TP HCM xác định các ngành kinh tế dịch vụ có tiềm năng phát triển ven sông Sài Gòn, gồm: Giao thông, vận tải đường thủy; du lịch sinh thái, văn hóa lịch sử, làng nghề; du lịch đường thủy; khách sạn, ẩm thực; giải trí, thể thao… Để tận dụng các khu vực còn tiềm năng phát triển cạnh sông Sài Gòn, cần có nhiều giải pháp, trong đó có việc thiết kế cho công viên bờ sông Sài Gòn.
Du lịch sinh thái, văn hóa lịch sử
Công viên có thể mở ra các cụm bao gồm: cụm làng nghề thu nhỏ, cụm trải nghiệm văn hóa - lịch sử, cụm ẩm thực, cụm giải trí, thể thao và cụm khách sạn (có thể mở tất cả các cụm đối với khu vực có diện tích rộng, hoặc chọn một trong các cụm đối với khu vực ít diện tích hơn).
Biểu tượng công viên sẽ đem lại cho công viên một hình ảnh đặc trưng, đó cũng sẽ là biểu tượng khiến khách du lịch muốn "check-in" để đánh dấu địa điểm tuyệt vời mà mình đã đi qua. Vậy nên, công viên có thể thực hiện các cuộc thi thiết kế biểu tượng để chọn ra ý tưởng tuyệt vời nhất và đặt tại vị trí này.
Minh họa màn hình “Cột thông minh”
Đối với cụm làng nghề thu nhỏ: Trưng bày các làng nghề truyền thống như nghề đan lát Thái Mỹ, làng bánh tráng Phú Hòa Đông, làng lồng đèn Phú Bình, làng nem Thủ Đức... với mô hình thu nhỏ. Khách hàng đến có thể trải nghiệm dịch vụ qua việc thực hiện một trong các bước làm nên sản phẩm ngay tại đây. Việc này không chỉ giúp tăng thêm thu nhập cho người dân mà còn có thể tăng trải nghiệm đối với khách hàng trong và ngoài nước.
Đối với cụm trải nghiệm văn hóa, lịch sử: Mô hình mô phỏng các địa điểm nổi tiếng ở Sài Gòn xưa, bên cạnh đó cho thuê trang phục với quy định về giá cả hợp lý để thu hút khách du lịch đến "check-in", đăng tải lên mạng xã hội nhằm quảng bá về nơi đây với bạn bè trong và ngoài nước (ví dụ rạp chiếu phim/nhà hát xưa; sạp báo xưa; một đoạn đường Catinat; xe lam, xích lô… (chỉ được phép chụp hình).
Đối với cụm ẩm thực: Mở bán những sản phẩm là nét tinh hoa của ẩm thực Sài Gòn - Nam Bộ, các món ăn như bánh mì, cà phê, phở… với giá phải chăng, chuẩn hương vị Việt, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và trình bày đẹp mắt.
Đối với cụm giải trí, thể thao: Mở những quầy bar - café, trung tâm mua sắm để khách có thể ghé thưởng thức những bữa ăn sáng/trưa/chiều, ghé mua những món quà lưu niệm và nghỉ chân ngắm cảnh. Ngoài ra, khách có thể mua vé để trải nghiệm các hoạt động thể thao như chèo thuyền… ngay trên sông Sài Gòn trong không gian cho phép.
Mở tuyến du lịch đường thủy mới
Có thể học hỏi du lịch đường sông của Đà Nẵng bằng cách mở các tuyến mới. Từ đó, các tuyến du lịch từ sông Sài Gòn có thể phân thành 2 nhóm:
Nhóm 1: Các tuyến du lịch trên sông đưa khách đến thăm các làng nghề (tuyến ngắn: đi trong ngày về; tuyến dài: đi 2 ngày 1 đêm…) kết hợp giúp du khách trải nghiệm thực hiện một trong các bước làm nên sản phẩm ngay làng nghề ấy.
Nhóm 2: Các tuyến du lịch trên sông đưa khách đến thăm các địa điểm du lịch nổi tiếng (tuyến ngắn: đi trong ngày về; tuyến dài: đi 2 ngày 1 đêm…).
Minh họa mô hình “Công viên bờ sông”
Các tuyến du lịch cần chú trọng vào: Hướng dẫn viên thuyết minh về lịch sử của những điểm đến, các quầy bar - café và ẩm thực phục vụ những món ăn cũng như những đặc sản của điểm đến, các chương trình nghệ thuật có truyền thống từ xưa…
Cột thông minh
Công viên có thể thiết kế các cột với tên gọi "Cột thông minh" - được thiết kế tương tự như các máy ATM. Các cột thông minh có các tính năng: "Thực tế ảo" - cho phép trải nghiệm thực tế ảo về các giai đoạn lịch sử hơn 300 năm của Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh, những trận chiến lịch sử...; "Phản ánh" - mục để người du lịch phản ánh về tình hình an ninh trật tự… xảy ra ở công viên; "Báo cáo" - mục để người du lịch báo cáo với chính quyền về môi trường (xả nước thải trái phép, vứt rác bừa bãi xuống sông…); "Đóng góp" - cho phép du khách góp ý bằng hình thức ghi âm lời thoại hoặc qua địa chỉ email để công viên ngày càng phát triển; nếu ý tưởng xuất sắc, người góp ý sẽ nhận được tiền thưởng và được vinh danh. Trên các cột có mã QR để khách du lịch có thể quét mã và tải ứng dụng về với các tính năng tương tự trên cột.
Bình luận (0)