
Chị Trần Thị Ngọc Th. kể lại chuyện bị gã trai Tây lừa khi kết bạn qua Facebook
Nhắm vào nữ giới
Chị Th. và chị Ng. thắc mắc: Khi các chị cung cấp số tài khoản của kẻ lừa đảo, liệu công an có lần ra để bắt được đối tượng, hoàn trả tiền? Trả lời câu hỏi này, một điều tra viên Công an quận Bình Tân, TP HCM cho biết thường thì các đối tượng lừa đảo lựa chọn các số tài khoản nhận tiền không phải chính chủ. Sau khi người bị lừa chuyển tiền, chúng dùng nhiều hình thức như thanh toán hóa đơn, dùng máy POS để rút tiền ra.
"Ðối với các đường dây có yếu tố người nước ngoài, công an quận sẽ kiến nghị Bộ Công an tham gia. Người dân cung cấp đầy đủ thông tin để hỗ trợ cơ quan chức năng thêm manh mối để điều tra" - vị điều tra viên đề nghị. Theo ông, ngay cả chủ thẻ, người đứng tên tài khoản cũng có thể liên đới. Bọn lừa đảo dạng này đang nhắm vào các đối tượng là phụ nữ, trong đó nhiều nhất là nữ công nhân. Do đó, công an địa phương cũng cần tăng cường tuyên truyền để công nhân nhận biết thủ đoạn lừa đảo trên.
Theo Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50 - Bộ Công an), qua điều tra, đơn vị này đã xác định được danh tính một tay trùm có tên H. Gã này hình thành một đường dây hoạt động kín kẽ, quy mô có tính chất quốc tế. Cách thức của đường dây này là hình thành các nhóm nhỏ và đối tượng nào bị bắt thì chúng cắt đứt liên lạc. Hầu hết các trang Facebook cá nhân lừa đảo đều sử dụng những hình ảnh đại diện là thanh niên nước ngoài đẹp trai, phong độ. Ðiểm dễ nhận diện của các trang này là ít đăng tải các dòng trạng thái.
Thiếu tá Nguyễn Việt Hùng, cán bộ Cục Cảnh sát hình sự (C45 - Bộ Công an), cho biết thời gian qua, lực lượng công an đã triệt phá và tạm giữ rất nhiều đối tượng người nước ngoài và người Việt Nam lừa đảo theo hình thức nêu trên.
Công an TP HCM lập đường dây nóng
Trước thực trạng lừa đảo qua mạng rầm rộ trở lại, Công an TP HCM kêu gọi khi có thông tin hoặc đang bị các đối tượng nước ngoài, đối tượng mạo danh lực lượng công an để yêu cầu chuyển tiền, tặng quà qua điện thoại hoặc internet, người dân nên liên hệ số điện thoại đường dây nóng: 028.3864.0508.
Bình luận (0)