Liên quan đến vụ tai nạn khiến bé gái T.H.K (13 tuổi) tử vong, 1 thiếu niên khác bị thương sau khi tông vào xe ba gác chở tôn trên đường Trần Văn Chẩm (xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP HCM), ngày 2-10, các cơ quan chức năng đã lấy lời khai những người liên quan để phục vụ điều tra.
Tuy nhiên, từ vụ tai nạn này làm dấy lên nhiều nỗi lo khi ở TP HCM không khó bắt gặp hình ảnh những xe ba gác, xe tự chế... chở vật liệu xây dựng cồng kềnh, nguy hiểm chạy nghênh ngang trên đường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn nhưng không bị xử lý.
"Vì miếng cơm manh áo"!
Khoảng 9 giờ ngày 2-10, trên đường Lê Văn Việt (quận 9, TP HCM), chúng tôi bắt gặp chiếc xe ba gác chở tôn, ràng dây rất đơn sơ lao vun vút trên đường. Những tấm tôn với góc cạnh sắc nhọn rung lắc, kêu dữ dội. Ở một số đoạn đường, người lái còn rồ ga cho xe vượt lên khiến người đi đường hốt hoảng né tránh.
Trên địa bàn TP HCM, ghi nhận dọc tuyến Quốc lộ 1, Quốc lộ 13, Kha Vạng Cân (quận Thủ Đức), Nguyễn Duy Trinh (quận 2), xa lộ Hà Nội (quận 9), Bạch Đằng (quận Bình Thạnh), Trường Sa và Hoàng Sa (đi qua quận Bình Thạnh), Dương Quảng Hàm (quận Gò Vấp), Trương Định (quận 3)..., tình trạng xe ba gác, xe tự chế chở hàng cồng kềnh nhiều không đếm xuể, trong đó nhiều xe chở vật liệu xây dựng vương vãi xuống đường vì không được che chắn cẩn thận.
Tại đường Dương Quảng Hàm (quận Gò Vấp, TP HCM), giờ cao điểm, nhiều người điều khiển xe tự chế không đội mũ bảo hiểm, không biển số phóng bạt mạng. Theo anh Nguyễn Minh Bé (lái xe tự chế), tuyến đường này là nơi tập trung nhiều loại xe tự chế, xe ba gác. Anh lý giải: "Chủ hàng cần xe nhỏ để luồn lách được trên nhiều tuyến đường nhưng lại đòi hỏi mỗi chuyến phải chở được nhiều mới thuê. Chứng tôi buộc phải cơi nới thùng xe, chấp nhận mất hơn chục triệu đồng nữa. Trừ các chi phí, chủ xe chỉ kiếm được 50.000-200.000 đồng/chuyến nên ai cũng phải tranh thủ chạy thật nhanh, chạy được nhiều cuốc xe càng tốt".
Chứng kiến một tài xế xe ba gác đang chất đống phế liệu (tôn, sắt, vật nhọn...) cao chót vót lên xe trên đường Tam Hà (quận Thủ Đức), chúng tôi hỏi thì tài xế cho hay chở thuê cho người thu mua ve chai, địa điểm giao hàng trên địa bàn quận 9. "Tôi biết chở hàng cồng kềnh là nguy hiểm nhưng vì miếng cơm manh áo phải chấp nhận. Có khi chở hàng được 400.000- 500.000 đồng nhưng bị CSGT phạt còn mất tiền nhiều hơn" - ông Trần Văn Hùng (chạy xe ba gác) than vãn.
Còn anh Nguyễn Thành Kim (chủ một xe tự chế) vừa chất gạch đến không còn chỗ chứa lên xe trước một cửa hàng xây dựng tại phường 25, quận Bình Thạnh vừa cho biết đây là phương tiện mưu sinh duy nhất của gia đình anh. "Khi nào bị bắt, bị xử phạt thì tính sau chứ không chạy thì hôm nay con tôi đói. Năm giờ chiều công an đứng chốt rồi, tôi phải tranh thủ giao xong đống gạch này để kiếm thêm cuốc nữa. Ráng tránh được khi nào hay khi đó, chứ xe này mà gặp công an bắt thì bị thu luôn" - vừa nói dứt câu, anh Kim đã lên xe lao đi, thoát khỏi con hẻm nhỏ trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, mất hút.
Trời mưa, đường trơn, người lái không đội mũ bảo hiểm vẫn điều khiển chiếc xe tự chế chở đầy gạch lao vun vút trên đườngẢnh: Ý Linh
Xe chở tôn chạy tốc độ cao trên đường Lê Văn Việt (quận 9, TP HCM) Ảnh: Sỹ Hưng
Tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn
Theo Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP HCM, hơn 10 năm nay, TP HCM không cho phát triển loại hình xe ba bánh. Số lượng xe được Chính phủ phê duyệt cho thí điểm năm 2009 (thường gọi là xe 4 bánh 50-TĐ) hiện chỉ trên dưới 200 phương tiện. Thế nhưng, trên thực tế, xe tự chế để chở hàng sản xuất nhiều, các biển số gắn trên xe đều là biển giả, phương tiện không bảo đảm kết cấu kỹ thuật khi lưu thông. Thống kê năm 2019, TP HCM đã thanh lý và tiêu hủy hơn 30.000 phương tiện xe 3-4 bánh tự chế. Liên quan đến tai nạn giao thông do phương tiện này gây ra chiếm tỉ lệ gần 2% so với tổng số vụ.
