Thái Lan đang trải qua hạn hán lớn nhất trong vòng 20 năm trở lại đây nhưng chính phủ nước này vẫn tổ chức lễ hội té nước truyền thống chào đón năm mới Songkran. Chính phủ Thái Lan đã yêu cầu Bộ Du lịch bảo đảm khách nước ngoài không hiểu nhầm về sự nghiêm trọng của hạn hán và hủy tour do sợ thiếu nước. “Chúng ta vẫn có đủ nước để tổ chức lễ mừng năm mới” - người phát ngôn của chính phủ Thái Lan, ông Sansern Kaewkamnerd, khẳng định. Bộ Du lịch nước này kỳ vọng tết Songkran năm nay kéo dài khoảng 5 ngày, thu về cho đất nước 427 triệu USD và thu hút hơn nửa triệu du khách.
Trong khi đó, chỉ tiêu số khách nước ngoài năm 2016 được giao cho TP HCM là hơn 5 triệu và doanh thu 103.686 tỉ đồng - so với con số 427 triệu USD trong 5 ngày của Thái Lan chẳng thấm vào đâu! Vậy mà con số chỉ tiêu đưa ra cho TP HCM được những nhà làm du lịch trong nước cho rằng khó đạt được.
Những “căn bệnh” làm chùn chân du khách vẫn còn nguyên đó: nạn kẹt xe, ăn xin, xin đểu, thủ tục nhập cảnh, nhân viên du lịch dở tiếng Anh, không rành sử, văn hóa địa phương, nhất là tour quá nghèo nàn.
Tour du lịch nghèo nàn không phải do TP HCM không có những điểm đến phong phú, thú vị. Chợ Lớn là một di sản với một bộ sưu tập chùa, miếu của người Hoa chưa được khai thác. Ở đó, du khách sẽ ngỡ ngàng với nhiều nét văn hóa địa phương mà họ sẽ không gặp được ở những nơi khác. Đây cũng là nơi mà những người từng đi Trung Quốc, Hồng Kông và các khu China Town trên thế giới khẳng định không đâu mì và hủ tiếu ngon hơn. Một trong những người chứng thực điều đó là nhà thơ Trần Tiến Dũng. Ông đã ăn mì New York, mì Melbourne, mì Hồng Kông… nhưng không thấy mì nào có thể qua được mì Chợ Lớn - vương quốc mì mà ông đã sống từ thiếu thời.
Rồi đến Gordon Ramsay, người sáng tạo và là giám khảo của Master Chef bên Mỹ. Chính Gordon đã đưa món hủ tiếu mì ông cho là rất ngon và có dịp thưởng thức ở Chợ Lớn ra làm đề tài thi trong tập 21 của kỳ thi năm 2013. Thế nhưng, Chợ Lớn không chỉ có mì mà còn rất nhiều món ăn đường phố nổi tiếng ở đây với những hàng quán cha truyền con nối, không mở rộng quy mô, không trương bảng hiệu để bảo tồn uy tín. Đó là một tập quán đáng trân trọng của người Chợ Lớn.
Thèm biển ư? Cần Giờ nằm cách trung tâm Sài Gòn hơn 1 giờ đi xe nhưng ít có tour nào đưa du khách nước ngoài đến Cần Giờ để thưởng thức hải sản tươi ngon và giá rẻ. Ít có tour nào đưa du khách đi thăm ngành muối thủ công “sạch” ở đấy hay ra thăm đảo nhỏ ở Thạnh An qua những tour home stay, ở qua đêm cùng người dân địa phương để sáng hôm sau thưởng thức hải sản tươi do người dân vừa đánh bắt lên.
Cũng ít tour đưa khách đi thăm rừng Sác qua tour du lịch sinh thái Vàm Sát, xuống sông bắt sò, giở chà bắt cá, chế biến món ăn tại chỗ, chiều nhìn cảnh chim bay về tổ. Rừng Cần Giờ, lá phổi của TP, được UNESCO công nhận là hệ sinh quyển thế giới, thưa dấu chân du khách.
Đáng buồn thay, các nhà làm du lịch do cạnh tranh không công bằng, kẻ được ưu đãi người không, thay vì lập ra một chuỗi các quán ăn ngon, giá bình dân, giúp du khách hưởng trọn vẹn hương vị Sài Gòn tích tụ từ 300 năm qua, lại dẫn du khách đến những nhà hàng ăn không ngon, giá vừa vừa. Du khách chán các tour nghèo nàn, ăn không ngon, một đi không trở lại.
Với sông nước vùng Củ Chi, người ta “bó tay” trước lục bình, không mở tour thường xuyên lênh đênh trên sông, tận hưởng gió mát giữa những ngày nắng nóng hay thưởng thức những món đặc sản địa phương như thịt bò tơ, thịt trâu, bánh tráng - một ngành sản xuất đặc thù của xứ này.
Một địa điểm du lịch bụi dành cho khách quốc tế như Phạm Ngũ Lão - Bùi Viện, khách cũng không được chiều chuộng, như người Thái chiều khách ba lô dùng súng bắn nước trong lễ hội Songkran năm hạn hán. Vì sao khu này không được “quy hoạch” để trở thành cực kỳ “bụi” cho du khách cảm được hết cái thân thiện của người Việt?
Cuối cùng, cái mà ông vua marketing Philip Kotler có lần đến TP HCM nhận định: “Việt Nam có thể trở thành nhà bếp thế giới” đã không được vận dụng. Ẩm thực đa dạng của TP này, nơi quy tụ tinh hoa ẩm thực của cả nước, đã không được đưa vào các sách giáo khoa bộ môn “Tiếp thị địa phương”, không có phương tiện truyền bá đến khách nước ngoài. Để rồi lượng khách mỗi năm một giảm. Quả là một điều đáng buồn!
Một bạn đọc có nick onggiaa thẳng thắn đánh giá: “Tôi là người Việt, không muốn chê đất nước mình nhưng từng đi nhiều nước Đông Nam Á, phải nói rằng không có ở đâu như Việt Nam. Chỉ cần sạch sẽ, không chặt chém, không cướp giật, đối xử bình đẳng, thân thiện, lúc đó hãy nói đến phát triển”.
Bạn đọc lấy tên Alexander Hsu viết: “Tôi từng đi du lịch Thái Lan, thấy rằng người dân nơi đây không hề mắng chửi khách nếu bạn chọn lựa và xới tung đồ vật mà không mua gì cả. Giá cả ở các khu du lịch như nhau, không phân biệt khách nội địa, nước ngoài. Đường phố có rất nhiều xe nhưng khi bạn băng qua đường, họ dừng xe để bạn qua. Thế nhưng, ở Việt Nam thì ngược lại”.
Góp ý cho tour kênh Nhiêu Lộc, bạn đọc Cao Văn Tùng nêu: “Thứ nhất, tại điểm xuất phát và điểm dừng chân phải có quầy bán hàng lưu niệm. Việc này nên để đơn vị khai thác được quyền bán cho mọi đối tượng nhằm tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp được hoạt động ổn định. Thứ hai, tăng cường tuần tra, phát hiện và xử lý thật nặng các hành vi xả rác, tiểu bậy, câu cá. Thứ ba, mạnh tay xử lý những cán bộ yếu kém, tư duy bảo thủ, gây khó khăn cho doanh nghiệp”.
Bình luận (0)