Hình ảnh xe chở hàng cồng kềnh vô tư “dạo phố” và thực tế đã có tai nạn chết người xảy ra khiến dư luận thật sự bức xúc. Điều đáng nói, sau mỗi đợt cảnh sát giao thông (CSGT) ra quân xử phạt, tình trạng có giảm đôi chút nhưng chỉ một thời gian ngắn thì mọi chuyện lại diễn ra như cũ.
Dễ làm mất sinh kế của người nghèo
Tại TP HCM, ngày 26-9, Đội CSGT quận 9 đã có đợt ra quân tổ chức chốt chặn, thực hiện công tác tăng cường xử lý xe ba bánh, xe tự chế, tự đóng chở hàng hóa cồng kềnh trên các tuyến đường gây mất an toàn, trật tự giao thông trên địa bàn. Chỉ sau khoảng 2 giờ đầu ra quân, đội đã phát hiện và xử phạt hàng chục trường hợp xe chở hàng quá cỡ, quá tải, trong đó đa số các phương tiện vi phạm là xe ba gác chở vật liệu từ các cửa hàng xây dựng, sắt thép… Lực lượng CSGT quận 9 đã tháo gỡ và thu giữ phần tự chế, một số xe chở hàng cồng kềnh bị buộc phải hạ tải. Đối với những phương tiện không đầy đủ giấy tờ sẽ bị đưa về cơ quan chức năng để xử lý.
Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng Ban An toàn giao thông (ATGT) TP HCM, cho biết sau một thời gian triển khai chủ trương cấm xe ba gác, xe thô sơ tự chế, tình hình có chuyển biến rõ rệt. Tuy nhiên, ở một số tuyến đường ngoại thành vẫn xuất hiện các xe thô sơ, tự chế tham gia giao thông. Việc xử phạt, thu giữ loại xe này chưa được triệt để vì nhiều nguyên nhân, trong đó khó giải quyết nhất là vấn đề sinh kế của các hộ nghèo.
Mức phạt chưa đủ răn đe
Ghi nhận tại Hà Nội sau 1 ngày CSGT Hà Nội ra quân xử lý xe chở hàng cồng kềnh, vẫn còn nhiều tuyến đường như Đại Kim, Láng, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Xiển… xuất hiện xe tự chế, xe 3 bánh chở hàng cồng kềnh với nhiều vật sắc nhọn đưa ra phía trước hoặc phía sau lưu thông trên đường, nhất là vào buổi trưa, khi vắng lực lượng CSGT. Trong ngày 26-9, lực lượng CSGT đã kiểm tra, xử lý 34 trường hợp chở hàng cồng kềnh, quá chiều cao, chiều dài cho phép.
Thiếu tá Vũ Văn Hoài, Đội trưởng Đội Tuyên truyền, điều tra, khám nghiệm tai nạn giao thông (PC67) - Công an TP Hà Nội, cho rằng chế tài xử phạt đối với các lỗi vi phạm trên chưa đủ sức răn đe, dẫn đến tình trạng người dân sau khi bị xử phạt vẫn tiếp tục vi phạm. Cụ thể, theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP, hành vi “xếp hàng hóa trên xe vượt quá giới hạn quy định; điều khiển xe kéo theo xe khác, vật khác” bị phạt tiền từ 300.000 đến 400.000 đồng. Đối với các trường hợp vi phạm lỗi chở hàng cồng kềnh, lực lượng CSGT yêu cầu hạ hàng xuống đường, chờ phương tiện khác đủ tiêu chuẩn đến chở đi. Với xe ba bánh, nếu người điều khiển có thẻ thương binh và chở hàng đúng quy định sẽ được tạo điều kiện cho di chuyển tiếp; ngược lại, sẽ bị thu giữ phương tiện.
Trung tá Lê Tú, Đội trưởng Đội CSGT số 3 - Công an TP Hà Nội, thừa nhận việc xử lý xe ba gác, xe quá khổ, quá tải gặp nhiều khó khăn do lực lượng CSGT quá mỏng. Nhiệm vụ của CSGT là tuần tra kiểm soát, bảo đảm trật tự ATGT và xử lý vi phạm nhưng người vi phạm biết được thời gian hoạt động của lực lượng CSGT (giờ cao điểm, buổi trưa và buổi tối) nên tránh đi lúc đó hoặc đi trong các ngõ nhỏ. Theo trung tá Tú, muốn dẹp bỏ triệt để tình trạng này, cần các cơ quan chức năng có thẩm quyền cùng vào cuộc.
Trong khi đó, ông Hà Huy Quang, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, cho biết theo Quyết định 06/2013/QĐ-UBND Hà Nội, cấm các loại xe Lambro, công nông, máy trộn bê-tông, xe 3, 4 bánh tự chế, mô tô 3 bánh dùng để chở khách và hàng hóa cùng xe súc vật kéo, xe người kéo, xe đẩy tay (trừ xe của người tàn tật, xe nôi trẻ em) trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, các tuyến đường bộ trong khu vực đông dân cư thuộc địa phận TP Hà Nội. Hiện thanh tra giao thông thường xuyên phối hợp với các lực lượng liên ngành xử lý nên tình trạng trên cũng giảm nhiều nhưng vẫn còn một số người dân cố tình vi phạm.
Đã ban hành nhiều văn bản xử phạt
Tại TP Đà Nẵng, hầu hết các cơ sở sản xuất - kinh doanh tôn, thép, vật liệu xây dựng đều sử dụng xe bò làm phương tiện vận chuyển chủ yếu trong khi đa số xe này đã xuống cấp, hư hại nặng.
Ông Phan Tấn Lực, Phó trưởng Phòng CSGT TP Đà Nẵng, cho biết đối với những chiếc xe bò, xe 3 bánh tự chế, Phòng CSGT TP giao công an khu vực quản lý những người điều khiển; những xe chở quá khổ, quá tải lưu thông trên đường phố thì CSGT xử lý theo chuyên đề hằng năm.
Còn theo ông Nguyễn Hữu Cường, Chánh Văn phòng Ban ATGT TP Đà Nẵng, đơn vị đã có nhiều văn bản yêu cầu CSGT TP tiến hành xử phạt những trường hợp chở hàng hóa, sắt thép, vật liệu xây dựng cồng kềnh; đặc biệt là đối với các loại xe 3 bánh tự chế, không bằng lái, xe bò, xích lô chở hàng cồng kềnh.
Q.Quý
Bình luận (0)