Việt Nam là nước đầu tiên của châu Á và là nước thứ 2 trên thế giới thực hiện phê chuẩn Công ước của Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em (CRC). Việt Nam cũng là nước sớm có quy định về quyền trẻ em trong Hiến pháp và ban hành Luật Trẻ em. Năm 2021, báo cáo của Tổ chức Plan International đánh giá Việt Nam nằm trong nhóm những nước dẫn đầu khu vực châu Á về bảo đảm quyền trẻ em gái tham gia vào các chính sách.
Bắt đầu từ hoạt động giáo dục
Tuy nhiên, theo báo cáo của UNICEF, nhiều trẻ em Việt Nam vẫn còn sống trong tình trạng bị bạo hành và xâm hại. Rõ ràng, những điều chúng ta đang làm chưa đủ để bảo vệ và xây dựng một môi trường đủ tốt cho những thế hệ tương lai phát triển.
Bảo vệ trẻ em rất cần đi sâu vào tư duy, thái độ, hành động và trở thành một nét văn hóa cốt lõi của người Việt. Muốn như vậy, cần phải xây dựng một hệ sinh thái bảo vệ trẻ toàn diện, trong đó, các đối tượng, môi trường và các hoạt động có liên quan đến trẻ đều cần được điều chỉnh, vun đắp.
Hệ sinh thái bảo vệ trẻ nên được bắt đầu từ chính những đứa trẻ. Điều này nghe có vẻ nghịch lý nhưng lại là cách hiệu quả và mang tính gốc rễ nhất. Mỗi đứa trẻ sinh ra đều mang những đặc điểm khác biệt về tâm sinh lý, điều kiện sống vật chất và tinh thần, văn hóa gia đình, lịch sử phát triển cá nhân.
Do đó, mỗi đứa trẻ sẽ tương ứng với một mức nguy cơ tiềm ẩn khác nhau để có thể trở thành nạn nhân hoặc thậm chí là thủ phạm của những vụ bạo hành. Trẻ em rồi cũng sẽ trở thành người lớn, tất cả những bài học chúng nhận được trong suốt giai đoạn phát triển sẽ trở thành kinh nghiệm và là cơ sở tham chiếu quan trọng cho những hành vi sau này.
Nếu nhìn dưới góc độ đó, việc xây dựng hệ sinh thái bảo vệ trẻ em nên bắt đầu từ hoạt động giáo dục - đào tạo, đặc biệt là đào tạo kỹ năng sống, giúp trẻ hiểu và có bản năng tự bảo vệ mình trong những tình huống khẩn cấp.
Nguyễn Võ Quỳnh Trang diễn lại cảnh bạo hành bé gái 8 tuổi đến tử vong tại căn hộ. Ảnh: SỸ HƯNG
Bảo vệ trẻ toàn diện
Theo thống kê từ Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, tỉ lệ trẻ em Việt Nam bị bạo hành, xâm hại bởi chính người thân là rất cao, gần đây có xu hướng gia tăng. Rõ ràng, mối quan hệ thân thiết khiến trẻ ít đề phòng và mặc định hành vi bạo lực của người thân là điều chúng hiển nhiên phải chịu đựng.
Nguy cơ bạo lực trong các mối quan hệ xung quanh trẻ tùy thuộc đặc điểm của đối tượng người thân, khả năng tiếp cận, mức độ gần gũi với trẻ, đặc biệt là lịch sử, phạm vi kinh nghiệm của những người này. Vì vậy, cần xây dựng một cơ chế cung cấp thông tin đánh giá chất lượng các mối quan hệ xung quanh trẻ để có các chính sách giúp lành mạnh hóa và giảm rủi ro bạo lực.
Để bảo đảm an toàn trong các mối quan hệ, những người nhận nhiệm vụ nuôi dạy trẻ, dù dưới tư cách nào, cũng cần tham gia các khóa đào tạo để có thể nắm bắt được tâm sinh lý trẻ, điều tiết suy nghĩ và hành vi của chính mình, có đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết cho vai trò người đồng hành với trẻ. Những người này cũng cần hiểu rõ hệ thống pháp luật bảo vệ trẻ em.
Bên cạnh đó, cần xây dựng và kiện toàn hệ thống các tổ chức, hiệp hội đóng vai trò cung cấp hoặc khuyến khích cung cấp thông tin có liên quan đến vấn đề bạo hành trẻ em cùng việc tổ chức những kênh tiếp nhận và xử lý các thông tin này hiệu quả.
Sau gia đình, trẻ em mở rộng thế giới quan và các mối quan hệ xã hội của mình ở các môi trường học tập, vui chơi hoặc những khu công cộng… Đa phần các khu vực này là nơi có sự hiện diện của nhiều đối tượng và diễn ra các hoạt động đa dạng nên cơ chế tự kiểm soát cũng sẽ mạnh mẽ hơn so với cấp độ những người thân trong gia đình.
Vấn đề ở đây là cần xác định đặc điểm, mức độ nguy cơ của từng môi trường và khuyến khích, hỗ trợ trẻ xây dựng các mối quan hệ lành mạnh để tạo thêm nhiều kênh tương tác, giúp trẻ có thể chủ động cung cấp thông tin và bảo vệ chính mình.
Bên cạnh đó, cơ chế cảnh báo mức độ rủi ro với trẻ em ở các khu vực công cộng cần được xây dựng nhằm phát tín hiệu giúp trẻ và người thân có sự lựa chọn những nơi phù hợp và an toàn.
Quan tâm đến những chuẩn mực
Để thay đổi văn hóa "thương cho roi cho vọt" và "người lớn luôn luôn đúng" đòi hỏi sự nỗ lực toàn dân, bắt đầu từ những người trẻ, cùng sự hỗ trợ đến từ các chính sách nhà nước.
Bên cạnh các chính sách về y tế, giáo dục, kinh tế - xã hội giúp thu hẹp khoảng cách về điều kiện sống, tư duy, cơ hội tiếp cận kiến thức... giữa các nhóm người, chuẩn mực ứng xử đối với trẻ em nên được chuyển tải đến từng người Việt dưới mọi mặt trận thông qua tuyên truyền, vận động, âm nhạc, điện ảnh, sách vở, báo chí...
Tất nhiên, không thể trông chờ sự tự giác ý thức ngay từ đầu, việc áp dụng các sản phẩm công nghệ, kỹ thuật để giám sát hành vi, tạo động cơ cư xử đúng mực cũng là một giải pháp đem lại hiệu quả nhanh chóng và thiết thực.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 24-1
Bình luận (0)