Cũng theo Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt, hầu hết các tuyến đường nội thành đều cấm xe 3-4 bánh tự chế nên các phương tiện này chủ yếu lưu thông ở các quận - huyện vùng ven. Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt thường xuyên tổ chức các chuyên đề xử phạt, trong đó áp dụng hình thức tạm giữ và tổ chức tiêu hủy. Tuy nhiên, do giá xe rẻ (chỉ từ 50-80 triệu đồng/chiếc), có khả năng vận chuyển nhiều và đáp ứng nhu cầu cao nên nhiều người vẫn tiếp tục sử dụng phương tiện này để làm kế sinh nhai. Lực lượng chức năng ngoài việc kiểm tra cũng thường xuyên phối hợp công an địa phương nhắc nhở, xử lý các cơ sở sửa chữa xe máy, cơ sở làm sắt tự ý chế, độ phương tiện 3-4 bánh.
Còn theo ông Ngô Ngọc Sơn, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 50-07V (Cục Đăng kiểm Việt Nam), từ năm 2015, quy định bắt buộc xe 50-TĐ phải đăng kiểm nhưng chỉ có 1.600 lượt xe đến đăng kiểm, trung bình mỗi tháng khoảng 100 phương tiện. "Bình thường xe 50-TĐ ít khi đăng kiểm và chỉ khi nào thấy lực lượng CSGT tổ chức chuyên đề tăng cường xử phạt mới chấp hành" - ông Sơn nói. Theo ông Sơn, hiện nay dọc Quốc lộ 1 đi qua địa bàn TP HCM, xe 3-4 bánh tự chế gần như áp đảo.
Những vấn đề pháp lý cần quan tâm
Theo luật sư Nguyễn Thành Công (Giám đốc Công ty Đông Phương Luật), xe chở hàng cồng kềnh đã vi phạm vào điều 31 Luật Giao thông đường bộ, bị xử lý theo quy định tại điểm k, khoản 3, điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP với mức phạt từ 400.000 - 600.000 đồng. Nếu gây tai nạn thì tùy theo mức độ và lỗi mà bị xử lý vi phạm hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự.
Vụ tai nạn mới xảy ra ở huyện Củ Chi, với các thông tin sơ bộ thì chưa rõ lỗi của hai bên thế nào nhưng đã có 1 người chết, 1 người bị thương, mà người chết là bé gái 13 tuổi nên khả năng khởi tố vụ án là rất cao vì phát sinh nhiều loại trách nhiệm tương ứng.
Nếu hoàn toàn lỗi của người điều khiển xe 3 bánh thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại điều 260 Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Do hiện chưa có giám định thương tích của nạn nhân bị thương nên khả năng sẽ xử lý theo khoản 2, điều 260, tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" là chở hàng cồng kềnh, không bảo đảm an toàn gây tai nạn chết người.
Việc xe chở tôn không bảo đảm an toàn gây tai nạn đã xảy ra và nhiều vụ tai nạn rất thương tâm nhưng thực tế vẫn tồn tại hoạt động này. Quy định pháp luật đã có trong Luật Giao thông đường bộ đến quy định xử phạt hành chính và cả trong Bộ Luật Hình sự nhưng dường như chưa đủ răn đe.
"Cần phải nhận thức việc chở các loại hàng hóa cồng kềnh là nguy hiểm nhưng mức độ khác nhau. Xe chở rơm có tính nguy hại hoàn toàn khác với xe chở tôn cuộn, để trần. Va chạm vào xe chở tôn rất dễ gây thương tích đến chết người ở rất nhiều vị trí của xe nên tính nguy hiểm cao hơn hẳn. Tôi đồng tình với kiến nghị triệt để xóa bỏ xe chở hàng hóa cồng kềnh nguy hiểm. Có như thế mới hạn chế được các tai nạn thương tâm và nhiều hệ lụy khác" - luật sư Nguyễn Thành Công nêu ý kiến.
Về phía gia đình nạn nhân đã mất, mẹ nạn nhân nói rằng chiếc xe này chủ cho nhiều người khác mượn, bé gái thấy có chìa khóa để sẵn nên tự lấy đi. Vấn đề này cũng cần làm rõ vì nạn nhân mới 13 tuổi, chưa đủ tuổi điều khiển xe máy (dưới 50 phân khối) lẫn xe trên 50 phân khối.
Theo quy định tại khoản 1, điều 60 Luật Giao thông đường bộ, người đủ 16 tuổi mới được điều khiển xe máy dưới 50 phân khối, đủ 18 tuổi mới được điều khiển xe trên 50 phân khối. Nếu đủ cơ sở cho rằng có sự giao xe của người lớn cho bé thì phát sinh trách nhiệm hình sự về tội "Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ" tại điều 264 Bộ Luật Hình sự và vì có chết 1 người và 1 người bị thương nên khả năng bị truy cứu trách nhiệm ở khoản 2 với mức hình phạt đến 3 năm tù.
Phạm Dũng ghi
Bình luận (0)