Việc dựng rào chắn thi công các công trình đã góp phần làm cho giao thông khu vực đó và các tuyến đường xung quanh rơi vào tình trạng ùn ứ, thậm chí kẹt xe nghiêm trọng.
113 "lô cốt" trên đường
Điển hình, trên địa bàn quận 1 đang có 9 vị trí bị rào chắn, đáng chú ý là dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên trên đường Lê Lợi khiến cho khu vực xung quanh đường Lý Tự Trọng, Pasteur thường xuyên bị ùn tắc. Tại đường Tôn Đức Thắng, ảnh hưởng của công trình nhà ga Ba Son nên khu vực này thường bị ùn tắc kéo dài.
Trên địa bàn quận 11, tại góc ngã ba đường Bình Thới và Lạc Long Quân là "lô cốt" thi công dự án cải thiện môi trường nước TP HCM, lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi Tẻ giai đoạn 2. Công trình này nằm trước trường học nên gây ùn tắc nghiêm trọng vào giờ cao điểm...
Dự án cải tạo hệ thống thoát nước rạch Hàng Bàng khiến tuyến đường Minh Phụng, Bình Tiên, Bãi Sậy bị vạ lây; công trình cầu chui An Sương với hệ thống rào chắn chiếm phần lớn mặt đường cũng dẫn đến ùn ứ. Không chỉ trục đường chính từ đường Trường Chinh qua Quốc lộ 22 mà những tuyến đường xung quanh cũng đều bị ảnh hưởng.
Theo ông Ngô Hải Đường, Trưởng Phòng Khai thác hạ tầng giao thông thuộc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, hiện nay trên địa bàn TP có tổng cộng 113 vị trí rào chắn trên đường bộ để phục vụ thi công các công trình hệ thống thoát nước có vốn ODA và những dự án khác trên 50 tuyến đường. Trong đó, quận 1 có 9 vị trí; quận 4 có 16 vị trí; quận 5 có 8 vị trí; quận 2, quận 9, Thủ Đức có 16 vị trí; quận 8 có đến 18 vị trí.
"Từ nay đến trước, trong và sau Tết, do số lượng lô cốt sẽ tăng giảm không đáng kể, trong khi nhu cầu đi mua sắm, chơi lễ, Tết tăng cao nên sẽ ảnh hưởng lớn đến giao thông TP" - ông Đường nhấn mạnh.
“Lô cốt” trên đường Lạc Long Quân, quận 11, TP HCM Ảnh: Hoàng Triều
Ngoài ra, do cuối năm, hàng hóa đổ về các cảng tăng cao nên lượng phương tiện ra vào cảng tăng đột biến dẫn đến ùn ứ. Điển hình, đường Nguyễn Duy Trinh, đoạn trước cảng Phú Hữu kéo dài đến vòng xoay Vành đai 2 (quận 2) liên tục xảy ra tình trạng ùn ứ giao thông nghiêm trọng. Hai hướng của tuyến đường này đều kẹt cứng, xe tải, container nối đuôi nhau nhích từ chút một. Tuyến đường nối cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây cũng kẹt xe nghiêm trọng cả 2 chiều.
Do lượng phương tiện dồn ứ quá nhiều dẫn đến tuyến đại lộ Võ Văn Kiệt (đoạn từ đường nối cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây đến hầm sông Sài Gòn) cũng bị ùn ứ theo. Tương tự, xa lộ Hà Nội (quận Thủ Đức) thời gian qua cũng thường xuyên xảy ra ùn ứ giao thông do lượng hàng đổ về cảng Phước Long tăng đột biến.
"Liên minh" chống kẹt xe cuối năm
Theo Sở GTVT, để chuẩn bị cho đợt cao điểm lễ, Tết cuối năm, ngành giao thông đã chủ động phối hợp với các đơn vị có chức năng triển khai nhiều nội dung, trong đó chú ý đến các "điểm đen". Điển hình, khu vực sân bay Tân Sơn Nhất theo dự báo sẽ có lượng phương tiện tham gia đông nhất trên địa bàn TP. Vì vậy, UBND TP đã thành lập tổ công tác chuyên ngành phản ứng nhanh các tình huống xấu có thể dẫn đến ùn tắc giao thông tại khu vực. Ngoài ra, mở mới nhánh đường rẽ trái từ đường Bạch Đằng về đường Hồng Hà để tránh lượng xe tập trung về đường Trường Sơn.
Đối với khu vực cảng Cát Lái (quận 2), ngoài phát huy thế mạnh của tổ công tác liên ngành nói trên, tiếp tục xử lý nghiêm các trường hợp dừng - đỗ sai quy định; tăng cường lực lượng điều tiết giao thông tại khu vực nút giao An Phú, Mỹ Thủy, đường Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống; phối hợp với Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn có kế hoạch phân bổ lượng hàng hóa, tránh tập trung dồn hàng.
Đối với khu vực ga đường sắt Sài Gòn, tổ chức lực lượng điều tiết giao thông tại các vị trí đường ngang giữa đường sắt và đường bộ; hạn chế xe lưu thông qua vị trí đường ngang trên đường Trần Văn Đang (quận 3); tăng cường các tuyến xe buýt đi và đến sân bay. Khu vực Bến xe Miền Tây, Bến xe Miền Đông, Thanh tra Sở GTVT tăng cường hoạt động thanh tra chuyên ngành, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đặc biệt là các hành vi lợi dụng dịp cao điểm Tết để lập tụ điểm đón, trả khách trái phép mang tính bến "cóc", xe "dù".
Không cho phép sử dụng lòng đường, vỉa hè
Trước đề xuất hỗ trợ phân luồng giao thông phục vụ tổ chức sự kiện văn hóa - nghệ thuật tại khu vực Công trường Quốc Tế (hồ Con Rùa) của UBND quận 3, Sở GTVT cho rằng việc này gây ảnh hưởng rất lớn đến tình hình giao thông tại khu vực nên thống nhất không sử dụng lòng đường, vỉa hè trên các tuyến đường xung quanh khu vực Công trường Quốc Tế.
Ngoài ra, nhằm tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, Sở GTVT kiến nghị UBND TP chỉ đạo 24 quận, huyện không thực hiện hay cho phép thực hiện việc sử dụng lòng đường, vỉa hè để tổ chức các hoạt động ngoài mục đích phục vụ giao thông.
Bình luận (0)