Một trong những biểu hiện về suy thoái đạo đức, lối sống được nêu trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII là "mắc bệnh" thành tích, háo danh, phô trương, che giấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích, đánh bóng tên tuổi; thích được đề cao, ca ngợi; "chạy thành tích", "chạy khen thưởng", "chạy danh hiệu".
Nhiều trường hợp "đến hẹn lại lên"
Khi thành tích, thi đua không được đánh giá một cách khách quan, công tâm, bình đẳng, lành mạnh mà để bị bóp méo, bị thiên lệch thì rõ ràng là biểu hiện chạy theo thành tích, là không có tính thi đua. Khen thưởng ở trong môi trường đó không có nhiều giá trị trừ việc để đánh bóng tên tuổi cá nhân hoặc tổ chức mà thôi!
Trên thực tế, thời điểm cuối năm, khi các cơ quan, đơn vị tiến hành bình xét thi đua, tổng kết hoặc đến dịp kỷ niệm thành lập ngành, thành lập cơ quan/đơn vị… thì việc khen thưởng diễn ra thường xuyên, sôi động. Tuy vậy, không phải trường hợp nào cũng thấy phấn khởi khi được khen thưởng.
Nhiều người đã nói quy định thưởng hiện nay có sự bất cập. Luật Thi đua - Khen thưởng nêu lên 4 nguyên tắc khen thưởng thì 3 nguyên tắc khi thực hiện chưa thuyết phục. Đó là các nguyên tắc: thứ nhất (chính xác, công khai, công bằng, kịp thời), thứ ba (bảo đảm thống nhất giữa tính chất, hình thức và đối tượng khen thưởng), thứ tư (kết hợp chặt chẽ động viên tinh thần với khuyến khích bằng lợi ích vật chất).
Rất nhiều trường hợp khen thưởng chưa chính xác, thiếu công khai, công bằng (biểu hiện rõ nhất là tình trạng "đến hẹn lại lên" chứ không phải do thành tích thực sự) và không kịp thời. Đã vậy, có những hoạt động lẽ ra có thể được khen thưởng ở mức cao do tính chất tác động, hiệu ứng xã hội… của thành tích nhưng lại chỉ được khen thưởng ở mức thấp và phần nhiều các hình thức khuyến khích vật chất chưa đủ tạo nên sự động viên tinh thần…
Chẳng hạn, việc để được tặng bằng khen của UBND cấp tỉnh thường khá khó khăn nhưng mức tiền thưởng dành cho cá nhân chỉ là 1 lần lương tối thiểu, tức chỉ có 1,49 triệu đồng. Hay mức tiền thưởng từ bằng khen của Thủ tướng Chính phủ đối với cá nhân là 3,5 lần lương tối thiểu, tức là 5,125 triệu đồng, trong khi để đạt được hình thức khen thưởng này là vô cùng khó.
Do đó, cần thiết phải xem lại hình thức thi đua và khen thưởng sao cho bảo đảm mục tiêu của thi đua là "nhằm tạo động lực động viên, lôi cuốn, khuyến khích mọi cá nhân, tập thể phát huy truyền thống yêu nước, năng động, sáng tạo vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao" như Luật Thi đua - Khen thưởng đã nêu.
Cần tránh tình trạng khen thưởng nhưng sau đó thì phát hiện vi phạm như vụ Công ty Việt Á. Trong ảnh: Các bị can trong vụ án Việt Á Ảnh: Bộ công an
Chống "chạy danh hiệu"
Khen thưởng phải thực sự tạo ra tính động viên, khích lệ. Do vậy, chỉ nên khen thưởng những trường hợp thực sự xứng đáng, có thành tích đặc biệt, xuất sắc, có hiệu ứng tốt trong cơ quan, đơn vị, cộng đồng, xã hội…
Đối tượng khen thưởng nên hẹp lại, đặc biệt tránh những trường hợp "đến hẹn lại lên", những trường hợp khen thưởng thiếu thuyết phục hoặc quá ưu ái cho lãnh đạo… Số lượng được khen thưởng giảm đi sẽ góp phần tăng tính động viên, tăng tiền thưởng và thuyết phục hơn.
Chống "chạy" danh hiệu, nhất là việc chạy danh hiệu đó nhằm đánh bóng tên tuổi để dễ che lấp các hành vi sai trái, vi phạm cũng là một yêu cầu quan trọng.
Xét thưởng phải theo kết quả thực tế đối với một số hành vi có tính chất đặc biệt, đột xuất. Các hành vi đó nên bao gồm những hoạt động tố cáo các vi phạm pháp luật nghiêm trọng (tham nhũng cùng các loại tội phạm hình sự khác). Chẳng hạn, nguồn tin tố giác một tập đoàn buôn bán ma túy, tố cáo đúng sự thật một hoạt động tham nhũng có tổ chức, tố giác một âm mưu khủng bố…
Trong các trường hợp vừa nêu, có thể xem xét thưởng theo tỉ lệ nào đó so với thiệt hại của nhà nước, của xã hội, của tập thể… do hành vi phạm tội gây ra hoặc được thưởng một mức riêng đặc biệt nào đó xứng đáng. Hay việc khen thưởng cho hành vi cứu được mạng người phải có hình thức khen thưởng thật sự tương thích và mức tiền thưởng có thể vượt ra ngoài các quy định chung.
Tính toán sử dụng khoản tiền phạt để thưởng cho người phát hiện, đấu tranh cũng là một cách làm hay. Chẳng hạn, trên lĩnh vực bảo vệ môi trường, các tổ chức và cá nhân vi phạm thì bên cạnh các chế tài hiện tại còn phải có trách nhiệm nộp phạt. Khoản phạt này nên được trích lại để thưởng cho cá nhân có thành tích đấu tranh tố giác hành vi gây ô nhiễm môi trường hoặc các hoạt động chống ô nhiễm môi trường… Thậm chí, trong trường hợp cá nhân phát hiện hành vi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thì có thể sử dụng ngay khoản tiền phạt cá nhân, tổ chức gây ô nhiễm để khen thưởng.
Cần cân nhắc thêm nhiều hình thức khen thưởng khác. Ví dụ như thư khen của người có thẩm quyền, tặng huy hiệu của các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Cùng với đó, kết hợp các hình thức khen thưởng với việc được thụ hưởng về giá trị vật chất và tinh thần khác như nâng lương trước thời hạn và vượt bậc; ưu tiên chuyển ngạch công chức, viên chức; đề bạt, bổ nhiệm...
Như vậy, rất cần thiết phải bảo đảm việc khen thưởng sao cho thiết thực, hiệu quả và có tính động viên cao. Phải thực sự tránh tình trạng sau khi vỡ lở mới phát hiện một số cơ quan chức năng đã khen thưởng cho những tổ chức, cá nhân thực ra có rất nhiều vi phạm (mà các vụ việc liên quan đến vụ án kit xét nghiệm của Công ty Việt Á là một ví dụ).
Bình luận (0)