Sau thời gian dài để xảy ra tình trạng hướng dẫn viên (HDV) người Trung Quốc hoạt động trái phép, vừa qua ngành du lịch đang ra sức lập lại kỷ cương, chấn chỉnh du lịch “chui”, được người dân rất đồng tình, hưởng ứng. Tuy nhiên, việc vận dụng luật quá cứng nhắc của Thanh tra du lịch TP Huế trong việc phạt phó tổng giám đốc một công ty ở Bình Dương dẫn 3 khách Nhật (đối tác của công ty) đi chơi tại chùa Thiên Mụ vì cho rằng ông này hướng dẫn “chui” đã khiến dư luận phản ứng bởi kiểu quản lý khi bất cập, khi thái quá.
“Bạn bè tôi ở nước ngoài qua Việt Nam du lịch, tôi rành về các địa điểm văn hóa, di tích không lẽ không giới thiệu cho họ biết? Cán bộ chúng ta làm việc hay thiệt, cứ quản không được thì cấm hoặc phạt mà quên rằng muốn xử phạt phải chứng minh người bị phạt đang có hành vi vi phạm pháp luật. Không thể dùng quyền lực để phạt xong rồi bắt người bị phạt phải chứng minh mình không sai. Đó vừa lạm quyền, thiếu tôn trọng khách vừa trái quy định của pháp luật” - bạn đọc Nguyễn Ngọc Thanh nêu ý kiến.
Về lập luận của ông Nguyễn Thanh Hòa, Phó Chánh Thanh tra du lịch Thừa Thiên - Huế: “Theo Luật Du lịch, trong phạm vi tất cả điểm tham quan di tích, người thuyết minh phải có thẻ hành nghề hướng dẫn viên, nếu không có thì phạm luật”, bạn đọc Lê Văn Tuấn đặt câu hỏi: “Nói như vậy hễ dẫn người thân là người nước ngoài đi tham quan, thuyết minh về di tích phải lận lưng tờ giấy chứng minh mối quan hệ, nếu không là phạm luật sao? Một người am hiểu, yêu thích văn hóa, di tích Huế thấy một đoàn khách nước ngoài thăm chùa Thiên Mụ nên nhiệt tình giới thiệu văn hóa Việt Nam sẽ bị phạt sao? Ai cũng hiểu làm “chui” là hoạt động lén lút, có thu tiền. Không chứng minh được điều này mà phạt người ta là sai rồi. Quản lý hoạt động du lịch đương nhiên và nhất thiết phải làm nhưng cái kiểu “quơ đũa cả nắm”, phạt lầm hơn bỏ sót như vậy, làm sao du lịch phát triển được?”.
Nhiều bạn đọc lưu ý nếu áp dụng luật cứng nhắc, không phân biệt đúng - sai sẽ tạo ra tiền lệ nguy hiểm và làm xấu đi hình ảnh du lịch Việt Nam trong mắt du khách nước ngoài. “Dẫn một nhóm bạn bè đi tham quan và bản thân mình hiểu biết về di tích, không có nhu cầu thuê người thuyết minh mà vẫn bị buộc phải thuê thì rất vô lý. Nếu luật chưa rõ ràng, không phù hợp với thực tế thì ngành du lịch cần kiến nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi chứ đừng vận dụng máy móc, cứng nhắc để rồi không quản lý đúng đối tượng mà còn làm mọi việc thêm rối rắm” - bạn đọc Lưu Hồng Minh nhấn mạnh.
Bình luận (0)