Thế nhưng, từ nhiều năm nay, khu dân cư không hề yên tĩnh, chưa sạch sẽ do một số hộ ở đây nuôi chó nhưng để chó chạy rông ra đường, đi vệ sinh bừa bãi.
Ở đây tôi chưa nói đến sự mất an toàn khi những con chó thả rông có thể cắn người qua lại trong hẻm hoặc là tác nhân gây tai nạn giao thông. Điều tôi muốn đề cập chính là sự bực bội của hầu hết những người dân trong khu dân cư khi phải thường xuyên "chịu trận" bởi những bãi nước tiểu, phân chó vương vãi khắp hẻm hầu như mỗi ngày. Những con chó bị nhốt nhiều giờ trong nhà, được thả ra, chúng phóng như bay khắp con hẻm, đi vệ sinh bất kỳ ở đâu. Chỉ một số ít gia đình dọn sạch sẽ, còn phần đông ngó lơ khiến người già đi lại, trẻ nhỏ chơi đùa thường bị "dính chưởng" khi giẫm phải phân chó.
Quá bức xúc, có người lên tiếng thì có khi chủ chó thách thức dẫn đến xóm giềng xích mích, cãi vã, thưa kiện nhau. Không ít lần tổ trưởng khu dân cư thông qua các cuộc họp nhắc nhở đến chuyện này, đề nghị các hộ nuôi chó không được để tình trạng trên tái diễn nhưng cũng chỉ được một thời gian ngắn, đâu lại vào đó.
Tôi nghĩ không riêng khu dân cư của tôi mà còn nhiều nơi khác cũng bức xúc vì chó thả rông ngoài đường, đi vệ sinh bừa bãi. Việc thả rông chó ra đường, không có rọ mõm, để chó phóng uế ở nơi công cộng đều là những hành vi trái với quy định pháp luật, có thể bị xử phạt cảnh cáo, phạt tiền, thậm chí xử lý hình sự (quy định cụ thể trong Luật Giao thông đường bộ, Nghị định 46/2016/NĐ-CP, Bộ Luật Hình sự…). Vì vậy, ngoài việc tuyên truyền nâng cao ý thức, sự hiểu biết về pháp luật cho người nuôi, các ngành chức năng và chính quyền địa phương cần có biện pháp nghiêm khắc, áp dụng những quy định của pháp luật để mạnh tay xử lý vi phạm nhằm chấn chỉnh tình trạng chó thả rông, phóng uế nơi công cộng tạo môi trường sống trong lành, an toàn và văn minh.
Bình luận (0)